Hàng trăm người Thái Lan tụ tập ở Bangkok hôm nay, kêu gọi thả 4 nhà hoạt động bị giam trong lúc chờ xét xử tội khi quân, đồng thời yêu cầu thay đổi hoặc chấm dứt luật này.
Nhiều người đập xoong nồi, học theo cách biểu tình phản đối đảo chính của người Myanmar, trong khi một số cầm cờ Myanmar. Cuộc biểu tình ở Bangkok hôm nay ban đầu nhằm thể hiện sự ủng hộ với phong trào biểu tình ở Myanmar, nhưng cuối cùng, nó biến thành lời kêu gọi thay đổi hoặc chấm dứt luật khi quân, sau khi 4 nhà hoạt động bị bắt hôm 9/2 với cáo buộc vi phạm luật này.
Xô xát nảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động khi các nhà hoạt động tuần hành tới gần đồn cảnh sát. Một cột khói bốc lên gần điểm biểu tình. “Nếu hàng trăm nghìn người xuống phố, chúng ta có thể cải cách chế độ quân chủ”, Panusaya “Rung” Sithijirawattanakul, thủ lĩnh biểu tình, nói.
Phong trào biểu tình do thanh niên lãnh đạo năm ngoái ở Thái Lan đã phá vỡ cấm kỵ khi công khai kêu gọi cải cách chế độ quân chủ. Việc 4 thủ lĩnh biểu tình bị từ chối bảo lãnh hôm 9/2 khiến các nhà hoạt động phẫn nộ.
Khoảng 1.000 người bắt đầu tụ tập khi trời tối. Một số cầm biểu ngữ đề chữ ‘hãy trả tự do cho bạn bè chúng tôi” và “bãi bỏ 112”, đề cập tới luật khi quân. Một số người gõ liên tục vào chảo kim loại đề số 112.
Điều 112 của luật hình sự Thái Lan cấm phỉ báng hoàng gia, trong đó quy định những ai “phỉ báng, lăng mạ hoặc đe dọa nhà vua, hoàng hậu, người thừa kế, hoặc các quan nhiếp chính” sẽ bị phạt tù với mức án từ 3 tới 15 năm. Khoảng 44 nhà lập pháp phe đối lập trước đó cùng ngày đã trình đề xuất sử đổi luật khi quân.
Sự kiện hôm nay đánh dấu lần đầu tiên người biểu tình Thái Lan tổ chức hoạt động trong năm 2021, sau khi các cuộc biểu tình đường phố năm ngoái bị gián đoạn bởi làn sóng Covid-19 mới từ cuối tháng 12/2020. “Hôm nay là cuộc tụ tập đầu tiên, là trận mở đầu cho cuộc chiến sau khi hệ thống pháp luật bất công đã bỏ tù bạn bè chúng tôi”, Panupong Jadnok, một thủ lĩnh biểu tình, nói.
Họ nêu lại ba yêu cầu năm ngoái là Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, sửa đổi hiến pháp có lợi cho quân đội và cải cách chế độ quân chủ. Panupong cho hay các sự kiện ở Myanmar đã truyền cảm hứng cho phong trào ở Thái Lan.
Thủ tướng Prayuth, cựu lãnh đạo quân đội đã lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014, cho rằng tái diễn biểu tình gây bất lợi cho Thái Lan. “Nó có thích đáng hay không? Nếu không, đừng ủng hộ họ. Chúng ta chưa có đủ biểu tình ở Thái Lan hay sao?”, ông nói.
Hồng Hạnh (Theo Reuters) – VnExpress