Phe Cộng hòa hả hê khi câu hỏi về nguồn gốc nCoV tăng nhiệt

Biden đang chịu áp lực tìm kiếm câu trả lời về nguồn gốc nCoV, khi phe Cộng hòa hả hê vì giả thiết nCoV lọt từ phòng thí nghiệm nóng trở lại.

Tổng thống Joe Biden hôm 26/5 ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ báo cáo trong vòng 90 liệu nCoV có nguồn gốc từ động vật hay bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc.

Tuyên bố của Biden được đưa ra khi ông chịu áp lực chính trị gia tăng vì tờ Wall Street Journal công bố thông tin từ một báo cáo tình báo mật, cho thấy một số nghiên cứu viên Viện Virus Virus học Vũ Hán đã phải nhập viện từ tháng 11/2019 với các triệu chứng tương tự “Covid-19 hoặc cúm mùa”.

CNN sau đó đưa tin rằng chính quyền Biden từng yêu cầu Bộ Ngoại giao đóng một cuộc điều tra được khởi động trong những ngày cuối của chính quyền Donald Trump để chứng minh nCoV thoát ra từ phòng thí nghiệm Trung Quốc. Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cho biết cuộc điều tra đã hoàn tất, một số nguồn tin liên quan nói họ thấy còn nhiều việc phải làm.

Nếu đúng là nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm, Trump có thể nói rằng ông đã được minh oan.Nhiều bên thúc giục chính quyền Biden phải minh bạch và xem xét giả thiết này một cách nghiêm túc, đặc biệt là khi các cựu quan chức chính quyền Trump và đảng Cộng hòa đang hả hê, vì họ đã thúc đẩy giả thiết này vào năm ngoái, mặc dù không đưa ra bằng chứng rõ ràng.

Ưu tiên y tế và chính trị hiện nay là thực hiện mộtcuộc điều tra chuyên sâu, đáng tin cậy.Leana Wen, nhà phân tích y tế của CNN và là cựu ủy viên y tế Baltimore, nói rằng cuộc điều tra như vậy cần phải dựa trên phương pháp khoa học, “có nghĩa là bạn không không nghĩ sẵn kết luận rồi sau đó tìm dữ liệu để phù hợp với kết luận đó”.

Lo ngại này được cho là lý do chính quyền Biden đóng cuộc điều tra giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm do cựu ngoại trưởng Mike Pompeo khởi xướng.

Giờ đây, chính quyền Biden phải chứng minh họ sẵn sàng truy tìm nguồn gốc nCoV. Một câu hỏi được đặt ra là liệu các cơ quan tình báo Mỹ, vốn gặp khó khăn trong việc thâm nhập mạng lưới an ninh Trung Quốc, có phải là cách tốt nhất để tìm ra sự thật hay không. Hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có hiểu đầy đủ về nguồn gốc virus hay không và khó xác định được chính xác thời điểm bắt đầu đại dịch.

“Nhiều người trong chúng tôi cảm thấy đây nhiều khả năng đây là hiện tượng tự nhiên, khi virus lây từ động vật sang con người. Nhưng chúng tôi không biết 100% câu trả lời cho điều đó”, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, nói hồi đầu tuần.

Năm ngoái, các đảng viên Dân chủ đã phản đối việc Trump rút khỏi WHO với lý do tổ chức này bị Trung Quốc chi phối. Mỹ đã tái gia nhập cơ quan ngay sau khi Biden nhậm chức. Nếu Bắc Kinh bị phát hiện đã lừa dối WHO, bên vốn hạ thấp giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm, các cựu quan chức cấp cao của Trump có thể yêu cầu một số lời “minh oan”.

Trong những ngày gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấyMỹ đang thể hiện họ cứng rắn hơn đối với WHO và Bắc Kinh. “Chúng tôi đã nói từ rất lâu rằng Trung Quốc cần cho các bên tiếp cận phòng thí nghiệm nhiều hơn, hợp tác toàn diện hơn với các nhà điều tra khoa học. Chúng tôi không nghĩ rằng họ đã đáp ứng được tiêu chuẩn đó”, phó thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói hôm 26/5.

Andy Slavitt, điều phối viên Covid-19 của Nhà Trắng, nói hôm 25/5 rằng cần một “quy trình hoàn toàn minh bạch từ Trung Quốc. Chúng tôi cần WHO hỗ trợ để thúc đẩy điều này nhưng chúng tôi cảm thấy họ chưa làm vậy”.

Những bình luận này đặt ra câu hỏi liệu WHO có đủ sức nặng và năng lực ngoại giao để tiến hành một cuộc điều tra mà Trung Quốc có khả năng cản trở hay không.

“WHO không thể tiến hành cuộc điều tra này vì nói thẳng ra là Trung Quốc không cho phép”, thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nói hôm 25/5. Rubio là một trong số những đảng viên đảng Cộng hòa có thể tranh cử tổng thống năm 2024. Cứng rắn với Trung Quốc có thể là trọng tâm của ông khi tham gia vòng bầu cử sơ bộ.

Các cựu quan chức và những người ủng hộ chính quyền Trump phản ứng với các sự kiện mới nhất bằng cách tuyên bố họ đã đúng khi đưa ra các cáo buộc nhằm vào Trung Quốc,mặc dù chưa đưa ra bằng chứng công khai.

“Chúng ta cần biết điều gì đã xảy ra. Trung Quốc biết chuyện gì đã xảy ra. Họ biết bệnh nhân số 0 là ai. Họ biết chính xác dịch bắt nguồn từ đâu”, Pompeo nói hôm 24/5.

Theo giới quan sát, những câu hỏi Pompeo nêu ra là đáng chú ý, ngay cả khi ông có động cơ chính trị. Chính phủ Trung Quốc đã chậm trễ cảnh báo phần còn lại của thế giới về những gì diễn ra ở Vũ Hán khi dịch mới bùng phát. WHO dường như đã chật vật đưa câu trả lời kịp thời và chi tiết về những gì diễn ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, khi virus bắt đầu lây lan.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Indiana Todd Young nói rằng WHO phải hành động nhanh chóng để cứu vãn danh tiếng bằng cách thuyết phục Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu về nguồn gốc virus. “Tôi không thấy có cách nào khác để WHO khôi phục uy tín trong mắt người Mỹ và thế giới, những người cho rằng họ đặt niềm tin nhiều hơn vào giới lãnh đạo Trung Quốc và chiều theo ý họ hơn so với phương Tây”, Young nói.

Tiến sĩ Robert Redfield, cựu lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nói trong bộ phim tài liệu phát hành vào tháng ba rằng virus “rất có thể lọt ra từ một phòng thí nghiệm”. Nhưng giống các quan chức khác trong chính quyền Trump, ông không thể chứng minh giả thuyết này.

Hồi tháng 5/2020, Trump có những phát ngôn ẩn ý, như thể ông nắm trong tay một số thông tin về nguồn gốc virus.”Chuyện gì đó đã xảy ra. Nó xuất phát từ Trung Quốc. Đáng lẽ nó phải bị chặn lại. Nó có thể bị chặn ngay tại chỗ”, Trump nói.

Tuy nhiên, do Trump thường xuyên đưa ra các thuyết âm mưu hay thông tin tình báo sai để phục vụ mục đích chính trị của mình, ông không được coi là nguồn tin đặc biệt đáng tin cậy. Và một câu hỏi được đặt ra: nếu đội ngũ của Trump có bằng chứng để chứng minh giả thiết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm, tại sao họ không công bố với thế giới, khi họ có mọi động cơ để làm như vậy?

Việc phe Cộng hòa cho rằng Trump đã đúng về nguồn gốc Covid-19 được coi một nỗ lực “tẩy trắng” khi ông đã xử lý dịch rất tệ. Khi dịch mới bùng phát, Trump đang muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc để thúc đẩy chiến dịch tái tranh cử nên ông đã đưa ra lời có cánh cho Chủ tịch Trung Quốc. Đầu năm 2020, Trump nói rằng Trung Quốc đang “làm việc rất chăm chỉ” và làm “rất tốt” trong đối phó đại dịch. Ông cũng ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình “mạnh mẽ, sắc bén và tập trung toàn lực vào cuộc chiến chống nCoV”.

Chỉ khi tác động của virus trở nên rõ ràng đối với triển vọng bầu cử, ông mới thay đổi quan điểm. Điều đó gây ấn tượng rằng Trump có động cơ chính trị khi đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra đại dịch.

“Dù nguồn gốc của Covid-19 là gì, lịch sử sẽ vẫn lên án Trump vì đã phớt lờ và phủ nhận mức độ nghiêm trọng của nCoV khi nó lây lan đến Mỹ. Ông ấy đã khiến Mỹ không chuẩn bị sớm trước khủng hoảng vì không gây áp lực buộc Bắc Kinh phải có câu trả lời khi dịch mới bùng phát”, ký giả Stephen Collinson của CNN viết.

Trong khi đó, nghị sĩ Dân chủ Anna G. Eshoo, chủ tịch tiểu ban y tế của hội đồng Năng lượng và Thương mại, ra tuyên bố nhấn mạnh không nên để chính trị dính dáng đến cuộc điều tra.

Eshoo hoan nghênh lập luận của nhóm 18 nhà khoa học trên tạp chí Science rằng cần phải có cuộc điều tra “minh bạch, khách quan, dựa trên dữ liệu” để xác định nguồn gốc đại dịch. “Nếu trộn chung chính trị đảng phái với khoa học thì đó là sự kết hợp độc hại. Chúng không thể song hành với nhau”, Eshoo nói.

Phương Vũ (Theo CNN) – VnExpress

Leave a Reply