Thiên đường thuế nước Mỹ trong Hồ sơ Pandora

Nhờ chính sách thoáng với các quỹ ủy thác, bang Nam Dakota của Mỹ đang trở thành điểm đến ưa thích mới cho giới siêu giàu để cất giấu tài sản.

Nam Dakota đang là nơi cất giấu hàng tỷ USD tài sản, một số liên quan đến các cá nhân hay công ty bị cáo buộc gian lận tài chính và có hành vi sai trái, theo Hồ sơ Pandora.

Các dữ liệu cho thấy bang miền trung tây của Mỹ giờ đây trở thành đối thủ của Thụy Sĩ, Panama, Quần đảo Cayman cùng những thiên đường thuế nổi tiếng khác, là địa điểm hàng đầu để giới siêu giàu quốc tế tìm đến để giữ tài sản của họ khỏi tầm giám sát của cơ quan thuế hay chính quyền.

Với 2,94 terabyte dữ liệu, Hồ sơ Pandora được xem là đợt rò rỉ dữ liệu về công ty offshore (mô hình công ty ngoại biên, đăng ký và hoạt động ở nước ngoài) quy mô lớn nhất lịch sử, liên quan đến giới siêu giàu tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. 35 lãnh đạo thế giới, hơn 300 quan chức tại hơn 90 nước, cùng hơn 100 tỷ phú, người nổi tiếng và lãnh đạo doanh nghiệp có tên trong hồ sơ này.

Hàng loạt người nước ngoài giàu có và gia đình họ đã chuyển hàng triệu USD đến những quỹ tín thác ở Nam Dakota. Các quỹ này được hưởng một số biện pháp bảo vệ pháp lý mạnh mẽ nhất thế giới, giúp khách hàng của họ tránh được thuế quan, chủ nợ và cả những con mắt tò mò.

Bang Delaware từng nổi tiếng là nơi dễ thành lập các công ty bình phong để thực hiện các hành vi gian lận thuế và tài chính, khiến Mỹ nhận về không ít chỉ trích từ quốc tế.

Nhưng Hồ sơ Pandora còn cho thấy Mỹ cũng đang nổi lên như là một địa điểm ưa thích của các quỹ tín thác, vốn thường được sử dụng để cất giấu tài sản cho những cá nhân siêu giàu.

Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) và Washington Post cho biết qua phân tích dữ liệu, họ phát hiện ra 28 quỹ tín thác ở Mỹ liên quan đến các cá nhân hoặc công ty từng bị cáo buộc có hành vi sai trái ở nước ngoài.

Thông tin này sẽ là một đòn giáng mạnh vào Tổng thống Mỹ Joe Biden với cam kết “dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm mang lại minh bạch cho hệ thống tài chính toàn cầu”.

Theo một báo cáo năm 2020, các quỹ tín thác của Nam Dakota nắm giữ khối tài sản ước tính lên đến 367 tỷ USD, tăng gần 5 lần từ mức 75,5 tỷ USD năm 2011.

Tốc độ tăng trưởng phi thường này có được là nhờ bang không ngừng đẩy mạnh thu hút tiền bằng cách giúp che chắn tài sản của chủ nhân những quỹ tín thác khỏi các chính phủ nước ngoài, các cơ quan thuế và thậm chí cả vợ/chồng cũ.

Những động thái của Nam Dakota đã thúc đẩy nhiều bang khác “tự do hóa” các quy định liên quan đến quỹ tín thác. Hiện tượng này đã giúp Mỹ vượt qua Thụy Sĩ trong Mạng lưới Tư pháp Thuế năm 2020, một bảng xếp hạng toàn cầu về mức độ tiếp tay của các quốc gia đối với những hành vi cất giấu tài chính khỏi quy định pháp luật.

Hơn 200 quỹ tín thác Mỹ xuất hiện trong Hồ sơ Pandora, chiếm ít nhất một tỷ USD. Trong khi Nam Dakota là địa điểm phổ biến nhất, với 81 quỹ, thì Florida, Delaware, Texas và Nevada cũng có đến hàng chục quỹ.

Những quỹ tín thác này dường như hầu hết phục vụ những người không phải công dân Mỹ. Phân tích của ICIJ đã liên kết chúng với các cá nhân ở 40 quốc gia. 28 quỹ trong số đó được cho là liên quan đến những cá nhân hoặc công ty bị cáo buộc có hành vi sai trái ở nước ngoài.

Trong số những cá nhân mở quỹ tín thác ở Nam Dakota có một ông trùm dệt may Colombia, người trước đó đã bị chính quyền Mỹ phạt 20 triệu USD sau quá trình điều tra một mạng lưới rửa tiền.

Theo hồ sơ, José Douer-Ambar thành lập một quỹ tín thác ở Nam Dakota vào năm 2013. Tuy nhiên, gần 10 năm trước, vào năm 2004, giới chức Mỹ, Anh và Canada đã tuyên bố phá vỡ được một đường dây rửa tiền khổng lồ của Colombia, trong đó Douer có dính líu.

Sàn giao dịch Peso Chợ đen Colombia (BMPE) đã rửa hàng triệu USD từ những kẻ buôn lậu ma túy. Giới chức Mỹ cáo buộc Douer đã liên tục mua nhiều triệu USD từ hệ thống BMPE trong suốt quãng thời gian dài.

Trước khi Douer thiết lập quỹ tín thác mới, nhà cung cấp dịch vụ ủy thác đã đưa ra một số câu hỏi về lịch sử hoạt động với người đàn ông này. Đại diện của Douer nói rằng việc ông tham gia vào mạng lưới BMPE là một “trải nghiệm đáng tiếc”.

“Câu chuyện bắt nguồn từ việc Douer chuyển 190.000 USD tới một ngân hàng ở Anh thông qua một môi giới được những người Colombia giàu có khác giới thiệu cho ông ấy với mô tả đây là người trung thực”, người đại diện cho hay. “Douer không biết nhân viên môi giới này không có giấy phép và từng nhận USD từ những kẻ buôn ma túy. Điều đó đã dẫn tới những rắc rối mà ông gặp phải”.

Lời giải thích này dường như đã đủ thuyết phục đối với nhà cung cấp dịch vụ ủy thác. Dù không rõ cụ thể số tiền được bảo vệ trong quỹ, các email trao đổi cho thấy một thực thể trước đó được liên kết với Douer giữ khoảng 100 triệu USD.

Trong một trường hợp khác, hồi năm 2019, gia đình Carlos Morales, cựu phó tổng thống Cộng hòa Dominica kiêm giám đốc điều hành Central Romana, nhà sản xuất đường lớn nhất nước này, đã thành lập một quỹ tín thác ở Nam Dakota, kiểm soát số tài sản ít nhất 14 triệu USD. Morales qua đời năm 2014.

Hàng chục nguyên đơn vào năm ngoái đã cố gắng kiện Central Romana tại Mỹ, cáo buộc công ty này phá hủy nhà cửa của các công nhân và dùng vũ lực ép họ rời bỏ đất đai. Central Romana còn bị cáo buộc để công nhân tiếp xúc với chất độc hóa học khi làm việc trên các cánh đồng mà không có đồ bảo hộ.

Jorge Sturla, phát ngôn viên của Central Romana cho hay tòa án Mỹ đã bác bỏ cả hai vụ kiện chống lại công ty. Theo ông này, tất cả các công nhân đều được cung cấp đồ bảo hộ và công ty chỉ bảo vệ đất đai của mình trước những kẻ “chiếm đóng trái phép”, khẳng định chưa bao giờ đuổi người trái pháp luật.

Dữ liệu từ Hồ sơ Pandora cho thấy gia đình Morales chuyển tiền tới Nam Dakota vào năm 2019, sau khi chính phủ Bahamas, một thiên đường thuế khác, yêu cầu tạo cơ sở dữ liệu quyền sở hữu cho các pháp nhân.

Một luật sư của gia đình Morales nói với ICIJ và Washington Post rằng họ chưa bao giờ tham gia vào hoạt động của Central Romana. Họ không trả lời yêu cầu bình luận về lý do tài sản của gia đình lại được chuyển từ Bahamas về Nam Dakota.

Gia đình đứng sau Isaias Group, tập đoàn Ecuador đầu tư mạnh về bất động sản, truyền thông và sản xuất đường, cũng dùng Nam Dakota làm nơi cất giữ tài sản.

Estéfano Isaías, đồng sở hữu Isaias Group cùng các anh em của mình, có tên trong danh sách người hưởng lợi của ba quỹ tín thác.

Những người anh em của Estéfano, Roberto và William, bị tòa án Ecuador kết tội tham ô vào năm 2012 sau khi Filanbanco, một trong những ngân hàng lớn nhất Ecuador lúc bấy giờ, sụp đổ.

Ngân hàng Filanbanco phá sản đã quét sạch tiền tiết kiệm của hàng chục nghìn khách hàng và anh em Estéfano phải chạy trốn đến Miami, Mỹ, vào năm 1999.

Họ bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Liên bang Mỹ (ICE) bắt vào năm 2019 nhưng nhanh chóng được thả ra sau khi đóng tiền bảo lãnh một triệu USD. Anh em nhà Isaías phủ nhận việc có hành vi sai trái liên quan đến sự cố ngân hàng Filanbanco.

Trong một thông báo gửi đến ICIJ, anh em Isaías nói rằng các cáo buộc chống lại họ được cựu tổng thống Ecuador đưa ra vì lý do chính trị.

Chuck Collins, giám đốc chương trình về bất bình đẳng tại Viện Nghiên cứu Chính sách ở Mỹ, đánh giá tình hình ở Nam Dakota là “nỗi hổ thẹn” đối với Mỹ.

“Chúng ta là mắt xích yếu. Và Nam Dakota đang trên đà trở thành mắt xích yếu nhất về quỹ tín thác”, Collins nói. “Chúng ta đã nhìn thấy những bộ máy giấu của cải nhưng luôn nghĩ rằng đó là việc ở nơi khác, giờ chúng ta thấy nó hiển hiện ngay tại Mỹ”.

Vũ Hoàng (Theo Guardian) – VnExpress

Leave a Reply