Tranh cãi về ‘khủng hoảng nam tính’ ở Trung Quốc

Nam thanh thiếu niên Trung Quốc đang bị cho là không đủ “nam tính”, khiến nhà chức trách phải tìm biện pháp can thiệp.

Bộ Giáo dục Trung Quốc đang lên kế hoạch tăng cường những lớp học thể chất sau khi một quan chức hàng đầu nước này nói rằng các giáo viên nữ và văn hóa đại chúng khiến nam sinh ngày càng trở nên “yếu đuối, kém cỏi và rụt rè”.

Trong động thái mới nhất nhằm giải quyết vấn đề mà giới học thuật và các hãng tin gọi là “khủng hoảng nam tính”, Bộ Giáo dục đề xuất nhấn mạnh vào “dương khí”, hay nam tính, bằng cách thuê thêm giáo viên hướng dẫn thể thao và thiết kế lại các lớp giáo dục thể chất ở bậc tiểu học và trung học.

Kế hoạch này, đáp lại lời kêu gọi của một quan chức hàng đầu nhằm ngăn chặn tình trạng “nữ hóa nam giới”, được công bố hồi tuần trước. Dù không bao gồm những nội dung chi tiết song nó đang gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên mạng và hiện vẫn gây tranh cãi gay gắt trên các nền tảng mạng xã hội.

Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc ủng hộ đề xuất trên. “Thật khó tưởng tượng những nam thanh thiếu niên ẻo lả như vậy làm thế nào để bảo vệ đất nước”, một người viết. Tuy nhiên, những người khác cho rằng kế hoạch xử lý “khủng hoảng nam tính” của chính phủ là bằng chứng cho thấy tình trạng phân biệt giới tính và sự tồn tại của định kiến giới.

Thậm chí truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng hoài nghi về đề xuất mà Bộ Giáo dục đưa ra. Tài khoản mạng xã hội Weibo của kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hôm 29/1 viết: “Giáo dục không đơn thuần là nuôi dưỡng ‘nam tính’ hay ‘nữ tính’. Điều quan trọng hơn là phát triển một tinh thần sẵn sàng chịu trách nhiệm”.

“Đàn ông thể hiện ‘nam tính’ trong thể chất, tinh thần và vóc dáng, đó là một loại vẻ đẹp, nhưng ‘khí phách’ không đơn giản chỉ là ‘hành vi nam tính”, kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh.

Những năm gần đây, trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng sức mạnh quân đội và chú tâm hơn đến một thế hệ những đứa trẻ được nuông chiều, chủ yếu là con trai, sinh ra dưới chính sách một con, ý tưởng nghiêm ngặt hơn về nam tính bắt đầu xuất hiện.

Truyền hình kiểm duyệt hoặc làm mờ hình ảnh những ngôi sao ca nhạc là nam giới nhưng đeo khuyên tai. Những nam diễn viên chăm chút bề ngoài kỹ lưỡng bị công khai chế giễu là “tiểu thịt tươi” và các bậc cha mẹ có xu hướng đăng ký cho những cậu bé tham gia các trại huấn luyện với hy vọng chúng trở thành “đàn ông thực thụ”.

Năm ngoái, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua đưa tin về tình trạng mất cân bằng giới tính giáo viên thể dục và những khó khăn khi thu hút nam giới nhận công việc thu nhập thấp này, hiện do phụ nữ chiếm ưu thế. Trước đây, các phương tiện truyền thông nhà nước cũng đổ lỗi cho trò chơi điện tử, hành vi thủ dâm và lười tập thể dục là nguyên nhân khiến nhiều nam thanh niên không đáp ứng được các yêu cầu gia nhập quân đội.

Mark Ma, một học sinh 18 tuổi ở Thâm Quyến, nói rằng cậu hoan nghênh cải cách giáo dục thể chất nhưng không nghĩ rằng nó sẽ có tác dụng to lớn trong việc hình thành nam tính.

“Giáo dục thể chất ở cấp trung học cơ sở chắc chắn cần được cải thiện vì nhiều người hiện nay không quan tâm tới nó. Họ chỉ quan tâm tới học thuật”, Ma nói. “Tôi từng nhớ cảnh rất nhiều bạn học của mình ngồi bên lề các buổi học giáo dục thể chất làm bài tập về nhà”.

Về mục tiêu tạo “nam tính” cho thanh thiếu niên, Ma cho rằng trọng tâm chính của kế hoạch mà Bộ Giáo dục đưa ra là tăng cường sức mạnh thế chất, còn định nghĩa của họ về “nam tính” chưa thực sự rõ ràng.

Dù kế hoạch mới của Bộ Giáo dục không đề xuất rõ ràng cách đối xử khác nhau với trẻ em trai và trẻ em gái, những nhà giáo dục như Liu Wenli, giáo sư tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, chuyên gia về giáo dục giới tính và sức khỏe, đã nhìn thấy một số nguy cơ.

Theo bà, ngay cả việc đề cập đến tình trạng “nữ tính hóa nam thanh thiếu niên” cũng có thể dẫn tới tình trạng nhiều học sinh bị bắt nạt hơn vì biểu hiện giới tính, bề ngoài và xu hướng giới tính của họ.

“Các nhà giáo dục không thể kêu gọi ngăn chặn nạn bắt nạn trong trường học trong khi vẫn nuôi dưỡng mầm mống cho hành vi bắt nạt”, Liu viết trên Weibo.

“Việc nhấn mạnh quá mức vào nam tính, nữ tính hay tình trạng khuyết tật về thể chất thực sự có hại cho sự đa dạng và hòa nhập xã hội”, Chunxiao Li, nhà nghiên cứu về giáo dục thể chất, nhận xét. “Nó có thể tạo ra một khuôn mẫu”.

Theo Li, cuối cùng, các giáo viên thể chất nên chú trọng vào việc phát triển toàn diện cho học sinh.

Vũ Hoàng (Theo NYTimes) – VnExpress

Leave a Reply