Ông Biden công bố gói đầu tư hạ tầng khổng lồ

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/3 công bố kế hoạch đầu tư hạ tầng khổng lồ 2.300 tỷ USD.

Phát biểu tại trung tâm đào tạo của nghiệp đoàn thợ mộc thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, ông Biden hứa hẹn kết quả sẽ có quy mô khổng lồ tương tự New Deal (năm 1933 thời Franklin D. Roosevelt sau Đại Suy thoái) hay các chương trình kích thích kinh tế khác đã định hình nước Mỹ thế kỷ 20.

“Đây là gói đầu tư chỉ có một lần trong một thế hệ, không giống bất cứ điều gì mà chúng ta đã làm kể từ sau khi xây dựng hệ thống đường cao tốc liên bang hay chạy đua chinh phục vũ trụ nhiều thập kỷ trước”, ông Biden nói. “Đây là gói đầu tư lớn nhất vào việc làm cho nước Mỹ kể từ sau Thế chiến II, sẽ tạo ra hàng triệu việc làm lương cao”.

Nguồn tiền sẽ đến từ tăng thuế

Các quan chức Nhà Trắng nói các khoản đầu tư sẽ tạo việc làm trong bối cảnh nước Mỹ dần ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và đối phó với nguy cơ biến đổi khí hậu.

“Tôi tin rằng nếu chúng ta hành động bây giờ, thì trong 50 năm, mọi người sẽ nhìn lại và nói đây là lúc mà nước Mỹ giành lấy được tương lai”, ông Biden nói.

Nguồn tiền cho các dự án hạ tầng sẽ đến từ những khoản tăng thuế doanh nghiệp. Việc tăng thuế được kỳ vọng sẽ đem về đủ số tiền cần thiết trong vòng 15 năm, và sau đó sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách. Nếu tăng được thuế từ 21% lên 28% như trong kế hoạch, ông Biden sẽ đảo ngược chính sách giảm thuế năm 2017 của ông Trump và đảng Cộng hòa.

“91% các công ty Fortune 500, bao gồm Amazon, không trả một đồng thuế thu nhập nào”, ông Biden nói.

Ngoài dự luật về hạ tầng, trong các tuần tới, ông Biden cũng sẽ thúc đẩy dự luật khác tương tự về quy mô, để đầu tư vào các chương trình hỗ trợ hộ gia đình, chẳng hạn các dịch vụ chăm sóc trẻ em. Dự luật này có quy mô gần 2.000 tỷ USD, và nguồn tiền sẽ đến từ các gia đình, cá nhân có thu nhập cao.

“Xây dựng nên đất nước này không phải là Phố Wall”, ông Biden nói. “Chính các bạn, tầng lớp trung lưu, mới là người xây dựng nên đất nước này. Và chính các nghiệp đoàn tạo dựng nên tầng lớp trung lưu”.

Thành phố Pittsburgh mà ông Biden đến để công bố kế hoạch đầu tư hạ tầng là lựa chọn mang tính biểu tượng. Thành phố từng nổi tiếng với các nhà máy thép góp phần vào sự trỗi dậy của công nghiệp Mỹ, thì nay dịch chuyển sang ngành công nghệ và chăm sóc sức khỏe – minh chứng cho thấy cơ cấu kinh tế hoàn toàn có thể thay đổi.

Dù sẽ gặp phản đối từ cộng đồng doanh nghiệp và đảng Cộng hòa, ông Biden hy vọng thông qua kế hoạch hạ tầng từ nay cho tới mùa hè. Ông sẽ phải dựa vào thế đa số mong manh của đảng Dân chủ ở Hạ viện và Thượng viện.

Hạ tầng có tự sinh lời?

Nhà Trắng cho biết kế hoạch hạ tầng sẽ bao gồm 621 tỷ USD cho đường, cầu, giao thông công cộng, trạm sạc xe điện và các hạ tầng giao thông khác. 111 tỷ USD sẽ dành để thay thế ống nước và nâng cấp hệ thống nước thải. 100 tỷ USD là để đầu tư Internet băng rộng trên khắp nước Mỹ. Ngoài ra, 100 tỷ USD sẽ được chi cho việc nâng cấp lưới điện, chuyển sang điện sạch.

Được đề xuất không lâu sau khi gói cứu trợ chống dịch Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD của ông Biden được thông qua, các dự án xây dựng mới được kỳ vọng làm động lực mới cho nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế ước tính kế hoạch hạ tầng mới có thể đẩy mức tăng trưởng lên trên 6% trong năm nay.

Để ngăn các công ty chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và trốn thuế, một mức thuế tối thiểu 21% có thể áp dụng cho công ty Mỹ trên toàn cầu. Quy định thuế cũng sẽ được cập nhật, để ngăn các công ty sáp nhập với một công ty nước ngoài, rồi trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các “thiên đường thuế”. Cơ quan thuế của Mỹ cũng sẽ tăng cường việc thanh tra.

Các nghị sĩ Dân chủ chào đón kế hoạch của ông Biden, trong khi các lãnh đạo đảng Cộng hòa chỉ trích ông Biden vì muốn tăng thuế.

Beth Ann Bovino, kinh tế gia trưởng của hãng đánh giá rủi ro tín dụng Standard & Poor’s, vào năm ngoái từng ước tính việc chi 2.100 tỷ USD vào hạ tầng có thể đem lại thêm 5.700 tỷ USD cho toàn bộ nền kinh tế, trong vòng một thập kỷ. Tận dụng kết quả phân tích này, một số nghị sĩ Dân chủ còn tuyên bố “tiền chi vào hạ tầng sẽ tự sinh lời qua thời gian”.

Theo AP, việc chi tiền cho hạ tầng có thể đem lại tăng trưởng kinh tế, nhưng đem lại tăng trưởng bao nhiêu thì vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi. Chẳng hạn, thời gian di chuyển hoặc vận tải hàng hóa sẽ được rút ngắn, y tế cộng đồng sẽ được cải thiện, còn các công việc ngành xây dựng sẽ thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.

Nhưng chính quyền Biden cũng đang cẩn trọng. Sau gói cứu trợ 1.900 tỷ USD vừa thông qua và tổng cộng 4.000 tỷ USD tiền cứu trợ của năm ngoái, chính quyền Biden đang cố gắng không làm nợ công tăng lên nữa, vì như vậy sẽ tăng lãi suất, làm nợ khó trả hơn.

Trọng Thuấn (theo AP) – Zing

Leave a Reply