Thủ tướng Nhật sẽ thúc đẩy gì khi thăm Việt Nam?

Tân Thủ tướng Nhật Suga có thể thảo luận định hướng hợp tác trong bối cảnh Covid-19, hợp tác ASEAN và Biển Đông khi đến thăm Việt Nam, theo giới chuyên gia.

Truyền thông Nhật Bản cuối tháng 9 đưa tin tân Thủ tướng Yoshihide Suga dự kiến thăm Việt Nam và Indonesia vào giữa tháng 10, gần một tháng sau khi nhậm chức.

“Việc Thủ tướng Suga chọn Việt Nam và tiếp đó là Indonesia trong chuyến công du đầu tiên là có sự tính toán kỹ lưỡng. Ông có thể nhắm vào hai mục đích chính”, ông Nguyễn Quốc Cường, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (giai đoạn 2015 – 2018) nói với VnExpress.

Thứ nhất, lãnh đạo Nhật Bản có thể cùng Việt Nam đề ra những định hướng lớn về hợp tác trong bối cảnh các nước ở khu vực và quốc tế vừa phải ứng phó với Covid-19, vừa cần có các bước chuẩn bị cho thời kỳ hậu đại dịch.

Ông Cường cho hay chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các chính sách nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng sản xuất, trong đó Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là một địa điểm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hướng tới. Hồi giữa tháng 7, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) công bố danh sách 30 doanh nghiệp nước này, trên tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hoá chuỗi cung ứng, được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Trong số này có 15 công ty đăng ký chuyển sang Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Bình, đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản giai đoạn 2008 – 2011, cũng cho rằng hai nước đang cùng đối diện hàng loạt thách thức do Covid-19 và do quan hệ quốc tế bị xáo trộn. Là nước phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài (cả về nguyên liệu và sản phẩm tiêu dùng), Nhật Bản gặp khó khăn do chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ yếu từ Trung Quốc, bị đình trệ, dưới tác động của Covid-19. Tokyo cũng đang phải cân nhắc xử trí mối quan hệ khi cạnh tranh Mỹ – Trung gia tăng. Về phía Việt Nam, tuy cũng gặp khó khăn do Covid-19 nhưng Hà Nội đang thể hiện chính sách kiềm chế dịch tốt, có cơ hội “biến thách thức thành cơ hội”, mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước.

“Nhật Bản có thể chọn Việt Nam là địa điểm đầu tiên để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang, do gần về địa lý và có sự tương đồng lớn về văn hóa”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, việc chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam cũng có thể giúp doanh nghiệp Nhật tránh bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cứng rắn mà Mỹ áp dụng với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Nhật Bản muốn thể hiện vai trò khách quan, không chọn bên trong cạnh tranh giữa các nước lớn.

Phó giáo sư Yoshikazu Kato, Viện Toàn cầu châu Á thuộc Đại học Hong Kong, dự đoán Việt Nam và Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác liên quan đến Covid-19 cả về kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Thủ tướng Nhật Suga và lãnh đạo Việt Nam sẽ trao đổi cởi mở về cách ứng phó với dịch, cả thành công và bài học, chia sẻ các phương pháp trị bệnh và vaccine. Hai nước sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của minh bạch thông tin và biện pháp khôi phục kinh tế xuyên biên giới trong tương lai gần.

Cựu đại sứ Bình đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không những không suy giảm trong bối cảnh mới mà còn tốt lên. Trên thực tế, hợp tác song phương ổn định và có nhiều thành quả tốt đẹp, lợi ích của hai bên phù hợp, bổ sung cho nhau mà không có đối kháng.

Có chung nhận định, phó giáo sư Michael Thomas Cucek, chuyên gia về châu Á, Đại học Temple, Nhật Bản, cho biết hai nước chia sẻ các lợi ích chiến lược và bổ sung cho nhau về kinh tế. Các ngành công nghiệp của Nhật Bản đang tập trung thu hút nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam.

“Hợp tác với Việt Nam là niềm hy vọng lớn với Nhật Bản”, Cucek nói.

Ngoài ra, theo cựu đại sứ Cường, Thủ tướng Nhật Suga muốn khẳng định Tokyo tiếp tục coi trọng vai trò của ASEAN trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới. Ông Suga có thể khẳng định tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, chuẩn bị đưa ra một số sáng kiến để tăng cường quan hệ giữa hai bên, hỗ trợ thúc đẩy kết nối trong nội bộ Hiệp hội.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản cũng có thể muốn cùng Việt Nam trao đổi về chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác vào tháng 11. Trong chuỗi hội nghị quan trọng cuối cùng của năm 2020, Nhật Bản và các nước sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.

“Việt Nam sẽ là địa điểm lý tưởng để tân Thủ tướng Nhật Bản khẳng định chính sách của mình với khu vực, vì Việt Nam đang là Chủ tịch ASEAN và là ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, ông Cường nói.

Chuyên gia Kato cho rằng nội dung quan trọng nhất trong chuyến thăm của ông Suga có thể là tăng cường quan hệ chiến lược với Đông Nam Á trong khuôn khổ tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tokyo cho rằng tầm nhìn này có thể không thể hoàn thiện mà thiếu sự tham gia của các nước Đông Nam Á. Lãnh đạo Việt – Nhật sẽ thảo luận các vấn đề địa chính trị liên quan đến Biển Đông.

“Ông Suga có thể muốn thảo luận và giành được sự đồng thuận từ Việt Nam trong cách thực hiện chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương”, Kato nói.

Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở của Nhật Bản được công bố năm 2016. Trong đó, Tokyo xác định chìa khóa cho sự ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế là động lực dựa trên sự kết hợp hai châu lục: Á và Phi, hai vùng biển: Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nhật đề cao việc phổ biến, định hình các giá trị cơ bản như tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật, kinh tế thị trường, thúc đẩy hợp tác với Mỹ, Ấn Độ, Australia, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), châu Âu và Trung Đông.

Giáo sư Go Ito, Khoa khoa học chính trị, Đại học Meiji, Nhật, cho biết ông Suga đến thăm Việt Nam, Chủ tịch ASEAN, trong bối cảnh Hiệp hội có vai trò ngày càng lớn trong những năm gần đây. Hơn nữa, Việt Nam được coi là một nước đi đầu trong bảo đảm an ninh hàng hải, một chủ đề Nhật Bản coi là trọng tâm trong chính sách.

Cựu đại sứ Cường trông đợi Thủ tướng Nhật Suga và lãnh đạo Việt Nam sẽ đưa ra những thỏa thuận cụ thể về hợp tác ứng phó với Covid-19 và các bước chuẩn bị cho hậu đại dịch. Trong đó hai nước có thể thảo luận về nối lại giao thương, đi lại của người dân hai bên, thực tập sinh và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phú Bình mong muốn lãnh đạo hai nước trao đổi về việc thúc đẩy Nhật Bản trở thành nhà đầu tư số một ở Việt Nam, vươn lên từ vị trí thứ hai hiện nay (với tổng vốn FDI là 60 tỷ USD). Kim ngạch thương mại hai chiều có nhiều yếu tố thuận lợi để gia tăng, khi Nhật Bản đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (với 40 tỷ USD năm 2019). Ông lưu ý hai nước có nhiều không gian để thúc đẩy hợp tác thương mại song và đa phương, trên cơ sở Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Nhật Bản và ASEAN (AJCEP), cùng ký năm 2008, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký năm 2018.

Khi lĩnh vực du lịch đang bị đình trệ do Covid-19, ông Bình cho rằng Việt Nam và Nhật Bản có thể tập trung đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp. Hai nước cần xây dựng bộ tiêu chuẩn cho nông sản để các sản phẩm của Việt Nam có chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu cho thị trường 100 triệu dân của Nhật Bản.

Cựu đại sứ Cường trông đợi Nhật sẽ khẳng định ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ khi Việt Nam sắp tổ chức các sự kiện cuối cùng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Hà Nội bày tỏ hy vọng tổ chức các cuộc họp trực tiếp sau một loạt hội nghị trực tuyến từ đầu năm. Hai nước cũng có thể thống nhất phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Ông Cường cho biết ông Suga từng thăm Việt Nam năm 2013, trong vai trò Bộ trưởng Nội vụ và truyền thông Nhật Bản. Sau 7 năm, Tân Thủ tướng sẽ được chứng kiến hiệu quả nguồn vốn ODA Nhật dành cho Việt Nam, gồm cầu Nhật Tân, đường vành đai ba nối dài, sân bay Nội Bài mở rộng.

“Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật là dịp để lãnh đạo hai nước vừa làm quen, vừa tăng cường sự tin cậy. Đó là nền tảng quan trọng để hai bên đưa ra những quyết sách thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương”, ông Cường nói.

Việt Anh – VnExpress

Leave a Reply