Từ một người “thống trị” đảng Cộng hòa với nền tảng ủng hộ vững chắc, Trump dường như đã đạp đổ mọi thứ sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol.
Tổng thống Donald Trump có lẽ đang đối mặt với những ngày tháng bị cô lập và bất lực hơn bất kỳ thời điểm nào trong nhiệm kỳ nhiều sóng gió của ông.
Đảng Dân chủ đang nỗ lực đẩy Trump phải đối mặt ba kịch bản gồm từ chức, bị truất quyền bằng cách kích hoạt Tu chính án 25 hoặc xem xét bãi nhiệm, với cáo buộc kích động bạo loạn ở Đồi Capitol. Hàng loạt quan chức Nhà Trắng và trong nội các của Trump từ chức. Khả năng kiểm soát đảng Cộng hòa của Trump cũng đã suy yếu ngay trước cuộc bạo loạn, khi một số thành viên đổ lỗi cho ông vì đảng mất hai ghế thượng nghị sĩ ở Georgia, đồng nghĩa mất quyền kiểm soát Thượng viện.
Sau 4 năm Trump cầm quyền, không ít thành viên đảng Cộng hòa đang cân nhắc liệu có nên để ông giữ chức tổng thống trong tuần còn lại của nhiệm kỳ hay không. “Tới thời điểm này, ông ấy tiềm ẩn quá nhiều rủi ro”, Alex Conant, chiến lược gia đảng Cộng hòa, nói.
Vòng tròn trung thành với Trump ngày càng thu hẹp với những cái tên còn lại gồm Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, luật sư riêng Rudy Giuliani, cố vấn thương mại Peter Navarro, giám đốc truyền thông xã hội Dan Scavino, con rể Jared Kushner và con gái Ivanka.
“Nhiều người đang nhảy khỏi con tàu đắm”, một cố vấn không chính thức của Trump nói.
Gần như mỗi giờ trôi qua sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol, Trump lại nhận được thông tin từ chức của một thành viên nội các hay nhân viên Nhà Trắng, từ Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao, vợ của Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mitch McConnell, phó cố vấn an ninh quốc gia Matt Pottinger cho tới đặc phái viên ở Bắc Ireland Mick Mulvaney, cựu quyền chánh văn phòng của Trump.
Sự ra đi của Stephanie Grisham, chánh văn phòng của Đệ nhất phu nhân Melania và là cựu giám đốc truyền thông của Trump, là một đòn giáng mạnh, bởi đây là người rất gắn bó với vợ chồng Tổng thống và đã đồng hành cùng Trump kể từ khi ông bắt đầu chiến dịch tranh cử năm 2015.
Trong những giờ phút căng thẳng khi Đồi Capitol bị tấn công, Trump đã mất rất nhiều người ủng hộ từng làm việc với ông ở Nhà Trắng. “Hầu hết mọi người đều thực sự kinh sợ và không khí trở nên rất căng thẳng ở Cánh Tây”, một nguồn tin thân cận cho hay. “Rất nhiều người chỉ biết lặng người ngồi xem tin tức ở văn phòng của họ”.
Không riêng ở Nhà Trắng, nền tảng ủng hộ của Trump ở Đồi Capitol cũng bắt đầu lung lay. Thay vì chọn cách im lặng vì lợi ích của đảng Cộng hòa và sợ một dòng tweet có thể thổi bay sự nghiệp, không ít thành viên Cộng hòa đã bất ngờ lên tiếng. Những đồng minh quyền lực nhất của Trump, từ Mitch McConnell cho tới Thượng nghị sĩ Nam Carolina Lindsey Graham, thẳng thừng tuyên bố lòng trung thành của họ đối với Tổng thống đã đạt giới hạn. Họ công khai chỉ trích vai trò của Trump trong cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol.
“Tôi nghĩ Tổng thống phải chịu trách nhiệm”, Thượng nghị sĩ Bắc Dakota Kevin Cramer nói. “Tất cả chuyện này thật kinh khủng. Nó đang đổ dầu vào lửa”.
Với Trump, thất bại trong việc ngăn chứng nhận chiến thắng của Joe Biden bằng cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol không chỉ đặt dấu chấm hết cho nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử, mà còn làm tiêu tan hy vọng tranh cử tổng thống năm 2024. Trước khi cuộc bạo loạn xảy ra, Trump vẫn được đánh giá là “đối thủ đáng gờm” của các ứng viên tiềm năng đảng Cộng hòa nếu ông quyết định tái tranh cử sau 4 năm, nhưng giờ câu hỏi đặt ra là ảnh hưởng của Trump liệu còn lại bao nhiêu sau khi rời nhiệm sở.
“Cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol sẽ không bao giờ bị lãng quên”, Dan Eberhart, nhà tài trợ của đảng Cộng hòa, nói. “Mọi người thực sự bị sốc. Điều này không hề phóng đại”.
Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của Trump ở đảng Cộng hòa chưa hoàn toàn “bốc hơi”. Hơn 130 nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có Lãnh đạo phe Thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy và 8 thượng nghị sĩ, đã phản đối xác nhận chiến thắng của Biden ở một số bang chiến trường. Nhiều thành viên Cộng hòa cũng không đồng tình với lời kêu gọi truất quyền Trump của đảng Dân chủ.
Nhưng nội bộ đảng Cộng hòa đã xuất hiện rạn nứt khi phải đối mặt với tương lai mất quyền kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn Thượng viện. “Chúng ta cần tiến về phía trước. Đảng phần lớn đã bước sang trang mới”, một trợ lý của đảng Cộng hòa nói.
Không ít thành viên Cộng hòa đã công khai “cắt đứt quan hệ” với Tổng thống, với hy vọng có thể được tuyển dụng cho chính quyền mới.
“Nhiều người đang tìm cách rút lui êm đẹp”, một cựu quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói và thêm rằng việc từ chức sau cuộc bạo loạn có thể “cho phép họ có thêm điểm cộng”.
Một cựu quan chức Nhà Trắng, người từng làm việc bên cạnh Trump, tin rằng Tổng thống đã kích động đám đông, nhưng sau đó không thể kiểm soát họ. “Tôi không tin ông ấy muốn điều này xảy ra”, cựu quan chức này nói.
Ông thêm rằng Trump chỉ hy vọng đám đông sẽ cho thấy mức độ nổi tiếng của ông và gửi thông điệp tới các thành viên Cộng hòa rằng họ nên gắn bó với ông hoặc phải đối mặt với cơn thịnh nộ của những người ủng hộ trung thành. Đồng thời, ông cũng muốn cảnh báo đảng Dân chủ rằng nếu ông ấy bị điều tra sau khi rời nhiệm sở, bất ổn có thể sẽ xảy ra, bởi “tôi có thể khiến đám đông hoàn toàn phát điên”.
Nếu đúng như vậy, cuộc bạo loạn dường như không đi đúng hướng Trump mong muốn và điều này đang khiến Trump ngày càng mất đi nhiều đồng minh và người ủng hộ. Khi nhiệm kỳ của ông ngày càng trôi về những ngày cuối cùng, Trump ngày càng trở nên đơn độc.
Một nguồn tin thân cận với Tổng thống Mỹ nói rằng sau nhiều lần mắc sai lầm mà chưa phải gánh hậu quả, “tôi nghĩ lần này Trump đã phải trả giá”.
Thanh Tâm (Theo Time) – VnExpress