Dù chỉ còn vài ngày tại vị, Trump vẫn đưa ra những quyết định chính sách mới với Đài Loan và Cuba, khiến nỗ lực đối ngoại của Biden thêm khó khăn.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chuẩn bị tiếp quản Nhà Trắng trong bối cảnh đất nước vẫn quay cuồng vì đại dịch Covid-19, với hơn 3.000 ca tử vong mỗi ngày, và tình trạng chia rẽ ngày càng sâu sắc. Vì vậy, ông được cho là sẽ ưu tiên chính sách đối nội ngay sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, củng cố lại vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ cũng là một trong những mục tiêu quan trọng khác của chính quyền mới.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây công bố một loạt quyết định liên quan đến những chính sách đối ngoại vốn phức tạp của Mỹ, bao gồm đưa Cuba trở lại danh sách “nước bảo trợ khủng bố”, coi phiến quân Houthi ở Yemen là tổ chức khủng bố, bãi bỏ toàn bộ quy định hạn chế giao thiệp giữa quan chức Mỹ với đảo Đài Loan.
“Chính quyền Trump đang đặt một loạt vấn đề vào ‘sự đã rồi’, làm thay đổi xuất phát điểm trên trường quốc tế của Biden sau khi nhậm chức”, Raffaello Pantucci, chuyên gia cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định.
Theo bình luận viên Luke McGee của CNN, xét trên bình diện ngoại giao, vấn đề chông gai nhất mà Trump đặt ra cho chính quyền kế nhiệm vào những ngày tại vị cuối cùng là thay đổi trong quan hệ với Đài Loan.
Washington cắt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc vào năm 1979 sau khi công nhận chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh, trong đó coi đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì bầu không khí thân thiện với Đài Loan, thậm chí trở thành bên cung cấp vũ khí chính cho hòn đảo theo Đạo luật Quan hệ với Đài Loan năm 1979.
Bởi vậy, động thái mới đây của chính quyền Trump được đánh giá là khá táo bạo. Tuyên bố hôm 9/1 của Pompeo xóa bỏ hoàn toàn “những hạn chế nội bộ phức tạp để điều chỉnh” giao thiệp giữa quan chức Mỹ với đảo Đài Loan, “nhằm xoa dịu Trung Quốc” trong nhiều năm qua.
Bắc Kinh sau đó kịch liệt phản đối quyết định này, khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố “bất kỳ hành động nào gây tổn hại lợi ích cốt lõi của Trung Quốc sẽ bị đáp trả mạnh mẽ “. Truyền thông Trung Quốc cũng đồng loạt chỉ trích Pompeo, như một bài xã luận của CGTN gọi thông báo của Ngoại trưởng Mỹ là “hành động phá hoại hèn nhát” nhắm vào chính quyền kế tiếp.
Giới phê bình lo ngại bước đi của Trump sẽ thúc đẩy Trung Quốc cứng rắn hơn với chính quyền Biden, dù lưỡng đảng Mỹ phần lớn nhất trí với chính sách tăng cường ủng hộ Đài Loan. “Nếu Mỹ xác định muốn hợp tác với Trung Quốc, chẳng hạn về vấn đề biến đổi khí hậu, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ yêu cầu Washington đảo ngược lập trường về Đài Loan”, chuyên gia Pantucci nhận định.
Các nhà phân tích lâu nay dự đoán Biden vẫn sẽ duy trì quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, nhưng tin rằng ông sẽ chọn phương án bắt tay với đồng minh nhằm xây dựng một liên minh chặt chẽ, thay vì áp dụng cách tiếp cận gây áp lực tối đa với Trung Quốc như Trump.
“Biden nên hợp tác cùng các đồng minh châu Âu nhằm tạo ra chiến lược nhất quán với Trung Quốc, nhưng việc đó cần thời gian để xây dựng, và tốt hơn hết là không ai gây thêm cản trở với tiến trình này”, Leslie Vinjamuri, chuyên gia về châu Mỹ tại viện nghiên cứu Chatham House của Anh, đánh giá.
Một số ý kiến cho rằng Biden đơn giản chỉ cần đảo ngược các quyết định của chính quyền Trump. Tuy nhiên, Pantucci lưu ý đây có thể bị coi là động thái thỏa hiệp với Bắc Kinh và khiến Biden đánh mất sự ủng hộ trong nước, nơi tâm lý chống Trung Quốc đang vô cùng mạnh mẽ.
Tương lai của nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc nội chiến 6 năm qua tại Yemen, giữa lực lượng chính phủ được liên quân do Arab Saudi dẫn đầu hỗ trợ và phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn, cũng trở nên mờ mịt sau khi chính quyền Trump xác định Houthi là nhóm khủng bố. Trong khi đó, những động thái của Mỹ dưới thời Trump vốn đã khiến tình hình Yemen ngày càng rối ren.
“Việc xác định Houthi là một tổ chức khủng bố sẽ không giúp giải quyết cuộc xung đột này theo bất cứ khía cạnh nào, đồng thời khiến nó thực sự có nguy cơ kéo dài hơn”, chuyên gia về Trung Đông Chris Doyle cho biết. “Phe diều hâu của Houthi nhiều khả năng sẽ ngả về phía Iran hơn và không sẵn lòng tham gia tiến trình ngoại giao với Arab Saudi”.
UNICEF mô tả nội chiến Yemen là “cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, với hơn 24 triệu người, tương đương khoảng 80% dân số cả nước, cần hỗ trợ nhân đạo, bao gồm hơn 12 triệu trẻ em”. Giới phân tích cảnh báo tình hình sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn.
Doyle bổ sung rằng việc xác định Houthi là tổ chức khủng bố còn gây thêm khó khăn cho các nhóm viện trợ nhân đạo quốc tế trong quá trình cung cấp thực phẩm và vật tư y tế đến Yemen. “Việc chọn một phe trong cuộc xung đột thực sự có thể gây tổn hại cho dân thường. Điều đó rất vô trách nhiệm. Quan điểm bắt nạt Houthi để họ dịu giọng cũng là điều viển vông”, chuyên gia nêu ý kiến.
Việc Pompeo đưa Cuba trở lại danh sách “nước bảo trợ khủng bố” có lẽ gây ra ít tác động trên thực tế hơn, nhưng lại mang ý nghĩa biểu tượng như một thiệt hại với hình ảnh của Biden và mang đến thắng lợi chính trị quan trọng cho chủ nghĩa Trump.
“Nó giống như dấu chấm hết cho nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba của chính quyền cựu tổng thống Barack Obama”, dưới thời kỳ Biden là phó tổng thống, bình luận viên McGee nhận định.
“Nếu sau này Mỹ tìm đến Cuba và nói rằng họ muốn mọi thứ bắt đầu lại từ thời điểm cuối nhiệm kỳ của Obama, Cuba có thể đặt câu hỏi rằng tại sao họ phải bận tâm khi một người nào đó giống như Trump có khả năng đắc cử vào năm 2024”, Pantucci cho hay.
Không bao lâu nữa Biden sẽ thế chỗ của Trump trong Nhà Trắng, nhưng tác động từ những quyết sách của Tổng thống Mỹ với thế giới có khả năng sẽ còn kéo dài nhiều năm tới. McGee cho rằng Biden có thể mất cả nhiệm kỳ để gỡ rối các quyết định được đưa ra chỉ trong vài ngày cuối của chính quyền tiền nhiệm.
Ánh Ngọc (Theo CNN) – VnExpress