Reuters: Mỹ sẽ tạo ra chủng virus corona để thử vaccine

Các nhà khoa học Mỹ muốn chủ động đưa virus corona vào cơ thể người tình nguyện thử nghiệm vaccine, điều sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất nhưng cũng là phương pháp gây tranh cãi.

Theo Reuters, các nhà khoa học của chính phủ Mỹ đang nỗ lực tạo ra một chủng virus corona mới có thể đưa vào cơ thể tình nguyện viên thử nghiệm vaccine theo một phương pháp gây tranh cãi.

Theo Vox, khi một loại vaccine được thử nghiệm trên người, nó sẽ bao gồm 3 giai đoạn: thử nghiệm trên một nhóm nhỏ (khoảng 50 người) xem nó có thật sự an toàn, sau đó là giai đoạn 2 với thử nghiệm trên hàng trăm người xem nó có thật sự hiệu quả, và cuối cùng là thử nghiệm giai đoạn 3 với hàng chục nghìn người tình nguyện tiêm vaccine.

Giai đoạn 3 này là tốn kém nhất cả về tiền bạc và thời gian, vì các nhà khoa học cần một mẫu đủ lớn và đa dạng về các yếu tố nhân khẩu học. Những người tình nguyện sẽ tiêm vaccine vào người để xem họ có bị nhiễm bệnh một cách ngẫu nhiên không, và quá trình này có thể kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên, có một phương pháp khác giúp đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine giai đoạn 3, mặc dù cách này vẫn còn gây tranh cãi. Đó là thay vì để người tình nguyện tự nhiễm virus vào một lúc nào đó ngẫu nhiên, virus sẽ được đưa vào người họ một cách có chủ đích để cắt ngắn thời gian, cho kết quả và dữ liệu sớm hơn nhiều lần. Phương pháp này gọi là human challenge trial, hay HCT.

Trong một thông tin độc quyền, hãng tin Reuters cho biết chính phủ Mỹ đang sử dụng phương pháp gây tranh cãi này để đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người.

Dự án này mới trong giai đoạn sơ bộ và những thử nghiệm HCT sẽ không thay thế các thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn đang được tiến hành ở Mỹ cho 2 loại vaccine chống Covid-19 của Moderna và Pfizer, theo tuyên bố được gửi cho Reuters bởi Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm (NIAID), một bộ phận của Viện Y tế Quốc gia (NIH).

Giới chức Mỹ đang đứng trước áp lực của các nhóm vận động như 1 Day Sooner – tổ chức đề nghị tiến hành thử nghiệm vaccine chống Covid-19 theo phương pháp HCT nhằm giúp sớm có vaccine chống lại đại dịch. Hầu hết thử nghiệm vaccine dựa trên sự lây nhiễm tình cờ – điều có thể mất nhiều thời gian để xảy ra.

Một số hãng dược khác như AstraZeneca và Johnson&Johnson cho biết họ có thể xem xét thử nghiệm HCT đối với vaccine chống Covid-19 nếu cần thiết.

“Nếu cần thiết phải thử nghiệm HCT để đánh giá đầy đủ vaccine tiềm năng hoặc phương pháp điều trị SARS-CoV-2, NIAID đã bắt đầu cân nhắc về các vấn đề kỹ thuật và đạo đức khi thực hiện phương pháp này”, NIAID cho biết trong thông báo gửi tới Reuters.

Quá trình này sẽ bao gồm cả việc tạo ra chủng virus SARS-CoV-2 phù hợp để đưa vào cơ thể người tình nguyện, soạn thảo các quy trình lâm sàng và xác định nguồn lực cần thiết để thực hiện một nghiên cứu như vậy.

Thông thường, phương pháp HCT được tiến hành với một virus đang không lan truyền mạnh trong cộng đồng, hoặc đã có các biện pháp được kiểm chứng để điều trị virus trước đó. Điều này là không đúng trong trường hợp của virus SARS-CoV-2 vì nó vẫn đang lây lan mạnh trong cộng đồng và không có một phương pháp điều trị chắc chắn cho người nhiễm.

Sơn Trần – Zing

Leave a Reply