Trái tim phụ nữ hồi sinh trong lồng ngực người đàn ông

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy xuyên đêm đặt trái tim người hiến vào trong lồng ngực mới. Ảnh: Nguyên Hạnh.

Trước khi chết, một phụ nữ Hà Nội đã kịp hiến trái tim của mình và có chuyến bay đầu tiên trong đời vào TP.HCM. Đây cũng là chuyến bay cuối cùng của bà.

Chiều 16/6, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết đơn vị này đã thực hiện thành công ca ghép tim xuyên Việt. Đây là ca ghép tim thứ 5 được thực hiện tại bệnh viện này và lần đầu tiên ghép từ người cho là phụ nữ.

Chuyến bay cuối cùng

Ngày 13/5, một phụ nữ 47 tuổi ở Hà Nội bị tai nạn giao thông nguy kịch. Chị được đưa vào khu vực hồi sực đặc biệt nhất của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Các bác sĩ nỗ lực tìm hy vọng mong manh cứu sống chị nhưng không thành. Người phụ nữ rơi vào trạng thái chết não.

Trước khi qua đời, trái tim của chị đã kịp đập trong lồng ngực mới tại TP.HCM. Chị là người phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam hiến tặng trái tim, hồi sinh cho mầm sống khác.

Tối 13/5, chuyến bay mang số hiệu VN275 của Hãng hàng không Vietnam Airlines hạ cánh an toàn sau hành trình từ Hà Nội vào TP.HCM.

Hành khách trên chuyến bay là ê-kíp của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy đều được “đặt cách” trong mọi thủ tục. Tổ bay được lực lượng an ninh, cảnh sát giao thông “hộ tống” an toàn đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Bởi chuyến bay đang mang trọng trách đặc biệt: Một trái tim còn sự sống.

Do thời gian bảo quản trái tim bên ngoài khỏi lồng ngực tối đa chỉ có 6 tiếng, mọi công tác chuẩn bị, thực hiện đều diễn ra khẩn trương và cẩn thận. Trên máy bay, hộp y tế chứa trái tim được thắt đai an toàn chắc chắn.

Khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, ê-kíp vận chuyển được lực lượng an ninh sân bay ưu tiên thực hiện mọi thủ tục để có thể kịp thời mang trái tim đến Bệnh viện Chợ Rẫy, mang theo tâm nguyện cuối cùng của người phụ nữ không may mắn.

Hồi sinh

Khoảng 8 năm trước , ông B.T.P. (47 tuổi, ngụ TP.HCM) bị suy tim nặng do bệnh lý suy tim giãn nở. Nhiều năm qua, ông “gõ cửa” 3 bệnh viện lớn ở TP.HCM và đã đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Hai năm trước, người đàn ông này từng tái đồng bộ tim ở Bệnh viện Đa khoa Vinmec. Ông được ghi vào danh sách chờ ghép tim khi có nguồn tạng hiến phù hợp.

Tháng 5, ông chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy khi tình trạng suy tim đã ở giai đoạn cuối. “Nếu không ghép trái tim mới, bệnh nhân sẽ không còn hy vọng sống”, PGS.TS Trần Quyết Chiến, Phó giám đốc bệnh viện kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhớ lại.

Tưởng chừng không còn hy vọng và sống mòn với trái tim yếu ớt, phép màu đã đến với người đàn ông này. Thu nhập bấp bênh từ công việc phụ hồ cộng với lương công nhân ít ỏi của vợ, ông P. nằm mơ cũng không thể ngờ ông nhận ‘tấm vé hồi sinh” từ trái tim chuyển từ Hà Nội. Càng bất ngờ khi người cho tim là một phụ nữ, khác nhóm máu.

Ông P. may mắn được nhận “tấm vé hồi sinh” từ ân nhân không quen biết ở Hà Nội. Ảnh: B.H.

PGS Chiến cho biết trong hai ngày cuối tuần, các bác sĩ đã đánh giá tổng trạng sức khoẻ để kiểm tra bệnh nhân có phù hợp ghép tim hay không.

“Trong danh sách chờ, ngoài ông P. còn có 2 người khác tương đối phù hợp để ghép tim. Đáng tiếc, họ đã mất trước khi có cơ hội ghép trái tim mới. Trước tình hình này, ông P. là lựa chọn phù hợp nhất khi hai trái tim khá tương tích, cùng độ tuổi”, PGS Chiến nói.

PGS Chiến cho biết điều đặc biệt của ca ghép này là người hiến tim mang nhóm máu O trong khi bệnh nhân này nhóm máu A, có tiền sử tai biến mạch máu não. Nhóm máu không ảnh hưởng đến ca ghép do máu O có thể cho bất kỳ nhóm máu nào, song, quá nhiều điều đặc biệt đã khiến ê-kíp hết sức áp lực.

Sau 3 giờ với từng đường mổ tỉ mỉ, cuối cùng, quả tim của người phụ nữ đã đập trong lồng ngực mới. Chiếc vé hồi sinh từ người phụ nữ này và các bác sĩ đưa ông P. từ cõi chết trở về.

ThS.BS Phan Thị Lệ Xuân, Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê – Hồi Sức, Bênh viện Chợ rẫy, cho biết thời gian thiếu máu nóng của trái tim đã gần 6 tiếng do hành trình bay xuyên Việt. Nếu thiếu máu nóng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục của trái tim sau ghép. May mắn, do trái tim được bảo vệ tốt, đập khoẻ mạnh trong lồng ngực mới.

Ngày xuất hiện trước truyền thông, ông P. được vợ đẩy xe lăn đến bắt tay từng người trong ê-kíp ghép tim. Dù được hồi sinh, người đàn ông này luôn canh cánh về trái tim trong lồng ngực mình. Ông chỉ biết thông tin duy nhất về ân nhân của mình là một phụ nữ, ở Hà Nội.

“Thật lòng cảm ơn ân nhân và gia đình đã chấp nhận hiến tim. Tôi sẽ bảo vệ trái tim này”, ông P. xúc động nói.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết việc ghép tim không như chúng ta nghĩ đơn thuần là mang trái tim từ người này đặt vào lồng ngực người khác.

Đó là sự phối hợp của rất nhiều chuyên khoa mà quan trọng nhất là việc thuyết phục gia đình bệnh nhân đồng ý mang trái tim ra bên ngoài bệnh viện. Do đó, để có được nguồn tạng hiến và thực hiện ca ghép thành công hoàn toàn không dễ dàng.

BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đến thời điểm này, bệnh viện đã thực hiện thành công 5 ca ghép tim từ người cho chết não.

Trong đó, 4 ca đầu tiên được thực hiện dưới sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Đây là ca ghép đầu tiên do các bác sĩ của bệnh viện đảm nhiệm hoàn toàn sau khi đơn vị được Bộ Y tế cấp ghép tim từ người cho chết não.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Chợ Rẫy là bệnh viện lớn nhất phía Nam, đây cũng là đơn vị ghép thận lớn nhất tại Việt Nam. Thời gian tới, bệnh viện sẽ tăng cường vai trò của bộ phận vận động hiến tạng, trở thành trung tâm ghép tạng lớn nhất phía Nam.

Bích Huệ – Zing

Leave a Reply