Nga bị tố làm giảm niềm tin vào vaccine Mỹ

Các cơ quan tình báo Nga bị cáo buộc chia sẻ thông tin sai lệch nhằm làm làm giảm niềm tin vào vaccine Covid-19 của hãng dược Mỹ Pfizer.

Tờ Wall Street Journal hôm 7/3 cho biết 4 trang web liên quan tới tình báo Nga gồm New Eastern Outlook, Oriental Review, News Front và Rebel Inside, đã nhấn mạnh về các tác dụng phụ, tính hiệu quả cùng qusa trình phê duyệt gấp rút của vaccine Covid-19 Pfizer.

Theo một quan chức thuộc Trung tâm Tương tác Toàn cầu (GEC) của Bộ Ngoại giao Mỹ, đây là 4 trang web không có nhiều độc giả theo dõi, song các thông tin về vaccine Pfizer của họ đã được nhiều phương tiện truyền thông quốc tế khác dẫn lại.

“Chúng tôi có thể kết luận các trang web này có liên hệ trực tiếp với những cơ quan tình báo Nga. Chúng khác nhau rất nhiều về phạm vi tiếp cận và giọng điệu, nhưng đều là một phần trong chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lệch của Nga”, quan chức Mỹ nói.

Wall Street Journal tiếp tục cáo buộc ngoài chiến dịch “tấn công” vaccine phương Tây, các phương tiện truyền thông nhà nước và tài khoản Twitter của chính phủ Nga liên tục làm gia tăng lo ngại về chi phí và độ an toàn của vaccine Pfizer. Wall Street Journal cũng hoài nghi đây có thể là một phần trong nỗ lực nhằm thúc đẩy vaccine Sputnik V của Nga.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngay lập tức bác cáo buộc của truyền thông Mỹ, gọi đây là điều vô nghĩa và khẳng định tình báo Nga không liên quan đến bất cứ lời chỉ trích nào nhằm vào các loại vaccine Covid-19.

“Nếu chúng tôi cũng coi mọi thông tin tiêu cực về vaccine Sputnik là do tình báo Mỹ gây ra, chúng tôi sẽ phát điên vì phải thấy chúng hàng ngày, hàng giờ và trên khắp các phương tiện truyền thông”, Peskov nói.

Vaccine Pfizer đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp lần lượt vào tháng 12 năm ngoái và đầu năm nay. Đánh giá của WHO cho thấy vaccine Pfizer đáp ứng các tiêu chí “phải có” về an toàn và hiệu quả.

Viện Nghiên cứu Clalit và Đại học Ben-Gurion ở Israel, cùng Đại học Harvard ở Mỹ, hôm 24/2 đã công bố nghiên cứu cho thấy vaccine Covid-19 của Pfizer “rất hiệu quả” trong ngăn ngừa ca nghiêm trọng hoặc tử vong, ngay cả sau một liều.

Trong khi đó Nga hồi tháng 8/2020 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine Sputnik V dù chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định Sputnik V đã trải qua mọi thử nghiệm cần thiết và là vaccine Covid-19 đầu tiên giúp tạo “hệ miễn dịch bền vững”.

Giới khoa học Nga hôm 27/2 đã tuyên bố vaccine Sputnik V chống biến chủng nCoV “rất hiệu quả”, bao gồm chủng ở Anh và Nam Phi. Chuyên gia độc lập trước đó cũng nhận định vaccine Sputnik V của Nga đạt hiệu quả 91,6% chống Covid-19, trở thành vaccine thứ ba trên thế giới đạt hiệu quả hơn 90%.

Ngọc Ánh (Theo NY Post) – VnExpress

Leave a Reply