Sinh viên Trung Quốc quay lưng với Mỹ, Anh ‘đắc lợi’

Từ bỏ vị trí đáng ao ước tại một trong những trường đại học thuộc nhóm Ivy League là quyết định vô cùng khó khăn đối với Zancy Duan.

Duan, đến từ tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, đã được nhận vào Đại học Cornell để theo đuổi chương trình thạc sĩ, bên cạnh nhiều trường đại học khác của Mỹ. Nhưng hồi cuối tháng 4, khi Covid-19 bùng phát dữ dội tại Mỹ, Duan nhanh chóng nộp đơn vào những ngôi trường khác ở châu Âu.

“Ngoài lý do dịch bệnh, hàng loạt chính sách không thân thiện của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với sinh viên quốc tế, việc ông ấy đổ lỗi cho Trung Quốc là nguyên nhân khiến Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và tình hình an ninh hiện nay tại Mỹ sau phong trào biểu tình Black Lives Matter (Mạng người da màu cũng quan trọng), tất cả khiến tôi có cảm giác bất an”, Duan nói.

“Vì thế, từ góc nhìn chính sách và an ninh, học tập tại Mỹ hiện tại không phải lựa chọn tốt với tôi. Thực tế, rất nhiều người bạn của tôi có dự định học tập tại Mỹ đã thay đổi kế hoạch, nộp đơn vào những trường ở Singapore, Hong Kong hay châu Âu”.

Suốt hàng thập kỷ, Mỹ luôn là lựa chọn hàng đầu đối với các sinh viên, học sinh Trung Quốc muốn du học. Dữ liệu mới nhất từ Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy sinh viên của họ ở nước ngoài đã tăng từ 285.000 năm 2010 lên 662.000 năm 2018.

Từ năm 2009, Trung Quốc là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất cho các trường học Mỹ. 1/3 trong hơn một triệu sinh viên nước ngoài tại Mỹ đến từ Trung Quốc. Nhưng nay, sinh viên, học sinh Trung Quốc đang thay đổi suy nghĩ.

Anh năm nay lần đầu tiên vượt Mỹ trở thành điểm đến du học ưa thích hàng đầu của sinh viên Trung Quốc, theo một báo cáo do tổ chức giáo dục New Oriental Education & Technology, trụ sở ở Bắc Kinh, thực hiện. Trong 6.673 sinh viên tham gia khảo sát, 42% nói muốn học tập tại Anh so với 37% tại Mỹ. Đây là bước thay đổi đáng kể so với 4 năm trước, khi 30% số người được hỏi nói muốn đến học tập tại Anh so với 46% nói muốn đến Mỹ.

Công ty tư vấn thị trường Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan cho biết cả Anh và Mỹ đều là lựa chọn hàng đầu đối với sinh viên Trung Quốc nhưng nhiều người đang nghiêng hơn về phía Anh, không chỉ vì căng thẳng quan hệ Mỹ – Trung. Tại Anh, thời gian học lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ ngắn hơn, đồng thời chính sách nhập cư cũng thân thiện hơn.

Chính sách thị thực lao động hậu nghiên cứu sau đại học của Anh còn cho phép sinh viên quốc tế ở lại làm việc tới hai năm với bằng thạc sĩ và ba năm với bằng tiến sĩ.

Duan chia sẻ thời gian ở lại sau khi kết thúc khóa học tại Anh dài hơn là một điểm thu hút khiến cô chọn đến học tập tại nước này vào mùa thu tới đây. Sau khi lọc qua lời mời nhập học từ những trường ở Anh, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, Duan quyết định đăng ký vào trường Đại học Hoàng gia London.

“Tôi tin rằng thành tích học tập của Đại học Hoàng gia London cũng không thua kém gì so với các trường hàng đầu ở Mỹ. Họ còn mang đến cho tôi rất nhiều cơ hội dù đấy không phải ngôi trường mơ ước của tôi”, cô nói.

Theo Duan, nhiều sinh viên Trung Quốc cảm thấy sợ hãi trước những chính sách thay đổi liên tục của Mỹ kể từ năm ngoái đến nay. Chúng bao gồm đề xuất từ Tổng thống Trump giới hạn cơ hội việc làm đối với những sinh viên quốc tế tốt nghiệp từ đại học Mỹ hay một dự luật do các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đưa ra, cấm cấp visa cho các sinh viên Trung Quốc nếu họ muốn học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán ở Mỹ.

Duan tin rằng nếu nộp đơn xin visa học tại Mỹ, cô cũng sẽ bị từ chối vì chuyên ngành cô đăng ký là khoa học vật liệu, một ngành được cho là “nhạy cảm”.

Hai tuần trước, việc chính quyền thông báo sinh viên nước ngoài theo học tại các trường chỉ dạy online khi kỳ học mùa thu bắt đầu phải rời Mỹ cũng khiến sinh viên Trung Quốc không khỏi bất an. Dù quyết định này sau đó được thu hồi, nó vẫn tạo ra tâm lý hoang mang trong cộng đồng sinh viên quốc tế.

Duan cho hay học thạc sĩ ở Mỹ luôn là ước mơ của cô bởi cô tin rằng Mỹ là nơi giảng dạy các ngành liên quan đến khoa học tốt nhất thế giới. Nhưng suy nghĩ của Duan đã thay đổi bởi cách Mỹ đối phó với Covid-19. “Thật đáng tiếc khi tôi được một trường danh tiếng của Mỹ nhận nhưng lại phải từ bỏ”, Duan nói.

Amy Gu, một sinh viên đến từ Thượng Hải vừa tốt nghiệp Trường Kinh doanh Cass ở London mùa hè vừa qua, cho biết cô dự định xin visa để trở lại Anh vào cuối tháng 9 tới đây để bắt đầu cuộc sống sau đại học.

Cô quay về Trung Quốc hồi tháng ba khi số ca nhiễm nCoV ở Anh tăng kỷ lục. Gu được nhận vào một số chương trình sau đại học tại Anh nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Số ca nhiễm mới nCoV hàng ngày tại Anh đang giảm khi tuần qua chỉ ghi nhận gần 700 trường hợp, so với mức 6.000 ca một ngày hồi tháng 5. Tổng cộng, Anh đã báo cáo hơn 300.000 ca nhiễm nCoV, đứng thứ 10 thế giới.

Tuy nhiên, Gu cho hay cô hiện tại không quá lo lắng về dịch bệnh. “Tôi sẽ đeo khẩu trang khi ra ngoài, tuân thủ cách biệt cộng đồng và rửa tay thường xuyên. Mọi chuyện sẽ ổn thôi”, Gu chia sẻ.

Vũ Hoàng (Theo SCMP) – VnExpress

Leave a Reply