Sinh viên Trung Quốc bắt hiệu trưởng làm con tin

Hiệu trưởng trường Trung Bắc (áo trắng) bị sinh viên giữ trong trường từ ngày 6/6. Ảnh: Weibo.

Sinh viên trường Trung Bắc thuộc Đại học Sư phạm Nam Kinh bắt hiệu trưởng làm con tin gần 30 tiếng để phản đối kế hoạch sáp nhập với trường khác.

Cảnh sát Trung Quốc hôm nay triển khai lực lượng lớn để dẹp cuộc biểu tình của hàng nghìn sinh viên trường cao đẳng Trung Bắc, thuộc Đại học Sư phạm Nam Kinh, tỉnh Giang Tô và giải cứu hiệu trưởng bị bắt làm con tin.

Cuộc biểu tình bùng phát sau khi ban lãnh đạo trường Trung Bắc lên kế hoạch sáp nhập với một cao đẳng dạy nghề, khiến sinh viên phẫn nộ và lo ngại bằng tốt nghiệp của họ sẽ bị giảm giá trị trên thị trường lao động vốn cạnh tranh rất gay gắt.

Các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch sáp nhập thu hút hàng nghìn sinh viên tham gia. Ngày 6/6, một nhóm sinh viên quyết định giữ hiệu trưởng, ngăn ông rời khỏi khuôn viên trường trong hơn 30 tiếng, theo thông báo của cảnh sát thành phố Đan Dương.

Kế hoạch sáp nhập được Sở Giáo dục tỉnh Giang Tô tạm hoãn vào đêm 7/6 nhằm xoa dịu tình hình. Dù vậy, sinh viên trường Trung Bắc vẫn từ chối chấm dứt biểu tình hay thả hiệu trưởng.

“Nhằm đảm bảo trật tự, cơ quan an ninh đã tiến hành những biện pháp cần thiết, theo đúng quy định pháp luật để giải cứu người bị bắt. Những trường hợp bị thương lập tức được đưa đến bệnh viện điều trị”, cảnh sát thành phố Đan Dương cho biết trong thông cáo.

Khi gần 400 cảnh sát được triển khai đến trường, khoảng 3.000 sinh viên đã bao vây, cản trở và chửi bới người thi hành công vụ. Hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc lẫn Twitter cho thấy cảnh sát dùng dùi cui và bình xịt hơi cay giải tán sinh viên biểu tình. Hình ảnh khác cho thấy một nữ sinh viên bị chảy máu ở đầu.

Kế hoạch sáp nhập gây tranh cãi được Sở Giáo dục Giang Tô công bố vào tháng 3, dựa trên chỉ thị từ Bộ Giáo dục Trung Quốc về chuyển đổi trường cao đẳng tư nhân thành trường dạy nghề. Kế hoạch vấp phải phản ứng gay gắt từ sinh viên vì học phí trường tư nhân rất cao và chứng chỉ trường nghề được coi là kém “danh giá” hơn trường cao đẳng.

Trung Nhân (Theo AFP) – VnExpress

Leave a Reply