Ông Tập và bài toán lòng trung thành của ‘hồng nhị đại’

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoa Quốc Phong, tầng lớp hậu duệ các khai quốc công thần Trung Quốc đã nhận một thông điệp chính trị quan trọng.

Hoa Quốc Phong, người từng được kỳ vọng sẽ tiếp bước Mao Trạch Đông lãnh đạo Trung Quốc, có thời điểm giữ mọi chức vụ quan trọng nhất trong hệ thống chính trị nước này: chủ tịch đảng, chủ tịch quân ủy trung ương và thủ tướng. Sau khi rời khỏi mọi vị trí quyền lực, ông rời xa chính trị, sống cuộc đời gần như ẩn danh. Cựu thủ tướng Trung Quốc qua đời khi Olympics Bắc Kinh 2008 đang diễn ra. Ông cũng ít khi được truyền thông nhắc đến kể từ ngày đó.

Khi tưởng chừng cái tên đã chìm vào dĩ vãng, Bắc Kinh bất ngờ tổ chức tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh cho Hoa Quốc Phong.

“Ông Hoa là một đảng viên kiệt xuất của đảng Cộng sản Trung Quốc, một chiến sĩ Cộng sản trung kiên và tài ba, một nhà cách mạng vô sản từng giữ những vị trí quan trọng nhất trong đảng và chính phủ”, Tân Hoa xã dẫn lại nội dung tọa đàm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đến sự kiện. Tuy nhiên, Bộ chính trị Trung Quốc có đến 5 đại diện tham gia, trong đó hai người là ủy viên thường vụ. Tiếng nói chính trị từ buổi tọa đàm rõ ràng rất “nặng ký”.

Sự kiện ngày 20/2 gây ra không ít xôn xao trên chính trường Trung Quốc khi được tổ chức giữa bối cảnh đất nước đang tiến đến hai cột mốc quan trọng: Kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm 2021 và đại hội đảng toàn quốc năm 2022.

Ông Hoa là người trung thành tuyệt đối với cố lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông, ngay cả trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa đầy sóng gió. Sau khi ông Mao qua đời vào năm 1976, Trung Quốc bước vào kỷ nguyên cải cách và mở cửa với sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình. Cũng trong thời gian cải cách, ông Hoa lần lượt rời khỏi những chức vụ quan trọng trong đảng, đầu tiên là ghế thủ tướng vào năm 1980, sau đó là hai vị trí chủ tịch đảng và chủ tịch Quân ủy Trung ương vào năm 1981. Một năm sau, ông rời khỏi Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc.

Sự thay đổi cấu trúc quyền lực ở thượng tầng lãnh đạo Trung Quốc, từ tập trung cá nhân sang lãnh đạo tập thể, cũng diễn ra trong cùng giai đoạn. Điều lệ đảng được điều chỉnh để không một nhà lãnh đạo nào có thể nắm quyền lực trọn đời. Chủ nghĩa “tôn sùng cá nhân” bị cấm và vị trí chủ tịch đảng cũng không còn.

Trong hiến pháp cải cách, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình giới hạn chủ tịch nước chỉ được giữ hai nhiệm kỳ 5 năm. Điều này đã thay đổi vào tháng 3/2018, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy thành công điều chỉnh hiến pháp cải cách thời ông Đặng và xóa giới hạn nhiệm kỳ, đánh dấu một giai đoạn mới trên chính trường Trung Quốc và quá trình tập trung quyền lực của ông Tập.

Năm 2018 cũng là thời điểm CCTV bắt đầu chạy chương trình nhiều kỳ Bình Dị Cận Nhân – hiền họa dễ gần – gồm những trích dẫn của ông Tập. Một cách trùng hợp, ngày diễn ra tọa đàm Hoa Quốc Phong, truyền hình quốc gia Trung Quốc đêm đó chọn chủ đề “Trung thành” cho Bình Dị Cận Nhân.

Một điểm cần lưu ý nữa trong sự kiện ngày 20/2 là thành phần tham gia. Ngoài các ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc, một số lượng đáng kể những “hồng nhị đại” – hậu duệ các bậc khai quốc công thần, thế hệ lãnh đạo đầu tiên của đất nước – cũng góp mặt. Đây là nhóm có tiếng nói “nặng ký” trên chính trường Trung Quốc.

Nổi bật trong nhóm “hồng nhị đại” đến dự có tướng về hưu Lưu Nguyên, con trai cựu Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ. Ông là một người bạn thâm niên của ông Tập và từng có vai trò quan trọng với chiến dịch chống tham nhũng “Đả hổ, diệt ruồi” với các quan chức quân đội. Một gương mặt đáng chú ý khác là Mao Tân Vũ, cháu của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông, hiện mang hàm thiếu tướng lục quân.

Bản thân ông Tập cũng thuộc nhóm “hồng nhị đại”, có phụ thân là cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân. Khi khởi động chiến dịch chống tham nhũng đầy tham vọng, ông đã nhận được sự ủng hộ quan trọng từ những người cùng nhóm. Nhiều người quyền lực trên chính trường đã sa lưới, trong đó có cả cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang, chỉ một vài thành viên trong tầng lớp “hồng nhị đại” chịu kỷ luật.

Giới quan sát chỉ bắt đầu hoài nghi về sóng ngầm trong mối quan hệ giữa ông Tập và nhóm “hồng nhị đại” trong kỳ đại hội đảng toàn quốc năm 2017. Số thành viên trong nhóm chính trị được chọn cho những vị trí then chốt trong đảng ở mức thấp ngoài mọi dự đoán. Thay vào đó, đội ngũ thân cận với ông Tập là những cộng sự có thâm niên và được ông tin tưởng, trong đó nhiều người là thân tín từ thời ông làm lãnh đạo ở Chiết Giang. Bước cải cách hiến pháp năm 2018 và nỗ lực củng cố hình ảnh cá nhân ông Tập thời gian qua cũng khó mà hợp ý nhóm hậu duệ thế hệ lãnh đạo thứ nhất, vốn trải qua vô số gian truân bởi đấu đá chính trị trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa.

Giữa bối cảnh chính trị này, thông điệp từ Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Vương Hỗ Ninh – người được xem là lãnh đạo quyền lực thứ 5 trong hàng ngũ lãnh đạo đảng – càng thêm đáng chú ý. Trước những “hồng nhị đại”, ông Vương chọn ca ngợi ba đức tính của cựu thủ tướng Hoa Quốc Phong: trung thành, chân thành và tuân thủ kỷ luật đảng.

Vương nhắc lại thời kỳ Cách mạng Văn hóa, nói Hoa Quốc Phong đã “bất kể an toàn cá nhân” để hành động dũng cảm, không chấp nhận “chủ nghĩa bè phái trong hàng ngũ đảng” và hợp tác dẹp nạn “Tứ nhân bang” thâu tóm quyền lực. Cách ông Vương đề cập đến “hoạt động chủ nghĩa bè phái” có thể mang hàm ý chính trị đương đại đáng kể.

Thông điệp này tương tự lần ông Tập Cận Bình tuyên bố đảng viên không thể đứng ngoài cuộc khi chống tham nhũng và chờ xem bên nào thắng cuộc. Dường như tầng lớp “hồng nhị đại”, ngay trước thềm hai cột mốc quan trọng của chính trị Trung Quốc, đang được nhắc nhở thêm lần nữa rằng “hoạt động bè phái” sẽ không tiếp tục được chấp nhận.

Trung Nhân (Theo Nikkei Asia) – VnExpress

Leave a Reply