Sai lầm trong thăm dò bầu cử 2016 liệu có lặp lại?

Chuyên gia chỉ ra ba sai lầm chính về thăm dò trong cuộc bầu cử năm 2016, vốn chứng kiến chiến thắng bất ngờ của ông Trump, đồng thời cho biết cục diện cử tri năm nay có khác biệt.

Thăm dò luôn là một yếu tố quan trọng trong mỗi mùa bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Joe Biden, cựu Phó tổng thống và ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc đua năm nay, đang cho thấy ông có khả năng trở thành chủ nhân Nhà Trắng, dựa theo kết quả các cuộc khảo sát.

Kết quả nhiều thăm dò đã liên tục cho thấy ông Biden dẫn trước Tổng thống Donald Trump với cách biệt đôi khi lên đến hai chữ số. Một tuần trước bầu cử, ứng viên đảng Dân chủ trung bình dẫn trước đối thủ 8 điểm % trên phạm vi toàn quốc, theo trang phân tích thăm dò RearClearPolitics.

Dù vậy, với những gì đã chứng kiến trong năm 2016, sự dẫn trước này không đảm bảo chiến thắng cho ông Biden vào ngày 3/11, theo bà Courtney Kennedy, giám đốc phụ trách nghiên cứu khảo sát tại Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington, D.C., Mỹ.

“Ông Biden dẫn trước trên bình diện toàn quốc, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ông ấy chắn chắn sẽ thắng cử. Tổng thống Mỹ được xác định thông qua phiếu đại cử tri, không phải phiếu phổ thông toàn quốc, và ông Donald Trump vẫn rất có sức cạnh tranh trên phương diện cử tri đoàn”, bà Kennedy trả lời Zing qua email.

Thăm dò cấp bang mới quan trọng

Bầu cử tổng thống Mỹ là quy trình gián tiếp, trong đó các đại cử tri của mỗi bang, tức cử tri đoàn, sẽ là những người trực tiếp bỏ phiếu bầu ra tổng thống và phó tổng thống Mỹ. Số đại cử tri của mỗi bang được phân bổ tương ứng với số ghế của bang tại quốc hội, tức bang đông dân hơn sẽ có nhiều đại cử tri hơn.

Tổng số đại cử tri toàn quốc là 538 và người giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri sẽ đắc cử. Theo luật của hầu hết bang (trừ 2 bang Maine và Nebraska) và thủ đô Washington, D.C., ứng viên thắng phiếu phổ thông tại bang sẽ nhận được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó.

Điều này dẫn đến tình huống người thắng phiếu phổ thông toàn quốc nhưng lại thua phiếu đại cử tri dẫn đến thất cử, như trong các cuộc bầu cử năm 2000 và 2016.

Về mặt thăm dò, chế độ cử tri đoàn cho thấy tầm quan trọng của việc thăm dò cấp bang so với thăm dò toàn quốc, đặc biệt là ở các bang chiến trường, nơi cử tri không cho thấy xu hướng ngả về đảng nào một cách rõ rệt. Nói cách khác, quan trọng không phải là dẫn trước trên phạm vi toàn quốc, mà là dẫn trước ở bang nào.

Năm 2016, các cuộc thăm dò cuối cùng trên quy mô toàn quốc chỉ ra rằng cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton dẫn trước khoảng 3 điểm phần trăm so với ông Trump. Kết quả, bà giành chiến thắng về phiếu phổ thông với cách biệt 2 điểm % trong ngày bầu cử chính thức.

Điều đó cho thấy thăm dò toàn quốc đã phản ánh đúng ý chí cử tri. Song bà Clinton lại thua cuộc đau đớn vì phiếu đại cử tri, điều vốn được kỳ vọng phản ánh qua các thăm dò cấp bang, và một số sai lầm đã dẫn đến bất ngờ trong ngày 8/11/2016.

“Thăm dò toàn quốc làm tốt nhưng các cuộc thăm dò ý kiến cấp bang thực sự đã có một năm tồi tệ đi vào lịch sử”, chuyên gia Kennedy nói với Zing, chỉ ra “ba sai lầm chính”.

Ba sai lầm thăm dò năm 2016

Đầu tiên là những cử tri do dự (những người đến tuần cuối cùng mới đưa ra quyết định) đã dành một lượng lớn phiếu cho ông Trump. Ở các bang quan trọng như Wisconsin và Florida, những cử tri quyết định muộn đã bỏ phiếu cho ông Trump với cách biệt lên đến hai chữ số.

“Các cuộc thăm dò cấp bang trước đó, chẳng hạn vào tháng 9 hoặc tháng 10, đã được thực hiện quá sớm nên không đo lường được sự thay đổi ý chí của cử tri trong những ngày cuối”, bà Kennedy cho biết.

Một vấn đề khác là lỗi kỹ thuật, khi hầu hết thăm dò cấp bang không đảm bảo rằng mẫu của họ đại diện cho bang đó về trình độ học vấn của cử tri, theo chuyên gia của Pew.

Bà lý giải rằng người tốt nghiệp đại học có khả năng tham gia các cuộc khảo sát cao hơn so với người có trình độ học vấn thấp hơn. Điều này sẽ không gây ra vấn đề gì miễn là các hãng thăm dò điều chỉnh khảo sát của họ về mặt thống kê để đảm bảo rằng người tốt nghiệp đại học không chiếm tỷ lệ quá lớn trong thăm dò.

“Vào năm 2016, hầu hết thăm dò cấp bang đều không làm được điều đó, và đó là một vấn đề lớn vì người tốt nghiệp đại học ở các bang quan trọng có xu hướng bỏ phiếu cho bà Clinton”, bà Kennedy nói. “Thăm dò mà người có trình độ đại học chiếm quá nhiều cũng đồng nghĩa với việc cử tri bầu cho Clinton chiếm tỷ lệ vượt trội, dẫn đến sự phản ánh không chính xác”.

Lý do thứ ba khiến các cuộc thăm dò cấp bang không thành công là ông Trump đã vượt quá kỳ vọng trong việc thu hút cử tri nông thôn, đặc biệt là những người hiếm khi đi bỏ phiếu, nếu không nói là chưa từng, trước khi ông ra tranh cử tổng thống.

“Các thăm dò cấp bang dựa theo năm 2012 đã không cho rằng tỷ lệ đi bỏ phiếu trong nhóm cử tri nông thôn sẽ cao như vậy, cũng không cho rằng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở các khu vực thành thị sẽ thấp như vậy”, chuyên gia Kennedy nói.

Vậy năm nay sẽ khác chứ?

Thành công của ông Trump trong việc thuyết phục các “cử tri thầm lặng” ở nông thôn là một yếu tố quan trọng trong cuộc bầu cử năm 2016. Câu hỏi đặt ra trong năm nay là tỷ lệ cử tri đi bầu ở các khu vực thành thị và ngoại ô có xu hướng nghiêng về Dân chủ sẽ ra sao.

Theo bà Kennedy, trong các cuộc thăm dò của Pew, sự dẫn trước của ông Biden trên phạm vi toàn quốc hiện nay tương tự sự dẫn trước của bà Clinton vào tháng 10/2016. Song khác biệt chính là năm nay, số cử tri nghiêng về ứng viên của bên thứ ba hoặc vẫn chưa đưa ra quyết định đã ít hơn đáng kể.

“Trong cuộc thăm dò vào tháng 10/2016 của chúng tôi, 15% cử tri đã đăng ký không cam kết bỏ phiếu cho ông Trump hay bà Clinton, nhưng năm nay con số đó chỉ là 6%”, nhà phân tích thăm dò cho biết. “Điều này phản ánh thực tế rằng năm nay có ít cử tri chưa quyết định hơn rất nhiều và cuộc đua đã ổn định hơn”.

Việc ông Biden dẫn trước ông Trump trong các thăm dò toàn quốc có thể xuất phát từ một số yếu tố. Trong khi lực lượng nòng cốt ủng hộ ông Trump vẫn rất lớn và trung thành, một bộ phận lớn người Mỹ đã thể hiện sự không hài lòng với chính quyền Trump trong những năm qua.

Ngoài ra, đại dịch virus corona là một vấn đề lớn trong năm nay và nhiều người Mỹ tin ông Biden hơn tin ông Trump trong việc xử lý cuộc khủng hoảng y tế đến nay đã khiến hơn 226.000 người thiệt mạng tại nước này, theo bà Kennedy.

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng bất ngờ lớn trong đêm bầu cử rất có thể xảy ra, dù không phải là kết quả dễ xảy ra nhất.

“Chúng ta không bao giờ có thể loại trừ khả năng một số người có thể thay đổi quyết định rất muộn trong một chiến dịch. Ngoài ra, nhiều bang quan trọng cũng rất cạnh tranh như năm 2016”, chuyên gia Pew nói.

Vũ Mạnh – Zing

Leave a Reply