Các nhà ngoại giao hàng đầu hai nước tiếp tục tranh cãi về trách nhiệm đối với dịch bệnh đang lây lan toàn cầu, nguồn gốc của virus và những thuyết âm mưu xung quanh.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tranh cãi với người đồng cấp Trung Quốc hôm 16/3 về việc mà ông gọi Bắc Kinh “đổ lỗi cho Mỹ về Covid-19”, giữa lúc những lời cáo buộc, thậm chí thuyết âm mưu, làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên.
Sau khi các quan chức ở Bắc Kinh lan truyền thuyết âm mưu rằng quân đội Mỹ có thể đã đưa chủng virus corona mới đến Trung Quốc, ông Pompeo đã gọi cho ông Dương Khiết Trì, Ủy viên quốc vụ Trung Quốc phụ trách đối ngoại.
Lời qua tiếng lại
“Đây không phải là lúc để lan truyền thông tin thất thiệt và tin đồn dị hợm, mà là lúc để tất cả quốc gia hợp tác cùng nhau để chiến đấu với mối đe dọa chung”, ông Pompeo nói trong cuộc điện đàm, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trong cuộc trò chuyện, ông Dương, nhà ngoại giao hàng đầu Bắc Kinh, lên án việc các nghị sĩ Mỹ chỉ trích nỗ lực chống dịch của Trung Quốc, theo truyền thông nước này.
Phát ngôn của các chính trị gia Mỹ đã “tiếp tục bôi nhọ” các biện pháp của Bắc Kinh và “làm dấy lên sự phẫn nộ mạnh mẽ của nhân dân Trung Quốc”.
Ông Dương nói Mỹ sẽ không thành công với nỗ lực làm mất uy tín của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ chống lại bất cứ hành động nào ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Ông cũng kêu gọi Ngoại trưởng Pompeo tăng cường hợp tác với Trung Quốc và cộng đồng quốc tế vì an ninh và sức khỏe của cộng đồng toàn cầu.
Mỹ và Trung Quốc đã lời qua tiếng lại về nguồn gốc của chủng virus corona mới, tác nhân gây nên “đại dịch” Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ ở nhiều nước ngoài Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Hôm 16/3, khi được hỏi về sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ đối với các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế đi lại, Tổng thống Donald Trump nói: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ các hãng hàng không 100%”.
“Đó không phải là lỗi của họ, không phải lỗi của bất cứ ai, trừ khi bạn truy đến nguồn gốc ban đầu, nhưng đó không phải là lỗi của bất cứ ai”, ông nói.
Tuần trước, Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã gọi căn bệnh là “virus corona Trung Quốc”, trong khi bản thân Ngoại trưởng Pompeo tháng này gọi là “virus corona Vũ Hán”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích cả hai cách gọi, cho đây là hành động bêu xấu nước này.
Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên công khai đề cập một thuyết âm mưu cho rằng dịch bệnh có thể liên quan đến đến việc quân đội Mỹ tham gia Hội thao Quân sự Thế giới được tổ chức tại Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng 10/2019.
Vũ Hán, tỉnh lỵ tỉnh Hồ Bắc, đến nay được xem là nơi đầu tiên ghi nhận các ca nhiễm virus corona chủng mới ở người. Hầu hết đánh giá ban đầu chỉ ra các ca này có liên hệ với một chợ hải sản có bán động vật hoang dã ở trung tâm thành phố.
Thúc đẩy thuyết âm mưu
Phát ngôn của ông Triệu, được đăng trên Twitter hôm 13/3, khiến Mỹ tức giận và Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải để phản đối.
“Trung Quốc đang tìm cách đánh lạc hướng những chỉ trích về vai trò của họ trong việc gây ra đại dịch toàn cầu và không nói gì với thế giới”, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói sau cuộc triệu tập.
“Truyền bá các thuyết âm mưu là nguy hiểm và lố bịch. Chúng tôi muốn thông báo cho chính phủ (Trung Quốc) rằng chúng tôi sẽ không dung thứ cho việc đó, vì lợi ích của người dân Trung Quốc cũng như thế giới”.
Sau cuộc tranh cãi, các đại sứ Trung Quốc tại Kazakhstan và Nigeria lên tiếng ủng hộ ông Triệu, thúc đẩy thuyết âm mưu nhằm vào Mỹ.
Ông Trương Tiêu, Đại sứ tại Kazakhstan, chỉ trích Mỹ trên Facebook hôm 14/3.
“Việc các vị thiếu khẩu trang, găng tay, dụng cụ xét nghiệm, trang thiết bị, và thậm chí việc thị trường chứng khoán của các bạn lao dốc, tất cả đều là do Trung Quốc gây ra hay sao”, đại sứ Trương viết bằng tiếng Nga.
“Đã đến lúc thừa nhận những gì các vị giấu giếm cử tri của các vị và cộng đồng quốc tế, bởi vì có rất nhiều sự nghi ngờ”.
Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria Chu Bình Kiếm nói “một số chính trị gia Mỹ” và truyền thông Mỹ có “động cơ sâu xa” trong việc lan truyền định kiến.
“Tại sao một số người và truyền thông vẫn thúc đẩy những logic phi lý như vậy? Họ trông đợi điều gì?”, ông Chu nói.
Hồi đầu tháng 3, bình luận viên Jesse Watters của kênh Fox News từng đùa rằng ông muốn nghe lời xin lỗi từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoặc sứ quán Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo sau đó vài ngày tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Triệu Lập Kiên đã dùng nhiều lời lẽ để chỉ trích phát biểu đó, cho rằng nguồn gốc của virus vẫn chưa được xác định.
“Cúm H1N1 bùng phát ở Mỹ năm 2009 đã lan ra 214 nước và vùng lãnh thổ, làm thiệt mạng ít nhất 18.449 người chỉ trong năm đó. Tôi không nhớ có ai từng yêu cầu Mỹ xin lỗi”, ông Triệu nói.
Bài viết của đại sứ Chu cuối tuần qua cũng nhắc lại ý của ông Triệu về dịch cúm H1N1, cũng như việc không xin lỗi.
“Đánh bại virus này là cuộc chiến của mọi người và mỗi bệnh nhân nhiễm virus ở bất cứ đâu đều là nạn nhân. Việc tranh luận ai nên xin lỗi về căn bệnh rốt cuộc có ý nghĩa gì?”, ông nói.
Đông Phong – Zing