Nỗi lòng những nhân viên Nhà Trắng sắp thất nghiệp

Vụ tấn công Điện Capitol là đòn mạnh giáng vào tương lai của các nhân viên trong chính quyền Tổng thống Trump. Ảnh: AP.

Nhân viên trong chính quyền Tổng thống Donald Trump hoang mang trước câu hỏi nên đi hay ở, cũng như bất trắc sự nghiệp trong tương lai sau khi danh tiếng đã bị hoen ố.

Khi Điện Capitol rung chuyển trước dòng người nổi loạn hôm 6/1, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump theo dõi từng diễn biến trong hoảng loạn, Politico miêu tả.

Nỗi sợ hãi không chỉ đến từ cuộc nổi loạn do chính người đứng đầu Nhà Trắng kích động, họ hoang mang “ngọn lửa” nổi loạn sẽ đốt cháy tương lai sự nghiệp của chính bản thân.

Tổn hại danh tiếng

“Rõ ràng, ngoài những người thiệt mạng và bị thương ở Điện Capitol, hay lực lượng cảnh sát đã thất bại trong nhiệm vụ giữ gìn trật tự, những người bị đẩy vào thế khó chính là đội ngũ nhân viên đã đánh cược vận may chính trị, tài chính và sự nghiệp để bảo vệ tổng thống”, một quan chức trong chính quyền nói với Politico.

Lo sợ hoen ố danh dự bản thân chỉ là một trong những diễn biến tâm lý giữa đội ngũ nhân viên Nhà Trắng sau vụ bạo loạn. Nhiều quan chức trong chính quyền đã cân nhắc khả năng từ chức sau khi chứng kiến dòng người biểu tình, theo sự hiệu triệu của ông Trump trước đó, xộc thẳng vào trụ sở Quốc hội.

Một số trợ lý “trung kiên” chế nhạo những người đã lựa chọn từ bỏ, nói rằng làm việc cho ông Trump là phải biết và chịu đựng được bê bối.

“Cá nhân tôi nghĩ vụ việc ở Charlottesville tồi tệ hơn nhiều những gì xảy ra ở Điện Capitol, và nếu không từ chức sau sự kiện Charlottesville, sẽ thật nhảm nhí khi từ chức chỉ 14 ngày trước khi chuyển giao quyền lực. Đó chỉ là biểu hiện của sự ích kỷ”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump nói.

Một số nhân sự dù bất bình cũng ngần ngại từ chức trước ngày làm việc cuối cùng, bởi lo ngại sẽ không nhận được quyền lợi từ gói hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Khi nhiệm kỳ của ông Trump chấm dứt, những người này sẽ phải đi tìm công việc mới.

Cơ hội nghề nghiệp tương lai của nhân viên chính quyền ông Trump cũng bị tổn hại sau sự kiện hôm 6/1.

“Rất nhiều người trong số chúng tôi sẽ thất nghiệp một thời gian, bởi thời điểm hiện là giai đoạn cực kỳ khó khăn để kiếm việc làm”, một quan chức chính quyền nhận xét.

Sau những chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Trump trong 4 năm cầm quyền vừa qua, đội ngũ nhân sự dưới quyền ông Trump không phải là những lựa chọn nhân sự hàng đầu với nhiều người. Các nhân viên chính quyền thậm chí bị coi là “kẻ phải chịu trách nhiệm”, và trong một trường hợp bị coi là phát xít.

Tiếng xấu đi theo

Politico cho biết các quan chức an ninh quốc gia thừa nhận thời gian làm việc cùng Tổng thống Trump đã làm xấu đi hình ảnh của họ.

Vấn đề trở nên tồi tệ hơn sau ngày 6/1 khi những người nổi loạn tấn công Điện Capitol, và ông Trump phải chịu trách nhiệm vì đã kích động tâm lý quá khích của người ủng hộ.

Giữa những đợt sóng chỉ trích tới tấp nhắm vào Tổng thống Trump từ cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ, nhiều quan chức cấp cao đã từ nhiệm.

“Tôi đã trò chuyện với những người thuộc các nhóm phụ trách an ninh quốc gia, nhiều người là sĩ quan tình báo. Họ giờ hoang mang về những gì xảy ra tiếp theo”, Olivia Troye, cựu quan chức Bộ An ninh nội địa và Nhà Trắng đã từ chức hồi tháng 8, cho biết.

“Các nhà tuyển dụng sẽ xem xét mọi điều đã xảy ra… đặt câu hỏi đạo đức về lý do lựa chọn làm việc trong môi trường như vậy”, bà Troye nói.

Các quan chức an ninh quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương khi phải tìm kiếm công việc mới. Nhiều người liên quan mật thiết tới các chính sách và bê bối đầy tranh cãi của ông Trump, như trục xuất người không có giấy tờ hợp lệ hay triển khai quân đội để giải tán người biểu tình ở thủ đô Washington hồi mùa hè năm 2020.

Trong một số trường hợp, các nhà tuyển dụng trở nên cực đoan thái qua đối với những nhân viên từng làm việc cho ông Trump.

Một quan chức quốc phòng cấp cao, người đã mất hai năm vẫn chưa thể tìm công việc, cho biết ông từng bị nhà tuyển dụng gọi là “Hitler trẻ”.

Người này nói, nhìn chung, các nhà tuyển dụng có tâm lý “thù hận chính quyền Trump”, khiến các cựu nhân viên cảm thấy bức xúc, bởi họ tự coi bản thân không phải là những người ủng hộ Tổng thống Trump theo cách mù quáng.

Khi trong thời gian tìm việc mùa hè vừa qua, bà Troye cho biết từng bị một nhà tuyển dụng nói thẳng nguyên nhân không được thuê là bởi bà phải “chịu trách nhiệm” cho các chính sách dưới thời Tổng thống Trump.

“Tôi không thể miêu tả mình đã đau lòng như thế nào khi nghe điều đó”, bà Troye nói.

Các công việc về an ninh quốc gia là cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất, bởi các ứng viên cần vượt qua kiểm tra an ninh và đòi hỏi phải có một bộ kỹ năng đặc thù.

Từng là một nhân viên dân sự của chính quyền Trump, Troye cho biết bà nhận công việc ở Nhà Trắng với mục đích “tạo ra khác biệt” và đấu tranh chống lại những chính sách bà tin là sai trái. Thế nhưng, vụ chạm trán với nhà tuyển dụng thiếu thiện chí đã cho bà thấy rõ hậu quả khi là một nhân viên dưới trướng Tổng thống Trump.

Elizabeth Neumann, một cựu nhân viên dân sự Bộ An ninh nội địa, cho biết bà cũng nhiều lần bị từ chối tuyển dụng vì từng làm việc cho chính quyền Tổng thống Trump, dù trước đó bà đã chủ động chỉ trích chính sách của chính quyền Trump ngay sau khi nghỉ việc.

Trong khi nhân viên cấp thấp phụ trách các vấn đề ít gây tranh cãi sẽ không gặp nhiều thử thách, những người liên quan tới các chính sách gây tranh cãi như nhập cư sẽ bị đưa vào danh sách đen, bà Neumann nói.

Một cựu quan chức tiết lộ nhiều đồng nghiệp đang chật vật tìm công việc mới. Trong khi các nhân viên giàu kinh nghiệm có đủ mạng lưới quan hệ và không khó tìm công việc mới, các nhân viên trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, không danh tiếng, sẽ gặp thử thách thực sự.

“Một số họ thực sự thông minh, chăm chỉ và tài giỏi, nhưng họ cũng là người ủng hộ ông Trump nhiệt thành, điều khiến giới nghiên cứu chính sách ở thủ đô thẳng tay loại khỏi danh sách. Tôi nghĩ không ít người sẽ trải qua vài tháng khó khăn phía trước”, một cựu quan chức nói.

Không ít trong số những người tiếp tục gắn bó với Tổng thống Trump, từ nhân viên cấp thấp tới thành viên nội các, đối mặt câu hỏi vì sao tới nay vẫn chưa từ bỏ “con tàu đắm”. Nhiều người từng nổi cáu vì sự bốc đồng của ông Trump, nhưng không ai đủ can đảm để lên tiếng.

“Những người này biết về những góc tối của ông Trump, nhưng họ lờ đi với hy vọng sẽ có thêm 4 năm công việc ổn định”, một cựu quan chức chính quyền Trump nói.

Đối với Olivia Troye, người phụ nữ cuối cùng từ bỏ ý định “tạo sự khác biệt” và lựa chọn hành động dựa trên “đạo đức”. Nhưng quyết định ly khai chính quyền và chỉ trích Tổng thống Trump là con dao hai lưỡi. Troye nay vừa là cựu quan chức của ông Trump, lại vừa là “người thổi còi”.

Bà Troye giờ lo lắng trước tương lai khi các nhà tuyển dụng coi bà là kẻ không thể tin tưởng bởi từng lựa chọn “lên tiếng”.

“Với một số người bạn là anh hùng, với nhiều người khác bạn là kẻ phản bội”, bà Troye nói.

Duy Anh – Zing

Leave a Reply