Trung Quốc ‘đấu tay đôi’ với biến chủng Delta

Việc biến chủng Delta lây lan nhanh hơn và có thể giảm độ hiệu quả của vaccine buộc Trung Quốc phải cân nhắc điều chỉnh chiến lược chống Covid-19.

Tại miền nam Trung Quốc, chỉ vài ngày sau khi tỉnh Quảng Đông hồi cuối tháng 5 dập tắt thành công đợt bùng phát Covid-19 do biến chủng Delta gây ra, một nhân viên tại sân bay Thâm Quyến lại nhiễm biến chủng virus với khả năng lây truyền rất cao này.

Một ổ dịch mới xuất hiện, với 6 ca lây nhiễm cộng đồng được phát hiện ở Thâm Quyến và Đông Hoản. Tất cả đều có liên quan tới nhân viên sân bay có kết quả dương tính vào ngày 14/6.

Hôm 23/6, một cố vấn y tế của chính phủ Trung Quốc cho hay giới chức sẵn sàng “chiến đấu tay đôi” với chuỗi lây truyền bệnh này.

Xét nghiệm hàng loạt và truy vết tiếp xúc nhanh chóng được triển khai nhằm ngăn chặn virus lây lan, song các chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại về khả năng lây truyền mạnh mẽ của các biến chủng mới như Delta và nguy cơ vaccine có thể kém hiệu quả hơn đối với chúng.

Biến chủng Delta, được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ hồi tháng 10/2020, đã lây lan sang 92 quốc gia, vùng lãnh thổ và là nguyên nhân chính tạo nên làn sóng gia tăng ca nhiễm tại các quốc gia như Anh, Bồ Đào Nha, Nga, Indonesia và một số khu vực khác ở châu Á.

Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci gọi biến chủng này là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực của Mỹ nhằm xóa sổ Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết khả năng lây nhiễm của Delta cao hơn 40% so với Alpha, biến chủng đang chiếm đa số trên toàn thế giới và có khả năng lây truyền cao hơn 90% so với những chủng trước đó.

Tại Trung Quốc, Phùng Tử Kiện, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CCDC), cho hay thời gian ủ bệnh của biến chủng Delta ngắn hơn nhiều và có thể tạo ra 5 đến 6 chuỗi lây nhiễm chỉ trong vòng 10 ngày.

Theo một bác sĩ kiêm cố vấn y tế cho chính quyền thành phố Quảng Châu, nơi dịch bệnh khởi phát hồi tháng 5, các nhân viên y tế ở đây đứng trước áp lực rất lớn vì tốc độ lây truyền nhanh của biến chủng Delta. Điều này có nghĩa họ phải thay đổi một số biện pháp kiểm soát và điều chỉnh hóa chất được sử dụng trong các xét nghiệm nhanh.

Chia sẻ với hãng thông tấn Xinhua, Guan Xiangdong, một bác sĩ khác ở Quảng Châu, cho biết các ca bệnh trong đợt bùng phát mới nhất nghiêm trọng hơn so với những trường hợp lây nhiễm trước đây.

Song Dale Fisher, giáo sư tại Trường Y Yong Loo Lin Đại học Quốc gia Singapore, lưu ý rằng chưa thể kết luận biến chủng Delta có độc lực mạnh hơn.

“Đây mới chỉ là suy đoán. Nhưng giả định phổ biến là virus thực sự tăng khả năng lây truyền”, Fisher nói. “Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng khiến nó có vẻ nguy hiểm hơn”.

Theo giáo sư Jin Dong-yan, nhà virus học phân tử tại Đại học Hong Kong, việc kiểm soát biến chủng Delta có thể là một thách thức bởi không giống như những chủng cũ, những người trẻ tuổi giờ đây dễ bị nhiễm hơn.

“Biến chủng Delta dễ lây lan hơn và nó sinh sôi nhanh chóng trong đường hô hấp trên. Hậu quả là những người hay di chuyển, thậm chí cả người trẻ tuổi vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh cao”, Jin nhấn mạnh. “Điều này thực sự đang thay đổi mô hình bệnh nhân ở một mức độ nào đó và đặt ra thách thức mới cho nỗ lực khống chế đại dịch”.

Fisher lưu ý rằng việc số người trẻ tuổi xét nghiệm dương tính với biến chủng Delta tăng cao cũng có thể là kết quả của việc nhiều người lớn tuổi hơn đã được tiêm chủng.

“Vì vậy, cách chúng ta giải thích về những gì đang diễn ra bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố mà một năm trước chúng ta không có”, ông nói.

Những vaccine hiện hành có tác dụng chống lại các biến chủng virus đến đâu hiện cũng là mối quan tâm lớn khác. Nghiên cứu do cơ quan y tế Anh công bố ngày 22/5 cho thấy một liều vaccine AstraZeneca hay Pfizer làm giảm 33% nguy cơ phát triển các triệu chứng do biến chủng Delta gây ra, so với 50% đối với biến thể Alpha. Liều AstraZeneca thứ hai sẽ tăng khả năng bảo vệ trước biến chủng Delta lên 60% và 66% ở biến chủng Alpha. Hai liều Pfizer có hiệu quả 88% trước Delta và 93% trước Alpha.

Hiện chưa rõ hiệu quả của các vaccine Trung Quốc đối với biến chủng Delta như thế nào. Tuy nhiên, CCDC hồi đầu tháng cho biết ba ca nhiễm biến chủng Delta ở tỉnh Tứ Xuyên cho thấy vaccine có thể ngăn những ca bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

“Ngay cả những vaccine kém hiệu quả hơn như của Sinopharm hay Sinovac… cũng vẫn giảm được số ca bệnh nặng và tử vong dù chúng không thể ngăn chặn hoàn toàn chuỗi lây nhiễm”, giáo sư Jin từ Đại học Hong Kong nhận xét.

Ông thêm rằng nếu biến chủng Delta phát triển đến mức tránh được phản ứng miễn dịch thì các nhà sản xuất thuốc vẫn có thể điều chỉnh vaccine.

Theo Xinhua, các công ty dược phẩm Trung Quốc cho hay họ sẽ nghiên cứu thêm những loại vaccine mới chống lại các biến chủng lớn của virus.

Dù vậy, theo Jin, ổ dịch mới nhất vẫn đặt ra mối lo ngại về hiệu quả của vaccine trong việc ngăn chặn virus lây lan. Bởi vậy, Trung Quốc nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì các hạn chế biên giới nghiêm ngặt thêm ít nhất một năm, như một biện pháp phòng ngừa.

“Tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục đóng biên một thời gian nữa cho tới khi hoàn toàn tự tin”, ông bình luận.

Zhang Wenhong, trưởng khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Hóa Sơn thuộc Đại học Phục Đán, hôm 24/6 tại một hội thảo chuyên ngành hôm 24/6 cho hay những biện pháp như hạn chế biên giới, giãn cách xã hội vẫn là chìa khóa quan trọng trong chiến lược chống Covid-19 của Trung Quốc. Nhưng ông thêm rằng một số biện pháp kiểm soát có thể được nới lỏng nếu 80% dân số tiêm chủng, theo Caixin.

Fisher nhận định mối quan ngại lớn nhất trong mùa đông sắp tới sẽ nằm ở những nơi chú trọng vào các hạn chế biên giới thay vì tiêm chủng như Thái Lan. “Họ khống chế dịch bằng cách kiểm soát biên giới, nhưng biên giới của họ đã bị thủng rồi”, ông nói.

Vũ Hoàng (Theo SCMP) – VnExpress

Leave a Reply