Nhật diễn giải luật nổ súng trên biển

Giới chức Nhật diễn giải luật trị an, khẳng định cảnh sát biển nước này được quyền nổ súng ngăn tàu nước ngoài có ý định xâm phạm Senkaku/Điếu Ngư.

Việc Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh có hiệu lực từ 1/2 đã khiến các nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản bất an, bởi luật này cho phép hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài mà họ cho là “xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của Trung Quốc”.

Một nghị sĩ LDP ngày 17/3 cho biết các thành viên đảng này ngày càng lo ngại luật hải cảnh Trung Quốc nhắm vào Senkaku/Điếu Ngư, nhóm đảo trên biển Hoa Đông do Tokyo kiểm soát, song Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền. LDP đã đề nghị chính phủ Nhật Bản diễn giải luật cảnh sát biển hiện hành như một động thái đáp trả luật hải cảnh Trung Quốc.

Trong phiên họp ngày 25/2, chính phủ Nhật Bản xác nhận cách diễn giải luật cảnh sát biển trên, khẳng định lực lượng này được quyền nổ súng vào các tàu công vụ nước ngoài gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư “nếu họ tin rằng chúng sắp sửa thực hiện hành vi bạo lực”.

“Cách diễn giải này sẽ ngăn các nước khác tìm ra lỗ hổng trong luật pháp Nhật Bản và sẽ đóng vai trò như một biện pháp răn đe”, cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhận định.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi ngày 17/3 hội đàm với hai người đồng cấp Mỹ Antony Blinken và Lloyd Austin.

Trong cuộc hội đàm, các quan chức Mỹ và Nhật Bản tái khẳng định nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi hiệp ước phòng thủ của hai nước, đồng nghĩa Washington sẽ bảo vệ lợi ích của Tokyo khi xảy ra một cuộc tấn công vũ trang vào các hòn đảo này.

Đáp lại thông tin trên, Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản “không thực hiện các hành động nguy hiểm có thể làm phức tạp tình hình” quanh nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục điều tàu hải cảnh tới hoạt động tại vùng biển quanh nhóm đảo.

Các tàu hải cảnh Trung Quốc năm 2020 áp sát nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư khoảng hai lần mỗi tháng, song tần suất tăng lên 6 lần mỗi tháng sau khi Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực, cảnh sát biển Nhật Bản cho biết.

Lực lượng này ước tính hải cảnh Trung Quốc sở hữu 130 tàu với lượng giãn nước từ 1.000 tấn trở lên, trong khi Nhật Bản sở hữu 66 tàu thuộc nhóm này, theo số liệu hồi tháng 3/2020.

Nguyễn Tiến (Theo Japan Times) – VnExpress

Leave a Reply