Sinh viên nghèo tại Mỹ không nơi ăn chốn ở khi bị buộc rời ký túc xá

Quyết định đóng cửa nhiều đại học ở Mỹ được coi là nỗ lực chống virus lây lan. Nhưng đồng thời, bộ phận sinh viên nghèo phải đối mặt với hàng loạt chi phí phát sinh đắt đỏ.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên Vox, về các khó khăn của những sinh viên nghèo phải đối mặt khi nhiều trường đại học tại Mỹ đóng cửa để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Quyết định đóng cửa trường học, yêu cầu sinh viên rời khỏi ký túc xá của nhiều trường đại học tại Mỹ, trong đó có Harvard, khiến nhiều sinh viên nghèo tại đây đối mặt với một loạt khó khăn tài chính.

Ngày 10/3, Đại học Harvard thông báo dừng tổ chức dạy học, yêu cầu sinh viên rời khỏi ký túc xá trong 5 ngày từ 11-15/3 để hạn chế sự lây lan của virus corona.

Ông Lawrence S. Bacow, Hiệu trưởng Đại học Harvard, cho biết các lớp sẽ chuyển sang học online từ ngày 23/3, yêu cầu sinh viên không quay lại trường.

Juliet Isselbacher và Amanda Su, hai sinh viên đang theo học tại ngôi trường danh giá, bỗng đối mặt với một loạt hóa đơn phát sinh khi buộc phải chuyển ra ngoài sống.

Việc đột ngột chuyển ra khỏi ký túc xá gây áp lực không nhỏ đến những sinh viên nghèo, có thu nhập thấp – những người vốn đã bị bủa vây bởi hàng loạt gánh nặng chi tiêu.

Mặc dù nhà trường hỗ trợ sinh viên một vài chi phí như tiền đi lại, tiền trợ cấp chỗ ở tạm thời, các khoản cần chi vẫn vượt ngoài khả năng của nhiều người.

Chẳng hạn, tiền Internet để tham gia các lớp học từ xa hoàn toàn do sinh viên chi trả. Để tham gia học online, người học tốn một số tiền không nhỏ để kết nối mạng và nghe giảng trong nhiều giờ liền.

Nhiều sinh viên phàn nàn trên Twitter rằng nhà trường đã không cung cấp chi tiết cụ thể về các hỗ trợ tài chính, đền bù cho những sinh viên dựa vào tiền trợ cấp hàng tháng để trang trải cuộc sống bản thân và gia đình.

Về phía Harvard, đại diện trường cho hay sinh viên có thể làm việc với bộ phận hỗ trợ để tìm ra phương án giải quyết vấn đề nhà ở và những nhu cầu khác.

Ngoài ra, những người khác có thể chịu gánh nặng khi chính sách học tập thay đổi đột ngột bao gồm sinh viên quốc tế và những người trẻ thuộc diện con nuôi tạm thời, những người không có khả năng trở về nhà ngay khi trường đóng cửa.

Ngoài Đại học Harvard, một số trường khác như Đại học Bang Iowa, Cao đẳng Smith cũng áp dụng cách tương tự, yêu cầu tất cả sinh viên chuyển khỏi ký túc xá.

“Đối với nhiều sinh viên, ví tiền eo hẹp khiến họ chỉ biết trông chờ vào các bữa ăn tại canteen trường. Ký túc xá cũng là nơi họ có thể ở lâu dài mà không lo cảnh lay lắt không có nơi ở”, Giáo sư Anthony Abraham Jack (Harvard) cho hay.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Wisconsin Hope Lab, có đến 36% số sinh viên tại Mỹ không đủ tiền để trang trải tiền ăn uống mỗi ngày.

Một lần mỗi tuần, Rayana Plancarte – sinh viên năm hai tại khu vực Stanislaus (California, Mỹ) – lại tìm đến phòng dự trữ đồ ăn được đặt trong khuôn viên trường để lấy những món ăn thiết yếu.

Justice Butler, sinh viên năm hai tại Cao đẳng Smith, cũng chật vật mỗi ngày. Với số tiền eo hẹp, Butler chọn vừa học vừa làm nhằm trang trải các chi phí đắt đỏ ở đại học.

Có thời điểm, anh sống lay lắt trên đường phố với vài đồng tiền lẻ trong túi. Nhờ một người bạn giúp đỡ, Justice quay trở lại trường học và được ở ký túc xá.

Song với tình hình dịch bệnh hiện tại, cuộc sống của chàng trai trẻ lại một lần nữa rơi vào hoàn cảnh bấp bênh, không nơi ăn chốn ở.

“Đóng cửa trường học là cách duy nhất nhà trường có thể làm ở hiện tại để ngăn chặn sinh viên lây nhiễm chéo virus. Tôi hiểu điều đó nhưng quyết định đóng cửa luôn cả ký túc xá khiến tôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”, Butler cho hay.

Trước tình thế khó khăn, các nhóm cựu sinh viên và hội đồng sinh viên tại Harvard đang tổ chức quyên góp tiền để hỗ trợ một loạt các chi phí bao gồm dịch vụ Internet, tiền mua thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt.

Tại Đại học Tufts (Boston), các cựu sinh cũng thành lập một nhóm giúp gây quỹ cho những ai cần hỗ trợ tiền vé máy bay, nhu yếu phẩm. Nhiều sinh viên tại các trường đại học khác nhau đăng các chi phí cụ thể họ phải đối mặt trên mạng xã hội để tìm kiếm giúp đỡ.

Trà My – Zing

Leave a Reply