TQ lần đầu sửa luật trong 11 năm, gắn kết hải cảnh và quân đội

Trung Quốc sẽ tăng cường kết nối lực lượng hải cảnh và quân đội, bằng cách cho diễn tập chung, hợp nhất hoạt động trong thời chiến, nhằm đẩy mạnh lực lượng trên biển.

Ủy ban Thường trực của Quốc hội Trung Quốc ngày 20/6 chấp thuận các thay đổi trên bằng việc sửa đổi luật quy định về Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết. Đây là lần sửa đổi luật đầu tiên trong 11 năm.

Thông qua việc gắn kết này, giới lãnh đạo dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình muốn xây dựng mạng lưới phòng thủ chung có thể thực hiện một cách liền mạch mọi hoạt động từ tuần tra trên biển đến quân sự. Mục tiêu là mở rộng sức mạnh quân sự trong khu vực, đồng thời cạnh tranh với Mỹ về vị thế trên biển, theo bình luận của Nikkei Asian Review.

Sửa đổi trên sẽ đưa Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân về dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, do ông Tập lãnh đạo, nếu xảy ra chiến tranh.

Quy định này cũng sẽ áp dụng với hải cảnh, cũng thuộc Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân.

Nói cách khác, luật sửa đổi này cho phép quân đội và hải cảnh cùng hoạt động nếu lãnh đạo Trung Quốc xác định rằng tình hình trên biển chuyển sang tình trạng chiến tranh. Hải cảnh cũng sẽ tham gia vào các hoạt động quân sự. Ngay cả trong thời bình, hải cảnh cũng có thể tập luyện, diễn tập và cứu hộ khẩn cấp cùng với quân đội, theo Nikkei Asian Review.

Lực lượng hải cảnh của Trung Quốc được đưa về lực lượng quân cảnh, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương vào tháng 7/2018, nhưng động thái trên đánh dấu lần đầu tiên cơ cấu này được ghi trong luật.

Luật cũng ghi rõ về “việc bảo vệ lợi ích trên biển và thực thi pháp luật” như một nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân. Với nhân sự 600.000-700.000 người, lực lượng này trước nay nhận các nhiệm vụ trên bờ như bảo đảm an ninh và canh gác hạ tầng trọng yếu. Trung Quốc có thể tăng số người trong hoạt động an ninh hàng hải.

Việc thay đổi luật không được đưa vào trong nghị trình của Quốc hội Trung Quốc công bố vào tháng 12/2019. Việc lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tái đắc cử áp đảo vào tháng 1, và việc Trung Quốc muốn gây áp lực cho Đài Loan có thể nhanh chóng đưa việc sửa đổi trở lại nghị trình. Bà Thái đã tăng cường chỉ trích Bắc Kinh và xích lại gần hơn với Washington.

Thay đổi này cũng đến vào thời điểm các tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục vào vùng biển gần quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nhưng Nhật Bản quản lý. Tính đến ngày 20/6, tàu hải cảnh Trung Quốc đã vào vùng nước mà Nhật Bản coi là vùng tiếp giáp lãnh hải trong 68 ngày liên tiếp.

Trọng Thuấn – Zing

Leave a Reply