Nỗi đau kép của chàng trai bị bắt cóc từ năm 4 tuổi

Ling Dong, hiện 26 tuổi, bị bắt cóc khi 4 tuổi. Kể từ đó cậu ôm mối hận gia đình ruột. Ảnh: Sixthtone.

TRUNG QUỐC – Suốt 20 năm, Ling Dong sống trong “nỗi hận”, cho rằng bố mẹ bỏ rơi mình. Nỗi đau nhân đôi khi cậu đoàn tụ gia đình và biết rằng họ đã tìm mình cho đến ngày chết.

Ling bị bắt cóc vào mùa thu năm 1999 trong một phút lơ đãng của bà ngoại. Cậu chỉ nhớ mình bị một người đàn ông đưa đến Quảng Tây bằng tàu hỏa, sau đó là thuyền và cuối cùng bị cõng vào núi.

Nơi Ling đến có “bố mẹ” đang chờ, có những con sông nhỏ, núi, cây cối và gà vịt. Quê gốc không có những thứ này khiến Ling vừa tò mò vừa sợ. “Một lần tôi đánh vỡ bát. Mẹ nuôi gọi tôi là ‘của nợ’ và nói không muốn nuôi tôi nữa. Vài tháng sau họ có con riêng và giao tôi cho gia đình hiện tại”, Ling kể.

Sau khi đến nhà mới, Ling bị bắt làm việc nhà. Cậu bé phải nấu ăn. Có lần cậu lén bỏ một quả trứng vào nồi cơm, cha nuôi biết được đã không cho ăn bữa tối và bắt ngủ trong chuồng lợn.

Mùa hè lớp 2, Ling trốn học đi chơi thì bố nuôi phát hiện. Ông không mắng mà lột hết quần áo của cậu. “Mọi người đi qua nhìn khiến tôi phải ngồi xuống nước để che cơ thể. Ngâm nước lâu, người tôi yếu dần. Gần tối tôi bắt đầu khóc. Lúc đó tôi rất hận bố mẹ đẻ, nghĩ rằng họ đã bỏ rơi để tôi phải khổ sở như vậy. Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ đến tự tử. Song cuối cùng tôi không còn cách nào khác là về nhà nhận lỗi”, cậu kể.

Khi lên 8, cậu bé đã có thể nấu ăn thành thạo, rửa bát, cho gà vịt ăn, cắt cỏ cho bò ăn… Cậu cũng biết nhìn nét mặt cha mẹ để lựa cách sống. Hết cấp 1, Ling bỏ học, ở nhà chăn bò. Bất cứ lúc nào đau buồn, cậu đến một ngôi mộ bỏ hoang trên núi, viết nhật ký lên tường bộc bạch nỗi nhớ mẹ ruột. “Tôi ghét mẹ nhưng tôi cũng nhớ mẹ. Tôi tự hỏi mẹ có đẹp không và tôi có giống mẹ tí nào không”, Ling chia sẻ.

Năm 15 tuổi Ling theo một người đàn ông trong làng đi vận chuyển vật liệu xây dựng. Thấy cậu chăm chỉ, ông đã cho đi học lái máy xúc. Lúc này, cậu nghĩ về cha mẹ ruột và cho rằng “ngay cả khi không có họ tôi vẫn trưởng thành”. Đồng nghiệp thì được bố mẹ gọi điện và gửi đồ ăn, còn bố mẹ nuôi chỉ gọi cho Ling vào ngày lĩnh lương, nhắc mang tiền về.

Một lần, Ling Dong xem chương trình tìm con trên đài truyền hình trung ương. Một người mẹ tên Zhang Xuexia đang tìm kiếm con trai mình. Ông bố đã tự sát, chỉ để lại câu nói: “Tất cả những gì tôi muốn là con trai tôi”.

Lúc đó Ling bắt đầu tự hỏi: “Có phải mình là nạn nhân bị buôn người không?”. Nhưng ngay lập tức cậu phủ nhận, rằng chắc chắn mình bị bỏ rơi. Dân làng thường nói với cậu: “Cha mẹ mày đã bán mày. Mày nên đối tốt với cha mẹ nuôi vì họ đã nuôi dạy mày”. Bà ngoại – người cho Ling ăn, ủ chân cho Ling ngủ ngày nhỏ – cũng luôn tiêm nhiễm vào cậu hình mẫu một đứa trẻ nhận nuôi phải trung thành với gia đình.

Trước khi mất, bà nói với Ling rằng, bà muốn cậu tận tâm với gia đình, rồi sau cùng tất cả sẽ là của cậu. Trước lúc hấp hối, bà chỉ về bài vị tổ tiên và ra hiệu cho cậu khấu đầu.

Năm 2019, Ling tình cờ xem được những buổi livestream của Tang Weihua, người phụ nữ có con trai bị bắt cóc. Nghe người phụ nữ chia sẻ, Ling sợ có thể mình đã hiểu lầm bố mẹ ruột nên đã quyết định cung cấp ADN vào kho dữ liệu tìm nguời thân.

Không lâu sau, Ling Dong được thông báo ADN của cậu được ghép thành công với một cặp vợ chồng ở Chiết Giang. “Tôi im lặng và cảm thấy ghét bà ngoại vì năm xưa đã để lạc tôi”, cậu bộc bạch. Trong lúc Ling ở viện chăm mẹ nuôi thì cảnh sát và tình nguyện viên liên tục khuyên cậu đoàn tụ. Cậu quyết liệt từ chối. Bà ngoại và cậu ruột đã lái xe từ Chiết Giang đến Quảng Tây để gặp, nhưng Ling cũng từ chối.

Sau vài ngày Ling dần bình tĩnh lại. Cậu nghĩ phải đưa bà ra khỏi đây nếu không cuộc sống không thể bình yên. Ban đầu đến cuộc đoàn tụ, Ling không nhìn vào bà. “Bà nói với tôi rằng cha mẹ ruột đã tìm kiếm tôi bao năm, mẹ qua đời không lâu sau khi tôi mất tích, còn bố tôi mới mất chưa đầy bốn tháng trước khi chúng tôi gặp nhau. Nghe thông tin đó tất cả những gánh nặng chồng chất trong tôi như sụp đổ. Tôi ngồi phịch xuống sàn và không cho ai đến gần mình”, Ling kể.

Ngay sau đó Ling theo bà về Chiết Giang. Tới nơi, bà con xóm giềng khua chiêng, gõ trống, đốt pháo chúc mừng. Mọi người xúm lại sờ tay, vuốt tóc, nhìn mặt Ling nhận dạng. Lần đầu tiên cậu thấy quần áo, chiếc ghế dài cũng như bàn chải đánh răng của mình ngày nhỏ.

Mọi người kể, mẹ ruột Ling gần như phát điên từ lúc cậu bị bắt cóc. Mẹ bỏ đi nhiều ngày không về, khiến bố thường phải mang theo hai bức ảnh của vợ và của con trai. Mẹ mất khi em gái Ling còn chập chững. Từ lúc đó em gái sống với bà ngoại. Còn cha đi làm xa để nuôi gia đình và tìm Ling.

Đêm đầu tiên Ling ngủ ở nhà, bà ngoại không dám nhắm mắt, vì sợ cháu mình biến mất một lần nữa. Trong mơ màng Ling vẫn biết bà khâu vài vết rách trên quần jean của cậu. “Bà đã sống cuộc đời khó khăn sau khi tôi bị cướp khỏi tay bà. Bà bảo không dám chết khi chưa gặp lại tôi. Cậu tôi cũng vì vụ bắt cóc mà không kết hôn”, Ling kể trong tiếng nấc nghẹn.

Gia đình không còn tổ chức lễ cúng tổ tiên, bởi xấu hổ vì để mất tích người nối dõi. Vào ngày đoàn tụ, bài vị tổ tiên cất giấu 21 năm được đặt về gian chính của ngôi nhà. Ling Dong thành kính khấu đầu. Cậu cũng đến mộ của mẹ cha. “Tôi cảm thấy tội lỗi. Biết chương trình đoàn tụ trên truyền hình và kho dữ liệu ADN nhiều năm nhưng tôi không làm. Chỉ một giọt máu thôi, nếu tôi lấy sớm hơn, cha tôi đã không phải chết trong day dứt”, chàng trai ân hận nói.

Về phần gia đình nuôi, khi bí mật được tiết lộ, họ gây áp lực buộc Ling Dong quay lại. Chàng trai từ đó bị mắc kẹt giữa hai gia đình, nhưng luôn cố gắng cân bằng giữa công sinh và công dưỡng. Tết năm ngoái, anh và vợ mới cưới về ăn bữa cơm Giao thừa với bà ngoại, cậu và em gái. 2h sáng, họ quay lại Quảng Tây, để làm hài lòng bố mẹ nuôi.

Hai năm nay, thi thoảng Ling lại nhắn tin vào WeChat cho bố. Anh nói cho ông biết đang làm gì, nghĩ gì. Vào ngày giỗ đầu của cha, anh đã nhắn: “Thưa bố, dù không gặp nhau một thời gian dài nhưng bố con mình không bao giờ quên được nhau, phải không bố? Con muốn nói rằng mặc dù chúng ta phải chịu đựng quá khứ đau khổ, nhưng tương lai từ nay về sau bà và em gái sẽ tốt. Con đang ở đây. Hãy yên tâm con chăm em gái như một nàng công chúa và cố gắng hết sức biến nhà của chúng ta thành nhà mới xinh đẹp”.

Bảo Nhiên (Theo Sixthtone) – VnExpress

Leave a Reply