Nữ tiến sĩ châm ngòi tranh cãi nguồn gốc Covid-19

Alina Chan nằm trong số những người đầu tiên đặt câu hỏi về nguồn gốc Covid-19 và cuối cùng, cô bị kéo vào một cuộc tranh cãi nảy lửa.

Những ngày đầu Covid-19 mới bùng phát, nhiều nhà khoa học đã báo cáo về một đặc điểm rất đáng yên tâm của nCoV: Nó dường như rất ổn định. Virus không đột biến nhanh nên việc điều trị không có gì khó khăn và là mục tiêu dễ dàng đối với các loại vaccine.

Lúc bấy giờ, tỷ lệ đột biến chậm của nCoV khiến một nhà khoa học trẻ cảm thấy kỳ lạ. “Điều đó thực sự khiến tôi có cảm giác không ổn”, Alina Chan, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Broad ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ, cho biết.

Thậm chí trước cả khi dịch bùng lên dữ dội, tiến sĩ Chan đã tự hỏi liệu virus mới này bằng cách nào đó đã “thích nghi trước” để phát triển mạnh ở người hay không.

“Thời điểm nCoV được phát hiện ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, có vẻ như nó đã có đủ những đột biến cần thiết để lây từ người sang người”, Chan nói. “Nó đã được chuẩn bị tốt”.

Giả thuyết trên là nền tảng cho một bài viết gây tranh cãi đăng trên mạng vào tháng 5/2020, ở đó Chan và các đồng nghiệp của cô hoài nghi quan điểm được đồng thuận rộng rãi rằng nCoV đã lây từ dơi sang người thông qua vật chủ trung gian nào đó.

Câu hỏi mà Chan đặt ra đến giờ vẫn chưa có lời đáp. Hồi cuối tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden, không hài lòng trước một báo cáo ông nhận được về chủ đề này, đã yêu cầu tình báo Mỹ tìm hiểu sâu hơn nguồn gốc nCoV. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo Mỹ vẫn chưa thể kết luận được chính xác Covid-19 có nguồn gốc từ đâu, sau 3 tháng “nỗ lực gấp đôi” để điều tra.

Trong bài viết năm ngoái, Chan và các đồng nghiệp suy đoán rằng virus đã lây sang người nhiều tháng trước khi bị phát hiện và tích lũy các đột biến nguy hiểm trong thời gian này. Cũng có thể virus đã có những đột biến thích nghi với người khi còn lưu hành ở loài dơi hoặc một số động vật khác. Hoặc nó đột biến khi đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và vô tình bị rò rỉ ra ngoài.

Nhanh chóng sau đó, Chan nhận ra mình bị đã bị kéo vào “một vùng nước xoáy”. Ngay sau khi nghiên cứu của cô được đăng, tờ Mail on Sunday của Anh đăng bài viết với tiêu đề: “nCoV không bắt nguồn từ động vật ở chợ Vũ Hán”.

Nhiều nhà virus học chỉ trích Chan và các đồng nghiệp, cho rằng cô không có chuyên môn để nói về chủ đề này và rằng những tuyên bố của cô sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng, cản trở bất kỳ cuộc điều tra nào trong tương lai.

Vài người gọi cô là tác giả thuyết âm mưu. Số khác bác bỏ ý tưởng Chan nêu ra với lý do cô chỉ là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, một nhà khoa học cơ bản. Nhà virus học Benjamin Neuman gọi các giả thuyết của cô là “ngốc nghếch”.

Một tờ báo Trung Quốc cáo buộc Chan có “hành vi bẩn thỉu và thiếu đạo đức nghề nghiệp cơ bản”. Độc giả liên tiếp đưa ra những bình luận ác ý, gọi cô là “kẻ phản bội chủng tộc” vì Chan có gốc gác là người Hoa.

“Tôi đã có quãng thời gian sống trong lo sợ, nhiều ngày không thể ngủ”, Chan, 32 tuổi, cho biết trong cuộc phỏng vấn gần đây với New York Times tại một quán cà phê cách không xa Viện Broad, trung tâm chuyên nghiên cứu về vi sinh và di truyền.

Câu chuyện của Chan phản ánh mức độ phân cực sâu sắc trong những câu hỏi về nguồn gốc nCoV. Đại đa số các nhà khoa học cho rằng virus bắt nguồn từ dơi và lây sang người thông qua một vật chủ trung gian, song chưa biết vật chủ đó là gì.

Một số người cho rằng giả thuyết virus vô tình bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, cụ thể là Viện Virus học Vũ Hán, không thể bị bỏ qua và chưa được điều tra đầy đủ. Số ít các nhà khoa học khác lại hoài nghi nghiên cứu của viện này, liên quan đến việc nuôi dơi và trích xuất virus từ tự nhiên, có vai trò nào đó trong việc Covid-19 bùng phát.

Đây là một cuộc tranh luận thực sự gay gắt. Hồi tháng 5, 18 nhà khoa học, trong đó có Chan, đã công bố một lá thư kêu gọi điều tra nguồn gốc nCoV. Đến tháng 7, 21 nhà virus học, bao gồm cả những người từng ký tên trong bức thư kêu gọi hồi tháng 5, đăng một bài tổng hợp các bằng chứng về việc virus có nguồn gốc từ động vật, khẳng định “không có bằng chứng” cho thấy virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Nhiều nhà khoa học ở tất cả các bên cho biết họ đã bị đe dọa và bôi nhọ vì quan điểm của mình. Những động thái công kích dữ dội đến mức tiến sĩ Chan cảm thấy bất an và phải thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa mới, thay đổi các thói quen hàng ngày và thường xuyên tự hỏi liệu mình có bị theo dõi hay không.

Phản ứng trái chiều cũng khiến Chan lo lắng về tương lai nghề nghiệp của mình. Cô đã viết một lá thư cho cấp trên xin lỗi và nộp đơn xin từ chức.

“Tôi nghĩ mình đã đẩy sự nghiệp không chỉ của bản thân mà của cả nhóm đã viết bài đó vào ngõ cụt”, Chan nói. “Tôi nghĩ mình đã gây bất lợi cho tất cả mọi người, khiến chúng tôi sa lầy vào cuộc tranh cãi này”.

Nhưng sếp của Chan, tiến sĩ Benjamin E. Deverman, đồng tác giả bài viết, không chấp nhận để cô nghỉ việc mà chỉ nói rằng họ đã quá ngây thơ khi không lường trước những phản ứng dữ dội.

Vai trò của Chan gây tranh cãi đến mức nhiều nhà khoa học từ chối tranh luận về cô. Một trong số ít những nhà virus học sẵn sàng nhận xét thẳng thắn đã bác bỏ khả năng virus lọt từ phòng thí nghiệm.

“Tôi không tin virus bị tác động biến đổi gen hay do con người tạo ra”, Susan Weiss, đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Coronavirus và các Mầm bệnh mới nổi khác tại Đại học Pennsylvania, cho hay. Bà cũng bác bỏ khả năng virus vô tình bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. “Nó rõ ràng bắt nguồn từ động vật, loài dơi”.

Số khác nói rằng Chan đã dũng cảm khi đưa ra các giả thuyết thay thế. “Alina Chan xứng đáng được ghi nhận vì đã thách thức các luận điểm thông thường và đặt ra những câu hỏi”, Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale, nhận xét.

“Việc câu hỏi về nguồn gốc virus trở thành vấn đề gây tranh cãi dữ dội và phân cực là điều không thể lường trước”, Iwasaki nói thêm. “Thực tế là chúng ta không biết chính xác virus đến từ đâu. Quan trọng là phải chỉ ra điều đó”.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, tiến sĩ Chan cho biết cô vẫn phân vân về nguồn gốc nCoV, giằng xé “50-50” giữa giả thuyết virus bắt nguồn từ tự nhiên hay phòng thí nghiệm.

Không có tạp chí khoa học nào từng đăng bài viết của Chan. Quyết tâm thu hút chú ý vào điều mà cô tin là câu hỏi quan trọng cần phải trả lời nhằm ngăn chặn đại dịch trong tương lai, Chan đã tìm đến Twitter để truyền đi tiếng nói của mình và thu hút thêm người theo dõi.

Giờ đây, tình hình của Chan còn “tồi tệ hơn trước”. “Tôi bị công kích từ cả hai phía. Các nhà khoa học vẫn công kích tôi và những người tin virus rò rỉ từ phóng thí nghiệm cũng công kích tôi bởi tôi không thể bất chấp mọi thứ để kết luận nó bắt nguồn từ phòng thí nghiệm. Tôi luôn nói với họ rằng tôi không thể vì không có bằng chứng”, Chan chia sẻ.

Chan sinh ra ở Vancouver, Canada, nhưng cha mẹ đưa cô trở về quê nhà Singapore không lâu sau khi cô chào đời. Chan vẫn là một thiếu niên khi đại dịch SARS tấn công Singapore.

“Rất nhiều người chết vì SARS, tin tức tràn ngập trên TV”, Chan nhớ lại. “Tôi lúc đó 15 tuổi và nó thực sự ám ảnh tôi. Những túi đựng thi thể xếp đống ở hành lang bệnh viện”.

“Khi Covid-19 bùng phát, không ít người ở Boston nghĩ nó không phải chuyện gì quá lớn lao và rằng cúm mùa còn tồi tệ hơn”, Chan nói. “Tôi nhớ khi ấy mình đã nghĩ ‘chuyện này thực sự nghiêm trọng đấy'”.

Chan quay trở lại Canada sau trung học, theo học ngành hóa sinh và sinh học phân tử tại Đại học British Columbia và hoàn thành bằng thạc sĩ ngành di truyền y học. Ở tuổi 25, cô trở thành nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Harvard, sau đó đảm nhận một vị trí làm việc cho tiến sĩ Deverman, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu kỹ thuật vector tại Trung tâm Stanley về Nghiên cứu Tâm thần thuộc Viện Broad của Viện Công nghệ Massachusetts và Harvard.

Tiến sĩ Chan là “một người sâu sắc, vô cùng kiên định và dường như không biết sợ hãi”, tiến sĩ Deverman nhận xét, và cô ấy có khả năng kỳ lạ trong việc “tổng hợp một lượng lớn thông tin phức tạp, chắt lọc thành những điểm quan trọng nhất sau đó truyền đạt chúng bằng ngôn ngữ dễ hiểu”.

Tự nhận mình là người nghiện công việc, Chan đăng ký kết hôn với một nhà khoa học đồng nghiệp cách đây vài năm trong giờ giải lao của một hội thảo chuyên ngành.

“Chúng tôi nghỉ buổi sáng và đến tòa thị chính đăng ký kết hôn rồi trở về buổi hội thảo. Sếp của tôi hỏi ‘Bạn đi đâu vậy?'”, Chan kể. “Tôi trả lời tỉnh bơ ‘Tôi vừa kết hôn’. Tôi thậm chí còn không có cả nhẫn. Mẹ tôi đã bị sốc”.

Chan vẫn mơ hồ về nguồn gốc nCoV. “Tôi giờ đây nghiêng về giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nhưng có những ngày tôi lại nghiêm túc cân nhắc khả năng virus có nguồn gốc tự nhiên”, cô nói.

Vũ Hoàng (Theo NYTimes) – VnExpress

Leave a Reply