Đặc phái viên LHQ cho biết quân đội Myanmar nói rằng họ sẵn sàng đương đầu các lệnh trừng phạt và cô lập sau cuộc đảo chính ngày 1/2.
Trong các cuộc trò chuyện với Phó tổng tư lệnh Myanmar Soe Win, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Schraner Burgener đã cảnh báo rằng quân đội Myanmar có khả năng phải đối mặt các biện pháp mạnh mẽ và cô lập từ một số quốc gia vì đảo chính.
“Ông ấy trả lời rằng: ‘Chúng tôi đã quen với các lệnh trừng phạt và chúng tôi đã sống sót”, bà nói với các phóng viên ở New York ngày 3/3. “Khi tôi cảnh báo rằng họ sẽ bị cô lập, ông ấy đáp: ‘Chúng tôi phải học cách đi cùng chỉ vài người bạn”.
Các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu, đã thực hiện hoặc đang xem xét các biện pháp trừng phạt diện hẹp nhằm gây áp lực với quân đội Myanmar và các đồng minh kinh doanh của họ.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên đã bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp, nhưng không lên án cuộc đảo chính vào tháng trước vì sự phản đối của Nga và Trung Quốc, những bên coi diễn biến này là vấn đề nội bộ của Myanmar. Các nhà ngoại giao cho rằng Hội đồng Bảo an ít khả năng đưa ra hành động nào ngoài ra tuyên bố.
“Tôi hy vọng họ nhận ra đó không chỉ là vấn đề nội bộ mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực”, Schraner Burgener nói về Trung Quốc và Nga.
Soe Win đã nói với bà rằng Myanmar sẽ tổ chức một cuộc bầu cử khác sau một năm. Lần gần đây nhất Schraner Burgener nói chuyện với ông này là vào ngày 15/2 và bà đang liên lạc với quân đội Myanmar bằng văn bản.
“Rõ ràng, theo quan điểm của tôi, chiến thuật của họ bây giờ là điều tra các lãnh đạo đảng NLD để bỏ tù họ”, bà nói. “Cuối cùng NLD sẽ bị cấm và sau đó họ tổ chức một cuộc bầu cử mới. Họ muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đó và có thể tiếp tục nắm quyền”.
Schraner Burgener tin rằng quân đội “rất bất ngờ” trước các cuộc biểu tình phản đối đảo chính. “Ngày nay chúng ta có những người trẻ đã sống trong tự do 10 năm, họ có mạng xã hội, có tổ chức tốt và rất quyết tâm”, bà nói. “Họ không muốn quay trở lại chính quyền quân sự và cô lập”.
Làn sóng biểu tình ở Myanmar hôm 3/3 trải qua “ngày đẫm máu” nhất khi 38 người bị lực lượng an ninh bắn chết. Tổng cộng 50 người biểu tình đã thiệt mạng kể từ sau cuộc đảo chính.
Mỹ nói rằng họ “kinh hoàng” trước bạo lực ở Myanmar và kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho một nhà báo AP cùng 5 phóng viên khác, những người đã bị bắt và cáo buộc tội vi phạm luật trật tự công cộng. Tổng thống Pháp Macron kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực ở Myanmar và để nền dân chủ trở lại.
Phương Vũ (Theo Reuters) – VnExpress