Trở ngại Trung Quốc với cơ hội cuối tìm nguồn gốc Covid-19

WHO xem nhóm điều tra mới là cơ hội cuối để tìm nguồn gốc Covid-19, nhưng nỗ lực này có thể vướng trở ngại nếu Trung Quốc không hợp tác.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/10 tuyên bố thành lập Nhóm Cố vấn Khoa học về Nguồn gốc các Mầm bệnh mới (SAGO), nằm trong kế hoạch đầy tham vọng để điều tra nguồn gốc Covid-19 và các dịch bệnh mới khác.

WHO đã chọn lọc được 26 nhà khoa học khắp thế giới để thành lập SAGO, một nhóm được xác định là sẽ làm việc công tâm và độc lập, với nhiệm vụ tìm hiểu cách thức bùng phát của Covid-19 và các dịch bệnh trong tương lai. Cơ quan này xác định đây là “cơ hội tốt nhất và có thể là cuối cùng” để tìm ra nguồn gốc đại dịch.

Tuy nhiên, tham vọng mới của WHO lại vấp phải trở ngại cũ: chính phủ Trung Quốc. Nếu không có sự chấp thuận của Bắc Kinh, cuộc truy tìm nguồn gốc Covid-19 có thể khó tìm ra lời giải cuối. Đây là một vấn đề hóc búa làm dấy lên câu hỏi liệu cơ quan y tế thế giới có cần cải cách để đối phó tốt hơn với thực tế thế giới phức tạp, chia rẽ hiện tại hay không.

Các thành viên của SAGO được lựa chọn nhằm tránh những vấn đề từng cản trở cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 hồi đầu năm nay, trong đó 10 chuyên gia quốc tế hợp tác cùng các nhà nghiên cứu Trung Quốc để điều tra thực địa ở Vũ Hán, nơi đầu tiên phát hiện ca Covid-19.

Giới chức WHO coi nhóm điều tra mới là sự điều chỉnh để đối phó với vấn đề chính trị hóa nguồn gốc Covid-19. Các chuyên gia cho rằng thế giới cần phải tìm hiểu nguồn gốc của đại dịch, không phải vì mục đích đổ lỗi mà để đảm bảo không có thêm một dịch bệnh quái ác tấn công toàn cầu lần nữa. SAGO được xem là công cụ để thực hiện mục tiêu này.

Tuy nhiên, Adam Taylor, biên tập viên của Washington Post, cho rằng SAGO sẽ chỉ có tác động hạn chế, bởi họ về bản chất chỉ là một ủy ban cố vấn và chỉ có thể đưa ra các khuyến nghị cho WHO nếu phát hiện điều gì có cần nghiên cứu thêm.

“WHO có thể yêu cầu các quốc gia thành viên lật lại hồ sơ hoặc cho phép một cuộc điều tra trên lãnh thổ của họ. Nhưng cơ quan này lại không có khả năng bắt buộc một quốc gia thành viên làm bất cứ điều gì, đặc biệt khi đó là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất”, Taylor cho hay.

Trong khi đó, Trung Quốc nhiều lần tuyên bố cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19 trên lãnh thổ của họ đã kết thúc.

Trung Quốc không phải một đối tác dễ dàng với WHO, theo Taylor. Dù ban đầu WHO và Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus bị chỉ trích vì thiên vị Bắc Kinh, rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai bên đã trở nên rõ ràng hơn vào tháng 3, khi báo cáo điều tra chung kết luận giả thuyết nCoV lọt từ phòng thí nghiệm Vũ Hán “cực kỳ khó xảy ra” và không đáng điều tra thêm.

Ông Tedros công khai chỉ trích báo cáo, trong khi một quan chức cấp cao của WHO tham gia cuộc điều tra ở Vũ Hán sau đó nói báo cáo bị tác động bởi áp lực từ Trung Quốc. Trong một bài viết trên Science hôm 13/10, Tổng giám đốc Tedros và các quan chức WHO khác nhấn mạnh không thể loại bỏ giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm trừ khi có bằng chứng bác bỏ.

“Giả thuyết phòng thí nghiệm phải được xem xét cẩn thận, trong đó tập trung vào các phòng thí nghiệm tại nơi đầu tiên báo cáo về ca nhiễm ở Vũ Hán”, bài viết có đoạn.

Ý tưởng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm đã thu hút sự chú ý của toàn cầu. Những tiết lộ mới của những chuyên gia từng tham gia cuộc điều tra ở Vũ Hán hồi đầu năm khiến việc bác bỏ giả thuyết này không dễ dàng.

Giới quan sát thêm rằng ngoài Vũ Hán, cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 có thể xem xét những phòng thí nghiệm và địa điểm khác. Trong bài viết đăng trên Washington Post đầu tuần này, Michael Standaert và Eva Dou đã hướng sự chú ý tới hệ thống hang động có nhiều loài dơi sinh sống ở Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc, cách Vũ Hán khoảng 6 giờ lái xe về phía tây.

Nhiều khách du lịch và người dân địa phương thường ghé tới các hang động này, trong khi các trang trại nhỏ gần đó từng là nơi nuôi hàng trăm nghìn động vật hoang dã, trước khi chính quyền siết chặt hoạt động này vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cung cấp rất ít thông tin về những việc đã làm hoặc liệu có từng kiểm tra xem dơi và động vật hoang dã ở khu vực này từng nhiễm nCoV hay không.

“Chúng ta thực sự cần tìm hiểu thêm về những loại virus lưu hành ở loài dơi”, Michael Worobey, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Arizona, nói. “Việc các trang trại động vật hoang dã ở gần các hang dơi, có thể mang virus, là điều khiến chúng tôi lo lắng”.

Cho đến nay, rất ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ mở lộ trình dễ dàng với SAGO, theo Taylor. People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi đầu tháng này nói rằng Trung Quốc không thể tin tưởng nhóm chuyên gia của WHO, cho đến khi họ tới điều tra Fort Detrick, trung tâm nghiên cứu sinh học của quân đội Mỹ ở Maryland. Quan chức Trung Quốc nhiều lần nói rằng cơ sở này có thể liên quan tới nguồn gốc Covid-19, dù không cung cấp bằng chứng.

Cuộc tìm kiếm thông tin về nguồn gốc Covid-19 không có sự hỗ trợ của Trung Quốc đến nay thu được rất ít kết quả, theo Taylor. Sau ba tháng điều tra theo lệnh của Tổng thống Joe Biden, cộng đồng tình báo Mỹ cũng không thể làm sáng tỏ nguồn gốc đại dịch. Hầu hết đề xuất điều tra thêm đều dựa vào việc gây áp lực để Trung Quốc hợp tác, dù đây được coi là phương án không khả thi.

SAGO cũng có thể phần nào bị ràng buộc với lợi ích của Trung Quốc, khi một trong 26 thành viên của nhóm là nhà khoa học Yungui Yang thuộc Viện Di truyền học Bắc Kinh, một đơn vị của Viện Khoa học Trung Quốc.

Yang từng là trưởng nhóm trong cuộc điều tra chung gây nhiều tranh cãi của WHO và Trung Quốc hồi đầu năm. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Yang cũng từng kêu gọi tiến hành điều tra nguồn gốc ở các quốc gia khác, lặp lại quan điểm của Bắc Kinh.

Nhưng sự hợp tác này có thể mang lại kết quả. Quan chức WHO đặc biệt quan tâm tới kết quả xét nghiệm ngân hàng mẫu máu ở Vũ Hán để xem liệu virus bắt đầu lây lan từ khi nào. CNN ngày 13/10 đưa tin một quan chức Trung Quốc cho hay hơn 200.000 mẫu máu ở Vũ Hán sẽ sớm được xét nghiệm, có thể tiết lộ manh mối về Covid-10 năm 2019.

Taylor cho rằng hợp tác là lựa chọn duy nhất của WHO. “Chúng tôi phải làm việc với các quốc gia và hợp tác với họ. Chúng tôi cần điều đó để tiến hành công việc”, Maria Van Kerkhove, người phụ trách về bệnh mới bùng phát và lây truyền từ động vật của WHO, nói tuần này.

Thanh Tâm (Theo Washington Post) – VnExpress

Leave a Reply