Những thuyết âm mưu quanh vụ 11/9

Một số người tin vào thuyết âm mưu vô căn cứ rằng “nhà nước ngầm” tại Mỹ đã thực hiện vụ khủng bố 11/9, hay Lầu Năm Góc bị trúng tên lửa.

Chỉ vài giờ sau những vụ tấn công khủng bố tại Mỹ vào ngày 11/9/2001, những thuyết âm mưu đầu tiên đã xuất hiện trên Internet, kể từ đó ngày càng được lan truyền rộng rãi và thêm thắt do sự phát triển của mạng xã hội.

Những báo cáo từ Ủy ban 11/9, các cơ quan chính phủ Mỹ và nhiều nhóm chuyên gia đã bác bỏ sự tồn tại của bất kỳ âm mưu bí mật nào liên quan đến vụ khủng bố. Tuy nhiên, các nhóm vận động tại Mỹ và những nơi khác, nằm trong phong trào Sự thật 11/9, vẫn cho rằng có nhiều thứ đang bị che giấu.

Theo những phong trào thuyết âm mưu ngày càng lớn mạnh trên mạng, như QAnon, “nhà nước ngầm” tại Mỹ chịu trách nhiệm về vụ khủng bố. Các video trên mạng được cắt từ loạt phim tài liệu có tên “Loose Change”, tổng kết những thuyết âm mưu về vụ 11/9, càng làm củng cố thêm nhiều thông tin sai lệch.

Một số người nói rằng chính phủ Mỹ đã dàn dựng các cuộc tấn công, hoặc biết trước âm mưu khủng bố nhưng vẫn cho phép nó diễn ra. Chuyện ngày càng đi xa hơn khi các phong trào trên mạng gần đây mang niềm tin rằng giới tinh hoa toàn cầu có kế hoạch hạn chế quyền tự do dân sự sau các vụ tấn công, tạo điều kiện thành lập một chính phủ chuyên quyền của thế giới.

Theo một tuyên bố được chia sẻ rộng rãi trên mạng, “nhiên liệu máy bay không thể làm tan chảy các dầm thép”, nhằm chứng minh tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở thành phố New York đã bị phá hủy bằng chất nổ.

Tuy nhiên, một báo cáo chính thức giải thích rằng các máy bay đã gây hư hại đáng kể trụ đỡ của hai tòa tháp, làm hỏng lớp chống cháy. Thêm vào đó, ngọn lửa lên tới 1.000 độ C tại một số khu vực làm các dầm thép bị cong vênh, cuối cùng khiến hai tòa tháp sụp đổ.

Sự sụp đổ của tòa nhà WTC số 7 nằm ngay gần tòa tháp đôi cũng thu hút nhiều thuyết âm mưu, bao gồm một số lời đồn trở nên thịnh hành trên các mạng xã hội lớn vào dịp tưởng niệm vụ 11/9 năm ngoái.

Tòa nhà này là nơi đặt các văn phòng của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Bộ Quốc phòng Mỹ và Văn phòng Quản lý Khẩn cấp, sụp đổ vài giờ sau tòa tháp đôi, dù không bị máy bay đâm trúng hoặc bị nhắm trực tiếp.

Tuy nhiên, cuộc điều tra kéo dài ba năm của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ kết luận hồi năm 2008 rằng tòa nhà này sập vì những đám cháy dữ dội và không thể kiểm soát kéo dài gần 7 giờ, bắt đầu từ những mảnh vỡ văng ra từ Tháp Bắc gần đó khi nó sụp xuống.

WTC số 7 là tòa nhà chọc trời đầu tiên sụp đổ vì hỏa hoạn. Tuy nhiên, đến năm 2017, tòa nhà Plasco tại thủ đô Tehran của Iran cũng bị sập vì lý do tương tự.

Thông tin WTC số 7 bị sập được chạy trên một bản tin trực tiếp của phóng viên hãng BBC Jane Stanley, trong lúc tòa nhà vẫn hiện diện sau lưng cô, được lấy làm dẫn chứng trong những thuyết âm mưu rằng các cơ quan truyền thông lớn là một phần của âm mưu nội bộ bí mật.

Tuy nhiên, hãng thông tấn Reuters đã đưa tin nhầm về vụ sập trước khi thông tin được đăng trên BBC và cũng được CNN dẫn lại. Reuters sau đó đính chính, nhưng các video từ bản tin vẫn tiếp tục được lan truyền trong những ngày trước lễ kỷ niệm 11/9 hàng năm.

Một số thuyết âm mưu còn cho rằng Lầu Năm Góc, vốn bị chuyến bay số hiệu 77 của American Airlines đâm vào mặt phía tây, thực ra đã trúng tên lửa và đây là một phần âm mưu của chính phủ. Theo những người tin vào thuyết này, lỗ hổng để lại trên tòa nhà quá nhỏ, không thể do một máy bay chở khách đâm trúng.

Tuy nhiên, một thành viên Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ từng giải thích trên tạp chí Popular Mechanics rằng kích thước và hình dạng lỗ hổng là kết quả từ việc một cánh của chiếc Boeing 757 va xuống mặt đất, cánh còn lại bị đứt khi va chạm với tòa nhà.

Trong khi đó, chuyến bay thứ tư bị khống chế, mang số hiệu 93 của hãng United Airlines, rơi xuống một cánh đồng gần thị trấn Shanksville, bang Pennsylvania, sau khi các hành khách cố gắng giành lại quyền kiểm soát máy bay từ những tên không tặc.

Theo các thuyết âm mưu, chuyến bay này đã bị bắn rơi bởi một phi cơ màu trắng đang di chuyển vào một sân bay gần đó. Trong cuốn tự truyện của Dick Cheney, phó tổng thống Mỹ khi đó, ông tiết lộ từng ra lệnh bắn hạ bất cứ máy bay thương mại nào được cho là đã bị không tặc. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban 11/9 cho hay mệnh lệnh này đã không được chuyển tới các phi công.

Một thuyết âm mưu khác đưa ra thông tin sai lệch rằng không có người Do Thái nào thiệt mạng trong các vụ tấn công, bởi 4.000 nhân viên người Do Thái tại WTC đã nhận được thông báo từ trước để không đi làm vào ngày xảy ra thảm họa.

Theo những người tin vào thuyết này, chính phủ Israel đã tiến hành vụ khủng bố nhằm khiêu khích Mỹ tấn công những kẻ thù của họ trong khu vực, hoặc đây là kế hoạch của tầng lớp tinh hoa Do Thái đầy quyền lực ngầm kiểm soát các sự kiện trên thế giới.

Trên thực tế, trong số 2.071 nạn nhân vụ khủng bố 11/9 làm việc tại WTC, 119 người đã được xác nhận là người Do Thái và ít nhất 72 người khác cũng được cho là gốc Do Thái. Theo một số ước tính, có tới 400 người Do Thái có thể đã thiệt mạng vào ngày 11/9.

Các thuyết âm mưu tương tự còn xoay quanh những quốc gia khác, bao gồm Iraq và Iran, nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào về sự liên quan trực tiếp của những nước này.

Ánh Ngọc (Theo BBC) – VnExpress

Leave a Reply