Siêu đập thủy điện gần 5 tỷ USD khiến hai nước hàng xóm giằng co

Ai Cập đang cố gắng gây áp lực quốc tế lên Ethiopia nhằm đạt được thỏa thuận về việc sử dụng nước của sông Nile, vốn duy trì cuộc sống của hàng chục triệu người.

Động thái này của Cairo được cho là những nỗ lực cuối cùng trước khi Addis Ababa tiến hành tích nước cho siêu đập thuỷ điện Grand Ethiopian Renaissance, dự kiến khánh thành năm 2022. Hai nước đồng minh của Mỹ đã từng có những tranh cãi kéo dài về con đập này, với cả lời đe doạ chiến tranh.

Việc con đập đi vào hoạt động dẫn tới lo ngại về một cuộc xung đột trong tương lai, khi nước sẽ là nguồn tài nguyên quý giá ở châu Phi trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn ra nghiêm trọng hơn.

Căng thẳng giờ chót

Sau khi các lãnh đạo Ethiopia hồi tháng trước tuyên bố nước này sẽ bắt đầu tích nước cho con đập trị giá 4,8 tỷ USD vào tháng 7, Ai Cập đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Arab và các quốc gia châu Phi, Trung Đông cũng như châu Âu khẩn trương can thiệp.

“Một mối đe doạ về khả năng sinh tồn đã xuất hiện và có thể tác động tới nguồn sinh kế duy nhất của hơn 100 triệu người Ai Cập”, Bộ trưởng Ngoại giao Sameh Shoukry phát biểu trước Hội đồng Bảo an trong tháng 6.

Trong cuộc họp này, một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Kelly Craft, đã kêu gọi Ai Cập và Ethiopia đi đến một thoả thuận về cơ chế kiểm soát nguồn nước và tích nước – xả nước cho con đập.

Ethiopia nói rằng nước này cần con đập để cải thiện đời sống của người dân. Dự án sẽ mang lại nguồn điện cho 65 triệu người dân nông thôn Ethiopia, vốn đang sử dụng củi làm nguyên liệu chính trong đời sống hàng ngày.

“Đưa vụ việc lên Hội đồng Bảo an có thể coi như là việc Ai Cập nhấn nút bấm hạt nhân vậy. Đó là một phần trong chính sách gây áp lực tối đa và cô lập ngoại giao mà Ai Cập đang theo đuổi trong mối quan hệ với Ethiopia”, ông Riccardo Fabiani, giám đốc chương trình Bắc Phi của International Crisis Group, một viện chính sách phi chính phủ chuyên nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, nhận định.

Tuy nhiên, áp lực ngoại giao thì cũng có giới hạn, và việc Ai Cập có hành động quân sự đối với vấn đề này là ít có khả năng xảy ra. “Cuối cùng thì mọi việc sẽ phụ thuộc vào ai là bên chớp mắt trước”, ông Hafsa Halawa, một nhà phân tích tại Viện Trung Đông, người đã theo dõi tranh cãi về con đập, cho biết.

Khi hoàn thành, công trình sẽ chế ngự dòng nước hung hãn của sông Nile Xanh và được kỳ vọng sẽ giúp hàng chục triệu người Ethiopia thoát nghèo nhờ có điện. Ảnh: AFP.

Mặc dù Ai Cập sẽ không đối mặt ngay lập tức với sự thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng, ngay cả khi Ethiopia bắt đầu tích nước cho con đập vào tháng này, nhưng việc không đạt được thoả thuận trước khi quá trình tích nước diễn ra sẽ làm cho mối quan hệ 2 bên xấu đi, và tranh chấp có thể kéo dài trong nhiều năm.

“Có nguy cơ về việc mối quan hệ giữa Ethiopia và hai nước hạ nguồn sông Nile (Sudan và Ai Cập) sẽ xấu đi, do đó làm tăng bất ổn ở khu vực”, ông William Davison, một nhà phân tích khác của International Crisis Group, nhận định.

Đàm phán bế tắc

Theo chính phủ Sudan, quốc gia nơi sông Nile đi qua và có liên quan đến tranh chấp này, các cuộc đàm phán về vấn đề – được trung gian bởi Nam Phi – đã được tiến hành trực tuyến và nối lại hôm 3/7 với sự bảo trợ của Liên minh châu Phi (AU).

Sông Nile chảy từ phía nam lên phía bắc qua miền đông châu Phi, với 85% lưu lượng nước có nguồn gốc từ sông Nile Xanh ở vùng cao nguyên của Ethiopia. Sông Nile Xanh chảy vào Sudan, nơi nó hợp nhất với sông Nile trắng, một nhánh lớn khác của sông Nile, trước khi vào lãnh thổ Ai Cập.

Dòng sông kết thúc ở một đồng bằng rộng lớn và chảy ra biển Địa Trung Hải.

Siêu đập thuỷ điện của Ethiopia đang được xây dựng ở khu vực cách biên giới Sudan 15 km. Nó có công suất lắp đặt là 6.450 megawatt và được coi là công trình trọng điểm quốc gia, giúp hàng chục triệu người dân thoát nghèo.

Ba nước đã đạt được sự đồng thuận về khoảng 90% các khúc mắc trong những vòng đàm phán diễn ra vài năm trở lại đây, bao gồm cả một lịch trình 7 năm cho quá trình tích nước con đập. Nhưng bất đồng vẫn còn trong việc quyết định xem điều gì cần được thực hiện khi có hạn hán, giải quyết tranh chấp và liệu thoả thuận này có ràng buộc về mặt pháp lý hay không.

Ai Cập muốn một thoả thuận ràng buộc, trong khi Ethiopia muốn một sự linh hoạt. Sudan nhìn thấy lợi ích từ việc dòng nước của sông Nile Xanh được kiểm soát, nhưng muốn đảm bảo rằng điều đó sẽ được thực hiện một cách an toàn và thích hợp.

Trong cuộc hội đàm diễn ra tháng 2 năm nay, Ethiopia đã từ chối ký thoả thuận dự thảo được Ai Cập chấp nhận, vì cho rằng họ sẽ phải xả quá nhiều nước từ con đập trong trường hợp hạn hán xảy ra.

Tranh chấp về con đập cũng khơi dậy những tranh cãi sâu hơn giữa những quốc gia thuộc lưu vực sông Nile. Ethiopia thách thức những yêu sách lịch sử của Ai Cập về vai trò chi phối của Cairo trong việc quản lý dòng nước.

Ai Cập chỉ ra những hiệp ước trong quá khứ cho phép nước này và Sudan quyền quản lý và sử dụng hầu hết dòng nước, còn Ethiopia thì phủ nhận và cho rằng đó là di sản của chủ nghĩa thực dân Anh.

Trong khi đó, tình hình càng trở nên gay go vì biến đổi khí hậu khiến cho dòng nước sông Nile bị sụt giảm. Một nghiên cứu của Đại học Dartmouth danh giá từ Mỹ kết luận rằng khoảng 35% dân số sống ở đồng bằng sông Nile sẽ đối mặt với việc thiếu hụt nước sinh hoạt vào năm 2040, do nhiệt độ tăng cao và những yếu tố khác.

Quốc Thăng – Zing

Leave a Reply