Người tiêm vaccine Covid-19 tại Trung Quốc: ‘Tôi chịu được rủi ro’

Sau Mỹ, tới lượt Trung Quốc thử nghiệm vaccine phòng virus SARS-CoV-2 trên người.

Sau khi Mỹ tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 vào ngày 16/3, Trung Quốc cũng đưa loại vaccine chống dịch bệnh này vào thử nghiệm. Ngày 19/3, 108 người tình nguyện tại Vũ Hán đã trở thành những người đầu tiên thử nghiệm vaccine do Trung Quốc sản xuất.

Theo South China Morning Post, loại vaccine này do công ty dược phẩm CanSino Biologics phát triển cùng quân đội. Những người được lựa chọn nằm trong độ tuổi từ 18-60, có sức khỏe tốt và chia thành 3 nhóm với liều lượng vaccine từ thấp đến cao.

Sau khi tiêm vaccine, nhóm người này sẽ được cách ly 14 ngày dưới sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ. Chỉ một số người chia sẻ trải nghiệm của mình trên mạng xã hội Weibo Trung Quốc.

“Lúc đăng ký tôi cũng hơi cứng đầu và ngây thơ. Sau một ngày, tôi nhận được thông báo đi tiêm”, người phụ nữ lấy biệt danh Xiao Mi, nằm trong nhóm tiêm vaccine liều lượng thấp chia sẻ.

Xiao Mi cho biết cô đã được phổ biến về các tác dụng phụ của vaccine như gây dị ứng và cũng khá sợ hãi trước khi tiêm. Tuy nhiên, cô cho biết các tác dụng phụ ở những người cùng nhóm nhanh chóng qua đi.

“Trong nhóm của tôi có 2 người thân nhiệt tăng lên trên 38 độ, và một số người bị tiêu chảy”, cô gái này chia sẻ.

“Tôi cảm thấy bản thân có thể chịu được rủi ro và muốn thử vượt qua giới hạn của mình. Chúng ta cần phải cảm ơn những người đang ngày đêm chống dịch ở tiền tuyến”, Xiao Mi chia sẻ.

Cô cũng cho biết bà Chen Wei, Thiếu tướng Quân đội Trung Quốc, Giám đốc Viện Công nghệ Sinh học, thuộc Học viện Quân y Trung Quốc cũng là người đầu tiên được tiêm vaccine. Bà Chen có thể coi là vị tư lệnh đứng đầu các hoạt động nghiên cứu vaccine chống Covid-19 tại Trung Quốc.

Loại vaccine này do quân đội Trung Quốc kết hợp cùng công ty CanSino Biologics phát triển. Ảnh: Weibo.

Một tình nguyện viên khác là Li Ming, chồng của một phụ nữ đã hồi phục sau khi mắc Covid-19.

“Từ khi bắt đầu nhiễm bệnh, tôi đã gặp nhiều khó khăn mới được chẩn đoán và điều trị. Chồng tôi đã luôn đồng hành và hiểu được sự khó khăn của tôi cũng như các bệnh nhân khác”, vợ anh Li, cô Wang Feng chia sẻ trên Science Daily.

Wang Junzhi, thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết việc phát triển vaccine phòng virus SARS-CoV-2 đã diễn ra thuận lợi, và nhiều nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vaccine sắp có thể sử dụng đại trà.

“Cũng phải mất 6-9 tháng sau khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng thì mới có vaccine sử dụng được. Như thế là vaccine sẽ được tiêm đại trà một năm sau khi phát hiện mầm bệnh. Đó đã là một cố gắng đáng nể”, Roy Hall, giáo sư về virus học tại đại học Queensland, Australia nhận xét.

Nhật Minh – Zing

Leave a Reply