Nghị sĩ dọn rác trong tòa quốc hội Mỹ sau bạo loạn

Dan Kim, hạ nghị sĩ gốc Hàn, đã cặm cụi dọn rác trong 1,5 giờ tại tòa quốc hội sau cuộc bạo loạn của người ủng hộ Trump ngày 6/1.

Không giống nhiều đồng nghiệp trong quốc hội, hạ nghị sĩ Andy Kim đang ở trong văn phòng tại một tòa nhà lân cận khi những người ủng hộ Tổng thống Mỹ xông vào Đồi Capitol chiều 6/1. Tới tận nửa đêm, ông mới nhìn thấy thiệt hại trong tòa nhà, sau khi Hạ viện bỏ phiếu phản đối thách thức cuối cùng với kết quả bầu cử tổng thống.

Khi đi quanh Khu mái vòm Rotunda, cảnh hỗn loạn khiến Kim không nói nên lời. Chai nước văng khắp nơi, đồ đạc bị đập phá, cờ ủng hộ Trump rách nát, mảnh áo giáp và quần áo nằm ngổn ngang trên sàn đá cẩm thạch, giống một bãi đỗ xe bị bỏ hoang.

“Đó là căn phòng tôi vô cùng yêu mến. Nó là trái tim của tòa quốc hội, đúng nghĩa là trái tim nước Mỹ. Tôi đã vô cùng đau xót khi chứng kiến nó trong tình trạng như thế”, Kim, 38 tuổi, nhớ lại.

Vì thế ông đã dành 1,5 giờ để dọn dẹp, nhặt rác vào nửa tá túi đựng. Dọn xong Rotunda, ông dọn tiếp những phòng bên cạnh, bao gồm Hội trường cũ của Hạ viện và khu Crypt ở tầng dưới.

Sau đó, ông quay lại Hạ viện để tranh luận việc kiểm phiếu của bang Pennsylvania, phiên họp kéo dài tới 3h. Tính đến tối 7/1, ông đã thức hơn 36 tiếng.

Vào ngày mà các video tình trạng lộn xộn và đổ máu về bạo loạn ở quốc hội Mỹ tràn ngập mạng xã hội, hình ảnh Kim, một mình, quỳ gối nhặt rác trong tòa quốc hội, đã gây xúc động mãnh. Nhiều người gọi ông là “người yêu nước thực sự”.

“Tôi cảm thấy tự hào khi có cơ hội phục vụ trong Quốc hội với tư cách là con trai của một người di dân”, Kim nói. “Đối với tôi, nền chủ là mảnh đất đầy cơ hội, đã cho tôi cơ hội làm điều đặc biệt”.

Năm 2018, Kim là người Mỹ gốc Á đầu tiên đại diện cho New Jersey tại quốc hội. Khu vực có truyền thống bầu cho người da trắng này đã bỏ phiếu cho Trump năm 2016 và một lần nữa năm 2020. Kim tái đắc cử hồi tháng 11 dù đã bỏ phiếu xem xét bãi nhiệm Trump năm ngoái.

“Tôi đại diện cho một khu vực mà đại đa số người dân có diện mạo khác tôi. Nhưng họ đã bầu tôi làm nghị sĩ hai lần, đó quả thật là một điều tuyệt vời. Có những người luôn tìm cách khiến cho tôi hiện lên như ‘một người lạc loài’ chỉ vì màu da, giới tính hay xu hướng tính dục. Nhưng chúng ta đều là người Mỹ”, ông nói.

Từng là trợ lý an ninh quốc gia dưới thời tổng thống George W.Bush và Barack Obama, Kim gần đây chia sẻ về việc căng thẳng ý thức hệ có thể trở nên nguy hiểm như thế nào trong những cuộc chuyển giao tổng thống.

Tuy dự đoán trước được sự thù ghét và giận dữ đã phát triển trong thời đại Trump sẽ leo thang sau bầu cử, sự kiện hôm 6/1 vẫn khiến ông chấn động. Kim đã ngồi trong văn phòng suốt 6 tiếng, lo lắng cho an toàn của đồng nghiệp và nhân viên khi đám đông ủng hộ Trump xông vào phá phách Đồi Capitol.

Ông nhớ lại có lúc đã nhận được cảnh báo an ninh rằng cảnh sát quốc hội đã mất quyền kiểm soát tòa nhà.

“Tôi đã dành rất nhiều thời gian ở Afghanistan và Iraq, tôi đã ở trong nhiều vùng chiến sự buộc phải tìm nơi trú ẩn, nhưng chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ phải đi trốn ở đây”, ông nói, lưu ý rằng khi đó không hề biết đám đông bạo loạn có mang theo vũ khí. “Trải nghiệm này thật kinh hoàng”.

Theo ông, trước thực trạng hố sâu ý thức hệ và sự phân biệt chủng tộc sâu sắc tại Mỹ hiện nay, cần phải thực hiện lập tức các hành động lập pháp để kiềm chế sự cực đoan hóa của những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và sự truyền bá thông tin sai lệch. Đồng thời, người Mỹ cũng cần thay đổi sâu sắc cách đối xử với nhau trên phương diện cá nhân.

“Độ sâu của sự chia rẽ mà chúng ta đang đối mặt không phải là thứ mà chỉ một điều luật có thể quét sạch”, ông nói. “Chúng ta cần nhận ra cách để chúng ta vượt qua nó là nhìn thấy tính nhân văn trong mỗi con người. Chúng ta đủ năng lực tìm ra cách để tranh luận và giải quyết bất đồng mà không dùng tới bạo lực”.

Hồng Hạnh (Theo NBC) – VnExpress

Leave a Reply