NGHỊCH LÝ GIỮA SÓNG GIÓ QUAN HỆ MỸ – TRUNG

Thỏa thuận thương mại đang là lĩnh vực ổn định hiếm hoi khi quan hệ Mỹ – Trung sóng gió về nhiều vấn đề như Hong Kong, dịch Covid-19, Biển Đông hay các cáo buộc do thám.

Trong hầu hết ba năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống Trump, thương mại là chủ đề mâu thuẫn lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng giờ đây, thương mại lại đang là mảng bền vững hơn cả trong quan hệ hai nước, sau thỏa thuận thương mại tháng 1.

Trên các mặt khác ngoài thương mại, hai bên đang đối đầu gay gắt. Mỹ liên tục đổ lỗi và công kích Trung Quốc không kiểm soát được dịch Covid-19, đồng thời cáo buộc Trung Quốc do thám, đánh cắp tài sản trí tuệ và vi phạm nhân quyền.

Tuần trước, Mỹ yêu cầu lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đóng cửa, và nói nhân viên tại đó đã có các hoạt động do thám kinh tế. Trung Quốc trả đũa bằng cách đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.

Hai bên cũng đối đầu về luật an ninh mà Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong, về tham vọng của Trung Quốc xây dựng mạng 5G và về các yêu sách ở Biển Đông. Mỹ vừa thêm 11 công ty vào danh sách bị cấm mua công nghệ Mỹ trong đòn trừng phạt mới nhất nhằm vào nền kinh tế số hai thế giới.

Nhưng về thương mại, hiện không có đe dọa nào giữa Mỹ và Trung Quốc về tăng thuế hay trừng phạt công ty xuất khẩu. Không bên nào đe dọa từ bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, vốn mất nhiều năm đàm phán khó nhọc. Từng là phần mâu thuẫn nhất trong quan hệ hai nước, thương mại đột nhiên trở thành mảng ổn định nhất, theo New York Times.

Hai bên đều cần thỏa thuận thương mại

Nguyên nhân có lẽ là vì cả chính quyền Trump lẫn các lãnh đạo Trung Quốc đã dành nhiều thời gian và công sức chính trị để đạt được thỏa thuận. Thỏa thuận này gỡ bỏ rào cản với doanh nghiệp nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc và buộc Trung Quốc tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ. Trung Quốc cũng cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng Mỹ, bao gồm đậu nành, thịt lợn và ngô từ các bang nông nghiệp mà ông Trump rất cần cho cuộc bầu cử sắp tới.

Dù căng thẳng tăng lên giữa hai nước, hai bên dường như nghĩ rằng họ mất nhiều hơn được nếu phá hỏng thỏa thuận này, theo New York Times.

“Một cách nghịch lý, thỏa thuận thương mại lại đang là lĩnh vực hợp tác và ổn định”, Michael Pillsbury, chuyên gia về Trung Quốc ở Viện Hudson, cố vấn cho chính quyền Trump, nói với New York Times.

Về phương diện nào đó, việc ký xong thỏa thuận thương mại lại mở đường để chính quyền Trump đối đầu trực diện hơn với Trung Quốc về hàng loạt vấn đề khác. Vì trước đây, khi phải đàm phán thương mại, chính quyền Trump đã gạt các vấn đề khác sang một bên, như vấn đề Hong Kong, hay mối đe dọa an ninh từ Huawei.

Khi cuộc chiến thương mại diễn ra, dù gây thiệt hại với các công ty ở cả hai phía, cuộc chiến đó vẫn tạo thế ổn định nhất định cho quan hệ hai bên, vì hai bên đều chú trọng đến vấn đề thương mại. Khi đạt được thỏa thuận thương mại, căng thẳng lại tràn sang các mảng khác như ngoại giao, an ninh và công nghệ, đều là những vấn đề khó giải quyết hơn.

Bờ vực Chiến tranh Lạnh

Đối đầu Mỹ – Trung về công nghệ ngày càng lớn. Trung Quốc đang cân nhắc áp đặt sự kiểm duyệt mạng Internet tại đại lục lên Hong Kong, trong khi chính quyền Trump đang cân nhắc trừng phạt các dịch vụ TikTok hay WeChat của Trung Quốc.

Mỹ cũng gây áp lực để các nước khác cũng cấm thiết bị Huawei, mà Washington coi là đe dọa về an ninh quốc gia. Anh gần đây đã cấm Huawei. Tuần trước, các nhà nghiên cứu an ninh mạng tiết lộ dòng máy bay không người lái Trung Quốc đã thu thập lượng lớn thông tin cá nhân, có nguy cơ bị Bắc Kinh tận dụng.

Cạnh tranh địa chính trị cũng đang leo thang. Đụng độ ở biên giới Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đến thương vong. Mỹ tăng cường chỉ trích Trung Quốc về Biển Đông, nói yêu sách của Trung Quốc là “hoàn toàn phi pháp”. Tháng 4, Mỹ cử hai tàu chiến đến vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia để thể hiện sức mạnh, sau khi tàu công vụ Trung Quốc quấy nhiễu tàu của Malaysia trong nhiều ngày.

Nhờ vậy, nhiều đồng minh của Mỹ cũng có các động thái mạnh hơn trên Biển Đông, như Australia, Anh, Ấn Độ.

Jia Qingguo, giáo sư trường quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh, trong buổi tọa đàm gần đây nói Mỹ – Trung chưa bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng đang tiến theo hướng đó “với tốc độ ngày càng nhanh, do chính quyền Trump”.

“Nếu đà hiện tại tiếp diễn, tôi nghĩ hai nước có khả năng bước vào Chiến tranh Lạnh, thậm chí ‘chiến tranh nóng’”, ông Jia nói.

Chính quyền Trung Quốc đang cố tách biệt thương mại khỏi các mâu thuẫn khác, nhưng điều đó sẽ trở nên khó hơn một khi hai bên đã đóng cửa lãnh sự quán của nhau.

“Tôi khá lo ngại về quan hệ thương mại, vì chúng ta cần phải có môi trường chính trị ổn định, hòa bình”, He Weiwen, cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc và nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nói với New York Times.

Phụ thuộc Trung Quốc mua nông sản Mỹ

Các quan chức, chuyên gia Trung Quốc lập luận rằng căng thẳng không phải từ phía Trung Quốc.

“Đúng là có vấn đề giữa hai nước, nhưng Trung Quốc đâu có lên một kế hoạch toàn chính phủ chống lại nước Mỹ”, Tu Xinquan, khoa thương mại quốc tế, tại Đại học Kinh doanh – Kinh tế ở Bắc Kinh, nói với New York Times.

Dù thương mại đang yên ắng, tình hình có thể sớm trở nên phức tạp nếu ông Trump xác định rằng Bắc Kinh không đáp ứng phía thỏa thuận của mình. Dù có thỏa thuận giai đoạn 1, nhưng thuế đã áp lên 360 tỷ USD hàng Trung Quốc vẫn còn đó.

Hơn nữa, tổng thống Mỹ coi thuế là một trong những vũ khí hiệu quả và dễ dàng nhất để gây áp lực lên các nước khác, mà không cần Quốc hội chấp thuận. Trung Quốc dường như đang bị tụt lại trong cam kết mua hàng Mỹ, một phần là vì đại dịch Covid-19.

Giới phân tích từ lâu đã cho rằng các cam kết của Trung Quốc là quá sức. Ông Trump từng đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận nếu Trung Quốc không hoàn thành cam kết. Gần đây, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, lượng mua hàng Mỹ của Trung Quốc đã tăng lên, với hai thương vụ nhập ngũ cốc Mỹ lớn nhất vào Trung Quốc được công bố trong tháng này.

Hiện giờ, các cố vấn của ông Trump vẫn phát biểu một cách bình tĩnh, ngoại giao về vấn đề này. Họ đều nói Trung Quốc đang nỗ lực hoàn thành cam kết, và đã có những bước đi quan trọng nhằm mở cửa thị trường nông nghiệp và tài chính.

“Tôi nghĩ (thỏa thuận thương mại) sẽ không mất đi”, Jamieson L. Greer, cựu chánh văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ, nói với New York Times. “Phía Trung Quốc rất cần thỏa thuận đó, và chính quyền Mỹ cũng có nhiều lý do để giữ nó”.

Trọng Thuấn – Zing

Leave a Reply