Vaccine Sputnik V đạt kết quả khả quan trong các thử nghiệm về khả năng chống biến chủng nCoV, theo giới khoa học Nga.
“Nghiên cứu gần đây do Trung tâm Gamaleya tiến hành cho thấy tiêm nhắc lại bằng vaccine Sputnik V giúp chống các biến chủng nCoV mới, bao gồm chủng ở Anh và Nam Phi, một cách rất hiệu quả”, Denis Logunov, phó giám đốc Trung tâm Gamaleya, nơi phát triển Sputnik V, cho biết hôm nay.
Thông tin chi tiết về thử nghiệm sẽ sớm được công bố, nhưng đây là lần đầu giới khoa học Nga cho biết kết quả tổng thể. Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước đặt thời hạn đánh giá hiệu quả của các vaccine nội địa trong ngăn ngừa loạt biến chủng nCoV mới trên thế giới.
Một số vaccine Covid-19, bao gồm Sputnik V và Covishield của AstraZeneca, được phát triển dựa vào vector virus. Chúng sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.
Theo một số nhà khoa học, cơ thể vẫn có nguy cơ phát triển khả năng miễn dịch với chính vector, nhận diện đây là vật xâm nhập và cố gắng tiêu diệt. Tuy nhiên, Logunov cho biết các nhà phát triển Sputnik V tin rằng “vaccine dựa trên vector virus thực sự tốt hơn các loại dùng nền tảng khác khi tiêm nhắc lại trong tương lai”.
Nga hồi tháng 8/2020 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine Covid-19 dù chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định Sputnik V đã trải qua mọi thử nghiệm cần thiết và là vaccine Covid-19 đầu tiên giúp tạo “hệ miễn dịch bền vững”.
Ánh Ngọc (Theo Reuters) – VnExpress