Nguồn cơn khiến quân đội Myanmar bắt Aung San Suu Kyi

Quân đội Myanmar đã phát đi những tín hiệu về đảo chính từ tuần trước, sau khi cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020.

Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao khác của đảng cầm quyền đã bị quân đội bắt trong một cuộc đột kích vào sáng sớm 1/2. Động thái diễn ra sau khi quân đội Myanmar ám chỉ họ có thể đảo chính vào tuần trước, sau khi đe dọa “hành động” vì cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020.

Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi, cựu tù nhân chính trị và là người dẫn đầu cuộc đấu tranh lâu dài chống lại chế độ độc tài, đã giành được 83% số ghế trong cuộc bầu cử hôm 8/11/2020, được coi là cuộc trưng cầu dân ý về chính phủ dân chủ non trẻ của bà.

Suu Kyi, 75 tuổi, từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991, lên nắm quyền với chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015, sau nhiều thập kỷ bị quản thúc tại gia trong cuộc đấu tranh vì dân chủ đã biến bà thành biểu tượng quốc tế.

Danh tiếng quốc tế của bà bị tổn hại sau khi hàng trăm nghìn người Rohingya tại bang Rakhine, tây Myanmar đã phải chạy trốn, tị nạn trước các chiến dịch quân đội năm 2017, nhưng bà vẫn được tín nhiệm cao ở trong nước.

Là “kiến trúc sư” của Hiến pháp năm 2008 và nền dân chủ non trẻ của Myanmar, quân đội Myanmar, được gọi là Tatmadaw, tự coi mình là bên bảo vệ sự thống nhất quốc gia và hiến pháp. Họ giữ vai trò lớn trong hệ thống chính trị.

Họ được giữ 25% số ghế trong quốc hội mà không cần qua bầu cử và kiểm soát các bộ quốc phòng, nội vụ và biên giới. Điều đó khiến cho việc họ chia sẻ quyền lực với NLD có phần khó xử, vì nhiều thành viên đảng này từng phải chịu án tù dưới thời chính quyền quân đội cũ.

Quân đội Myanmar cáo buộc có gian lận bầu cử năm 2020, nêu những điểm khác thường như trùng lặp tên trong danh sách bỏ phiếu ở một số quận và không hài lòng với cách phản ứng của ủy ban bầu cử đối với các khiếu nại của họ. Quân đội không cho biết liệu những bất thường đó có lớn đến mức có thể thay đổi kết quả bầu cử hay không.

Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP), đảng cầm quyền trước đây do quân đội thành lập trước khi chuyển giao quyền lực năm 2011, cũng đưa ra phàn nàn tương tự về cuộc bầu cử. USDP, được nhiều bên coi là đảng ủy nhiệm của quân đội, chỉ giành được 33 trong số 476 ghế tại quốc hội.

Suu Kyi chưa bình luận gì về chiến thắng của NLD cũng như khiếu nại của quân đội, nhưng NLD cho rằng các cáo buộc của quân đội là vô căn cứ và bất kỳ sai sót bầu cử nào cũng không đủ lớn để thay đổi kết quả.

Trong số hơn 90 đảng cạnh tranh trong cuộc bầu cử 2020, ít nhất 17 đảng phàn nàn về các bất thường nhỏ. Ngoại trừ USDP, tất cả là các đảng nhỏ. Các nhà quan sát bầu cử cho biết cuộc bỏ phiếu không có bất thường nghiêm trọng. Ủy ban bầu cử hôm 28/1 cũng nói rằng không có sai sót nào với quy mô đủ để bị coi là gian lận hoặc khiến cuộc bầu cử bị mất uy tín.

Tuần trước, phát ngôn viên quân đội, Chuẩn tướng Zaw Min Tun, nói rằng quân đội sẽ “hành động” và sử dụng tất cả lựa chọn sẵn có, bao gồm cả Tòa án Tối cao. Khi được hỏi liệu quân đội có hợp tác với chính phủ và cơ quan lập pháp mới hay không, ông nói với các phóng viên “hãy chờ xem”. Khi được hỏi liệu ông có loại trừ khả năng xảy ra đảo chính hay không, Zaw Min Tun trả lời rằng “không thể khẳng định điều đó”.

Hiến pháp Myanmar quy định rằng tổng tư lệnh chỉ có thể nắm quyền trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng có thể gây ra “sự tan rã của liên bang, sự tan rã của đoàn kết dân tộc và mất chủ quyền”, nhưng chỉ trong tình trạng khẩn cấp. Chỉ tổng thống dân sự có quyền tuyên bố tình trạng này.

Tổng tư lệnh, Thượng tướng Min Aung Hlaing tuần trước gây lo ngại khi nói với các quân nhân rằng hiến pháp là “luật mẹ của tất cả các luật” và nếu không được tuân thủ, nó cần được xóa bỏ. Ông dẫn chứng hiến pháp năm 1947 và 1974 từng bị các chính quyền quân sự xóa bỏ.

Hôm 30/1, quân đội Myanmar cho biết họ sẽ bảo vệ Hiến pháp năm 2008, tuân theo hiến pháp và hành động theo luật pháp, đồng thời bác tin họ sẽ xóa bỏ hiến pháp. Tuyên bố này khi đó đã xoa dịu nỗi lo của nhiều chuyên gia về nguy cơ đảo chính.

Tuy nhiên, ngày 1/2, sau khi bắt các lãnh đạo cấp cao, quân đội Myanmar ra tuyên bố rằng họ phản ứng trước cáo buộc gian lận bầu cử và quyền lực được trao cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.

“Cánh cửa đến một tương lai rất khác vừa mở ra. Tôi có cảm giác rằng sẽ không ai thực sự có thể kiểm soát được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Hãy nhớ Myanmar là một đất nước ngập trong vũ khí, với sự chia rẽ sâu sắc giữa các dòng tộc và tôn giáo, nơi hàng triệu người có thu nhập gần như không đủ sống”, Thant Myint-U, nhà sử học gốc Myanmar, nói.

Phương Vũ (Theo Reuters) – VnExpress

Leave a Reply