Tương lai cho khủng hoảng Myanmar

Cộng đồng quốc tế có thể phối hợp hành động để tăng sức ép với chính quyền quân sự Myanmar, nhưng kỳ vọng thành công không lớn.

Hơn một tháng sau đảo chính hôm 1/2, Myanmar vẫn chìm sâu trong bất ổn, khi làn sóng biểu tình không có dấu hiệu hạ nhiệt và lực lượng an ninh tăng cường các biện pháp trấn áp.

Nehginpao Kipgen, phó giáo sư và giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Quan hệ Quốc tế Jindal ở Ấn Độ, cho biết quy mô của làn sóng biểu tình ở Myanmar lần này chưa từng có tiền lệ.

“Vẫn có chỗ cho đàm phán và hòa giải, nhưng không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta chứng kiến thêm những cuộc trấn áp bạo lực hơn với người biểu tình, dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn hơn”, ông nói.

Kể từ khi đảo chính xảy ra, ít nhất 27 người đã thiệt mạng và gần 2.000 bị bắt vì biểu tình, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Myanmar. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn không lắng xuống.

Hành động đàn áp mạnh tay của lực lượng an ninh Myanmar đã hứng chỉ trích và phản ứng quyết liệt từ cộng đồng quốc tế. Mỹ tuyên bố sẽ có thêm biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar trong những ngày tới, trong khi Bắc Kinh chỉ đơn thuần nói rằng tình hình hiện tại ở quốc gia Đông Nam Á này “hoàn toàn không phải những gì Trung Quốc muốn thấy”.

Kipgen cho rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng, cộng đồng quốc tế cần có cách tiếp cận phối hợp, bởi chỉ riêng lệnh trừng phạt của Mỹ hay châu Âu sẽ không đủ để gây sức ép với quân đội Myanmar, khi nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục quan hệ làm ăn với nước này.

Theo giới quan sát, điều quan trọng hiện tại là cộng đồng quốc tế cần phối hợp hành động và gia tăng áp lực lên chính quyền quân sự Myanmar, đặc biệt là từ Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, ASEAN cũng có thể đóng vai trò quan trọng để xoa dịu tình hình và giúp các bên hòa giải.

James Gomez, giám đốc khu vực của tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm châu Á ở Bangkok, cho rằng điểm then chốt nằm ở nỗ lực của khu vực, đồng thời nhận định cả Trung Quốc và Ấn Độ cần phải cân nhắc hành động nhiều hơn. Các quốc gia như Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nên “bắt đầu các biện pháp trừng phạt” thay vì chỉ là những lời lên án.

Hunter Marston, nhà phân tích chính trị ở Canberra, Australia, nhận định các biện pháp trừng phạt của Mỹ dù quan trọng cũng chỉ mang lại tác động nhỏ đối với quân đội Myanmar, trừ khi chúng được phối hợp cùng với các nhà đầu tư lớn của Myanmar như Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản.

“Phần khó khăn nhất là khiến quân đội Myanmar thừa nhận con đường sai lầm của họ và tìm cách giảm leo thang căng thẳng”, Marston nói.

Leif-Eric Easley, phó giáo sư về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul, Hàn Quốc, nhận định bất kỳ phản ứng quốc tế nào cũng cần ngắn gọn, sắc bén và đoàn kết nhất có thể. Theo ông, không có lý do gì để các quốc gia có đòn bẩy kinh tế lớn với Myanmar như Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản không tăng áp lực đối với tướng lĩnh quân đội nước này.

Ông cũng bác bỏ lập luận rằng việc gây sức ép với chính quyền quân sự Myanmar sẽ “đẩy họ vào vòng tay Trung Quốc. Chuyên gia này chỉ ra rằng chính các tướng lĩnh quân đội cách đây một thập kỷ đã quyết định “xa rời” Bắc Kinh vì ảnh hưởng của nước này đối với kinh tế và chính trị Myanmar.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích độc lập David Scott Mathieson nói rằng cộng đồng quốc tế có rất ít đòn bẩy đối với quân đội Myanmar, khi những lời lên án hay biện pháp trừng phạt không phải mối đe dọa quá xa lạ đối với quân đội nước này.

“Điều này không đồng nghĩa chúng ta nên từ bỏ nỗ lực, nhưng đừng giữ kỳ vọng quá lớn”, ông cảnh báo.

Đánh giá về kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) để đối đầu với chính quyền quân sự, Mathieson không cho rằng đây là kế hoạch tốt khi nhiều nghị sĩ đảng này đã bị bắt giam. Ông thậm chí cho rằng dù hiện tại lên án đảo chính, Liên Hợp Quốc vẫn có thể sẽ làm việc với chính quyền quân sự.

“Quân đội Myanmar đã từng cho thấy khả năng làm thuyết phục phương Tây và Liên Hợp Quốc. Họ biết tất cả từ đặc phái viên, báo cáo viên đặc biệt và các phái đoàn quân sự của tổ chức này”, Mathieson nói.

Kipgen nhận định việc NLD tự thành lập chính quyền song song có thể tăng thêm chia rẽ trong cộng đồng quốc tế. Ngay cả khi một “chính phủ lâm thời” được NLD lập ra, quân đội vẫn nắm quyền kiểm soát đất nước, ít nhất là các khu vực thành thị, trừ khi các tướng lĩnh “tự nguyện hợp tác với cộng đồng quốc tế hoặc họ bị thuyết phục từ bỏ”, nhưng khả năng này khó có thể xảy ra, theo Kipgen.

Thanh Tâm (Theo SCMP) – VnExpress

Leave a Reply