Những yếu tố giúp Thái Lan thoát ‘sóng thần’ Covid-19

Khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chật vật đối phó với Covid-19, Thái Lan đã qua 7 tuần không ghi nhận ca nhiễm nCoV mới trong cộng đồng.

Mặc dù đón lượng du khách lớn từ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 hồi đầu năm, Thái Lan cho đến nay chỉ báo cáo hơn 3.240 ca nhiễm và 58 ca tử vong vì nCoV. Tính đến hết ngày 16/7, quốc gia Đông Nam Á này đã qua 7 tuần không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Không ai biết chính xác Thái Lan, quốc gia 70 triệu dân, đã thoát “sóng thần” Covid-19 như thế nào. Có người cho rằng văn hóa chắp tay cúi chào thay vì ôm hôn đã giúp ngăn chặn nCoV lây lan. Một số khác cho rằng việc sớm áp dụng biện pháp đeo khẩu trang, cùng với hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng vững mạnh, đã giúp Thái Lan giảm bớt tác động của nCoV.

Nhiều người lại đưa ra giả thuyết hệ thống miễn dịch của người Thái cũng như các quốc gia ở vùng sông Mekong có sức đề kháng cao hơn với nCoV. Không riêng Thái Lan, nhiều quốc gia ở lưu vực sông Mekong ghi nhận tỷ lệ nhiễm nCoV rất thấp. Việt Nam đã ba tháng không ghi nhận ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Myanmar báo cáo 336 ca, trong khi Campuchia 166 và Lào chỉ ghi nhận 19 trường hợp.

Tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, nơi sông Mekong chảy qua trước khi vào các nước Đông Nam Á, cũng báo cáo chưa tới 190 ca nhiễm và hiện không còn ca dương tính nào.

“Tôi không nghĩ kết quả đó chỉ do yếu tố miễn dịch hoặc di truyền. Nó phải kết hợp với văn hóa. Người Thái không tiếp xúc cơ thể khi chào hỏi nhau”, tiến sĩ Taweesin Visanuyothin, người phát ngôn về Covid-19 của Bộ Y tế Cộng đồng Thái Lan, cho hay. “Đây cũng là cách chào hỏi của người dân ở các quốc gia trong khu vực sông Mekong”.

Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu tình hình dịch bệnh ở quốc gia này đã lạc quan như vậy. Thái Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới báo cáo ca nhiễm nCoV ngoài Trung Quốc. Đó là một du khách đến từ Vũ Hán, nơi dịch Covid-19 khởi phát.

Một làn sóng lây nhiễm khác bắt nguồn từ những du khách tới từ Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Một buổi thi đấu quyền anh ở Thái đã biến thành sự kiện siêu lây nhiễm. Nhưng sau khi lệnh phong tỏa được thực thi hồi tháng 3 khiến các cơ sở kinh doanh và trường học đóng cửa, tình hình lây nhiễm trong cộng đồng dần được kiểm soát. Tất cả ca nhiễm gần đây đều là ca “ngoại nhập”.

Tiến sĩ Wiput Phoolcharoen, chuyên gia y tế cộng đồng tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, người nghiên cứu về ổ dịch bùng phát tại Pattani, phía nam Thái Lan, lưu ý hơn 90% người dương tính với nCoV tại nước này không triệu chứng, mức cao hơn nhiều so với bình thường.

“Chúng tôi đang nghiên cứu về hệ miễn dịch”, ông nói.

Tiến sĩ Wiput cho rằng người Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác đều dễ mắc sốt xuất huyết, virus truyền qua muỗi, hơn người ở châu lục khác. “Nếu hệ miễn dịch của chúng tôi với sốt xuất huyết kém như vậy, tại sao nó lại kháng Covid-19 tốt hơn?”, Wiput nói.

Dù các bệnh viện ở Thái Lan không rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân Covid-19, nền kinh tế chủ yếu dựa trên du lịch đã bị tàn phá nghiêm trọng.

Hồi tháng 4, Thái Lan cấm hầu như tất cả chuyến bay tới quốc gia này trong khi thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt. Khách du lịch không còn tới Bangkok, nơi từng là thành phố đông du khách nhất thế giới. Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan ước tính khoảng 60% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có thể phải đóng cửa cho tới cuối năm nay.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Thái Lan sẽ sụt giảm ít nhất 6,5% trong năm nay. Hơn 8 triệu người Thái có thể mất việc làm hoặc thu nhập trong năm nay, nguy cơ làm tăng thêm khoảng cách giàu ở quốc gia này, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Các hộ gia đình Thái Lan phải gánh các khoản nợ cao nhất châu Á và nhiều người tuyệt vọng đã phải xếp hàng trước các ngôi chùa để chờ được phát gạo cứu tế.

Sau khi không nhận được số tiền cứu trợ khẩn cấp như cam kết của chính phủ do tệ quan liêu, một phụ nữ đã uống thuốc chuột tự tử bên ngoài tòa nhà chính quyền. Cô thoát chết nhưng làn sóng tự tử đang tăng lên ở Thái Lan.

Tổ chức Cứu trợ Covid-19 của Thái Lan, được thành lập sau khi đại dịch tấn công, đã ngập trong đơn xin trợ cấp của những người Thái chỉ còn một, hai USD trong tài khoản ngân hàng, theo Natalie Narkprasert, một thành viên sáng lập nhóm.

Phần lớn dân số Thái Lan là lao động nhập cư, trong đó nhiều người đến từ hai nước láng giềng Campuchia và Myanmar, cũng đang chịu tổn thương vì đại dịch. Trong khi nhiều người đã cố tìm cách về nước trước khi biên giới bị đóng cửa, số khác bị mắc kẹt ở Thái Lan mà không có thu nhập. Họ chủ yếu làm các công việc như dọn dẹp khách sạn, phụ bếp hoặc hay bán đồ ăn, những cơ sở kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

“Bây giờ là lúc mọi người cần được giúp đỡ bởi tình tình còn kéo dài và chưa thể được cải thiện”, Natalie nói.

Cuộc sống bình thường đang dần quay lại ở Thái Lan. Trường học đã mở cửa trở lại nhưng học sinh phải đeo khẩu trang và thực thi giãn cách xã hội. Hồi đầu tháng 7, kỳ nghỉ lễ đầu tiên sau nhiều tháng đã giúp thúc đẩy du lịch nội địa.

Thái Lan cũng đã bắt đầu cho phép một số ít du khách trở lại. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm và tái bùng phát dịch.

Tuần này, một phi công quân sự Ai Cập được phát hiện dương tính với nCoV, sau khi vi phạm lệnh cách ly và tới các trung tâm mua sắm ở một thị trấn biển ở Thái Lan. Một số trường học trong khu vực đã đóng cửa trở lại.

Tuy nhiên, có không ít hoài nghi về chiến thắng Covid-19 của Thái Lan. Nhiều người thắc mắc tại sao một số lao động nhập cư được phát hiện dương tính với nCoV ngay sau khi về nước, dù không nằm trong danh sách ca nhiễm mà chính phủ Thái Lan báo cáo. Nhiều người cho rằng đó là vì tỷ lệ xét nghiệm ở quốc gia này còn tương đối thấp.

“Khi dịch bệnh chưa được quét sạch, chúng tôi phải luôn cảnh giác”, tiến sĩ Taweesin nhận định.

Thanh Tâm (Theo NYTimes) – VnExpress

Leave a Reply