Nghịch lý trẻ em chết vì Covid-19 ở Brazil

Lo lắng vì con gái Letícia mãi không cắt sốt, Ariani Roque Marinheiro cho bé nhập viện và nhận được tin đáng lo ngại: bé nhiễm nCoV.

Bác sĩ trấn an Marinheiro rằng trẻ em gần như không phát triển triệu chứng nghiêm trọng khi mắc Covid-19. Nhưng chưa đầy hai tuần sau, vào ngày 27/2, bé Letícia qua đời trong phòng điều trị tích cực của bệnh viện ở Maringá, miền nam Brazil, sau nhiều ngày thở gấp.

“Mọi chuyện xảy ra quá nhanh, tôi đã mất con bé”, Marinheiro, 33 tuổi, nói. “Con bé là tất cả đối với tôi”.

Covid-19 đang tàn phá Brazil và các chuyên gia đang đau đầu tìm hiểu nghịch lý chỉ xảy ra ở nước này: số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tử vong cao bất thường sau khi nhiễm nCoV.

Theo Bộ Y tế Brazil, kể từ khi đại dịch bùng phát, 832 trẻ em từ 5 tuổi trở xuống đã chết vì virus. Dữ liệu so sánh rất khan hiếm vì các quốc gia theo dõi tác động của virus theo các cách khác nhau, nhưng ở Mỹ, quốc gia có dân số lớn hơn nhiều so với Brazil và ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 cao hơn, 139 trẻ em từ 4 tuổi trở xuống đã chết.

Tiến sĩ Fátima Marinho, nhà dịch tễ học tại Đại học São Paulo, cho biết số ca trẻ em tử vong được công bố của Brazil có thể thấp hơn nhiều con số thực tế, vì việc thiếu xét nghiệm rộng rãi dẫn đến nhiều trường hợp không được chẩn đoán. Marinho, người đang dẫn đầu một nghiên cứu thống kê số trẻ em tử vong dựa trên cả các trường hợp nghi ngờ lẫn xác nhận, ước tính hơn 2.200 trẻ em dưới 5 tuổi đã chết kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong đó có hơn 1.600 trẻ sơ sinh dưới một tuổi.

“Chúng tôi thấy đại dịch có tác động nặng nề đến trẻ em. Đó là một con số cao đến mức phi lý. Chúng tôi không thấy hiện tượng này ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới“, Marinho nói.

“Những con số đó thật đáng ngạc nhiên, cao hơn rất nhiều so với những gì chúng ta thấy ở Mỹ”, Sean O’Leary, phó chủ tịch ủy ban về các bệnh truyền nhiễm của Viện Nhi khoa Mỹ, nói.

Giới khoa học nói rằng các biến thể nCoV đang khiến nhiều người trưởng thành trẻ, khỏe mạnh có triệu chứng nghiêm trọng và làm tăng số ca tử vong. Tuy nhiên, không có bằng chứng về ảnh hưởng của biến thể với trẻ sơ sinh và trẻ em.

Dù vậy, các chuyên gia cho biết biến thể P.1 đã lây lan rộng rãi ở Brazil dường như đang dẫn đến tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai cao hơn. Ricardo Ribas Freitas, nhà dịch tễ học tại Đại học São Leopoldo Mandic ở Campinas, cho biết một số phụ nữ nhiễm nCoV sinh non và em bé bị chết hoặc nhiễm nCoV ngay khi vừa chào đời.

“Chúng tôi có thể khẳng định rằng biến thể P.1 gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều ở phụ nữ mang thai”, Ribas Freitas cho biết. “Thông thường, nếu phụ nữ mang thai nhiễm nCoV, em bé có thể không sống sót hoặc cả mẹ lẫn con đều qua đời”.

Giới chuyên gia nhận định việc thiếu khả năng tiếp cận kịp thời và đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em có thể là yếu tố dẫn đến số ca tử vong cao ở Brazil. Tại Mỹ và châu Âu, điều trị sớm là chìa khóa giúp trẻ em nhiễm virus hồi phục. Trong khi đó, ở Brazil, các bác sĩ thường chậm trễ xác nhận ca nhiễm ở trẻ em vì họ quá bận bịu điều trị cho người trưởng thành.

“Trẻ em không được làm xét nghiệm”, Marinho nói. “Chỉ khi các em bé nhập viện trong tình trạng thực sự tồi tệ thì họ mới nghi các bé nhiễm nCoV”.

Lara Shekerdemian, trưởng bộ phận chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Nhi Texas, nói rằng trẻ em nhiễm nCoV cần được sớm cung cấp oxy và steroid. Nếu không, tình trạng của một số bé có thể chuyển biến xấu nhanh chóng.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh Truyền nhiễm Nhi khoa vào tháng một cho thấy trẻ em ở Brazil và 4 quốc gia khác ở Mỹ Latinh phát triển các dạng Covid-19 nghiêm trọng hơn và nhiều trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống (phản ứng miễn dịch cực hiếm và cực đoan đối với virus) hơn, khi so sánh với dữ liệu từ Trung Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ.

Từ trước khi đại dịch bùng phát, hàng triệu người Brazil sống ở các khu vực nghèo khó đã ít được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản. Trong những tháng gần đây, hệ thống y tế còn bị quá tải vì lượng bệnh nhân tràn vào các đơn vị chăm sóc tích cực, dẫn đến tình trạng thiếu giường triền miên.

“Có những gia đình phải đi thuyền mất 3-4 giờ để đưa con vào viện”, Ana Luisa Pacheco, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi tại Tổ chức Y học Nhiệt đới Heitor Vieira Dourado ở Manaus, cho biết.

Số trẻ em nhiễm nCoV tăng lên trong bối cảnh ca nhiễm nói chung ở Brazil tăng mạnh. Các chuyên gia chỉ trích phản ứng thờ ơ của Tổng thống Jair Bolsonaro đối với đại dịch và chính phủ của ông đã từ chối thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy giãn cách xã hội. Nền kinh tế suy giảm khiến hàng triệu người không có thu nhập hoặc thiếu ăn, buộc họ phải ra ngoài tìm việc thay vì ở nhà tránh dịch, bất chấp nguy cơ lây nhiễm nCoV.

Một số trẻ em chết vì nCoV vốn có bệnh nền, khiến chúng dễ bị tổn thương hơn. Tuy nhiên, Marinho ước tính rằng trường hợp như vậy chỉ chiếm hơn 1/4 số ca tử vong ở trẻ dưới 10 tuổi. Điều đó cho thấy rằng các em bé khỏe mạnh dường như cũng có nguy cơ cao nhiễm virus ở Brazil.

Letícia Marinheiro là một trong những em bé như vậy. Cô bé mới bắt đầu biết đi, khỏe mạnh và chưa từng bị ốm.

Marinheiro và chồng, Diego, 39 tuổi, đều nhiễm nCoV. Marinheiro tin rằng Letícia đã có thể được cứu nếu được điều trị sớm hơn. “Tôi nghĩ họ không tin một em bé có thể bị bệnh nặng đến như vậy”, Marinheiro nói.

Marinheiro kể rằng cô đã cầu xin các bác sĩ khám cho con mình nhiều hơn. 4 ngày sau khi Letícia nhập viện, các bác sĩ vẫn chưa khám kỹ phổi của cô bé.

Marinheiro vẫn không rõ gia đình mình đã nhiễm nCoV như thế nào. Cô đã để Letícia, đứa con đầu lòng mà cặp vợ chồng đã mong mỏi trong nhiều năm, ở nhà và tránh xa mọi người. Diego, nhà cung cấp các sản phẩm cho tiệm làm tóc, cũng thận trọng tránh tiếp xúc với khách hàng.

Với Marinheiro, cái chết đột ngột của con gái đã để lại một khoảng trống trong cô. Khi đại dịch tiếp tục hoành hành, cô mong các ông bố bà mẹ khác không đánh giá thấp tác động của virus với trẻ em. Ở thành phố của mình, cô đã chứng kiến các gia đình vẫn tổ chức tiệc sinh nhật cho con và các quan chức thúc đẩy mở lại trường học.

“Không thể giải thích được loại virus này. Nó giống như chơi xổ số. Chúng ta cứ nghĩ ‘chắc nó chừa mình ra’ cho đến khi nó cướp đi sinh mệnh người thân của bạn”, cô nói.

Phương Vũ (Theo NYTimes) – VnExpress

Leave a Reply