Nước Mỹ chật vật trong cơn khát máy thở, khẩu trang y tế

Tổng thống Donald Trump đề nghị các nhà sản xuất và tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ tham gia chiến dịch sản xuất các thiết bị y tế quan trọng như máy thở và khẩu trang.

Theo New York Times, trong 5 ngày qua, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump liên tục mời lãnh đạo các tập đoàn tới Nhà Trắng, hoặc liên lạc qua điện thoại để thảo luận phương án mở rộng nguồn cung thiết bị y tế phục vụ nỗ lực chống dịch Covid-19.

Chuẩn đô đốc John Polowchot thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân được giao nhiệm vụ xây dựng chuỗi cung ứng thiết bị y tế. Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng, cũng đóng một vai trò quan trọng.

Trên thực tế, Nhà Trắng đã chuyển giao trách nhiệm này từ Bộ Y tế sang Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA). Tuy nhiên, New York Times nhận định chưa có gì cho thấy việc huy động các công ty như General Motors, Apple và Hanes sẽ đem lại hiệu quả.

Đến nay, một số tập đoàn mới chỉ cam kết cung cấp khẩu trang, tận dụng máy in 3-D để sản xuất phụ tùng máy thở…

Vẫn đầy bối rối

New York Times phỏng vấn hàng loạt quan chức chính phủ và lãnh đạo các công ty và phát hiện tất cả vẫn còn mù mờ, bối rối, không rõ vai trò của từng công ty. Các tập đoàn cũng không biết sẽ phải sản xuất những thiết bị gì, ở quy mô như thế nào.

Ngoài ra, các công ty cũng đối mặt với lời đề nghị hỗ trợ của hàng loạt thống đốc và thị trưởng khắp cả nước. Nhà Trắng vẫn chưa thông báo các địa phương nào sẽ được ưu tiên hỗ trợ thiết bị y tế. Và không biết đến bao giờ hàng hóa mới tới được các thành phố và bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm New York.

Ngày 22/3, Thống đốc New York Andrew M. Cuomo kêu gọi chính phủ liên bang tiếp quản vai trò việc phân phối hàng hóa quan trọng. Ông cho rằng việc ông Trump yêu cầu các bang phải tự tìm nguồn cung thiết bị y tế sẽ biến toàn bộ quy trình này trở thành một cuộc cạnh tranh vô nghĩa.

“Đừng biến hoạt động này trở thành một cuộc chiến đấu thầu điên rồ”, ông Coumo bức xúc. Thống đốc New York mô tả quyết định của chính quyền Washington sẽ khiến giá thiết bị tăng vọt, hành vi tích trữ leo thang và các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề như New York đối mặt với tình trạng thiếu hụt vật tư.

“Chính quyền liên bang cần yêu cầu các công ty tư nhân chuyển đổi sản xuất. Nếu có quyền đó, tôi đã làm như vậy ở New York”, ông Coumo nhấn mạnh.

Tại Nhà Trắng, một cuộc tranh luận khác đang diễn ra. Jared Kushner – con rể ông Trump – và các cố vấn khác của tổng thống Mỹ kết luận FEMA phải là cơ quan lãnh đạo cuộc chiến chống dịch Covid-19 và quản lý nguồn cung thiết bị y tế.

Tuy nhiên, New York Times dẫn lời chuyên gia Christopher Kirchhoff nhận định FEMA hoàn toàn không biết gì về các chuỗi cung ưng thiết bị y tế. Đến ngày 22/3, Giám đốc FEMA Peter T. Gaynor vẫn chưa xác định được kho dự trữ quốc gia đã xả bao nhiêu khẩu trang, và các địa phương đã đề xuất hỗ trợ bao nhiêu chiếc.

Với những người phản đối ông Trump, tình trạng bế tắc này là hậu quả của sự trì trệ trong chính quyền Washington suốt 3 năm qua. Trên thực tế, chính quyền ông Trump từng nhiều lần được cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh, nhưng đều phớt lờ.

Hành động quá muộn

Cựu Phó tổng thống Mỹ Joseph R. Biden cho rằng chính quyền ông Trump phản ứng quá chậm trễ. “Sự thật là không thể chối cãi. Các chuyên gia y tế và tình báo hàng đầu nước Mỹ đã cảnh báo về virus corona từ vài tháng trước, nhưng Tổng thống Trump bỏ ngoài tai. Ông ta cố tình hạ thấp nguy cơ và nói dối về dịch bệnh”, ông Biden chỉ trích.

“Ông ta không thể đảm bảo nguồn cung bộ xét nghiệm, khẩu trang và máy thở trong khi lãnh đạo các nước khác hành động để bảo vệ người dân”, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ nhấn mạnh.

Khi được hỏi tại sao ông Trump không sử dụng Luật Sản xuất Quốc phòng để buộc các tập đoàn hành động, ông Navarro khẳng định “chúng tôi vẫn có nguồn cung thiết bị y tế mà không cần cưỡng ép doanh nghiệp”. Nguồn tin New York Times cho biết Phòng Thương mại Mỹ và lãnh đạo các doanh nghiệp đã vận động hành lang để Nhà Trắng không sử dụng luật này.

Ông Navarro đang đối thoại với các công ty như FedEx, Hanes, Pernod Ricard và Honeywell để mở rộng nguồn cung thiết bị y tế. Tuần trước, một máy bay vận tải tới Italy để chở 800.000 miếng gạc mũi sử dụng trong xét nghiệm về Mỹ.

Ngày 23/3, FEMA triển khai các chuyến bay chở 3.000 bộ đồ bảo hộ Tyvek, 19.000 khẩu trang và 75.000 đôi găng tay từ hãng United Technologies đến New York, Washington và California.

Ông Navarro cũng huy động một nhóm các công ty vải sản xuất khẩu trang. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không sản xuất được khẩu trang N95, loại các nhân viên y tế cần. Ngoài ra, các chuyên gia nhận xét việc những tập đoàn như Apple cam kết quyên hàng triệu khẩu trang cũng sẽ không hỗ trợ được nhiều cho lực lượng y tế chống dịch.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp tiết lộ các công ty ngần ngại, không muốn tăng cường sản xuất thiết bị y tế nếu chính phủ không cam kết mua hết. Với việc nền kinh tế Mỹ đang lao dốc, không nhiều nhà sản xuất dám đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất hoặc sản xuất các sản phẩm hoàn toàn mới.

Các công ty Mỹ chuyên sản xuất khẩu trang, miếng gạc và các thiết bị đang hoạt động ngày đêm để đáp ứng nhu cầu tăng vọt. Tuy nhiên chừng đó là chưa đủ.

Mới đây, ông Trump hào hứng thông báo Ford, General Motors và Tesla đã cam kết sản xuất máy thở, nhưng giới chuyên môn cho biết phải mất hàng tháng các công ty này mới có thể khởi động sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng chung.

An Chi – Zing

Leave a Reply