Kết quả đáng khích lệ về hiệu quả của vaccine từ những chiến dịch tiêm chủng hàng đầu của các nước như Israel, Anh giúp thế giới lạc quan đẩy lùi đại dịch.
Được ví như “phòng thí nghiệm vaccine” của thế giới, Israel là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng trên tổng số dân cao nhất toàn cầu, với 59% được tiêm ít nhất một liều vaccine Pfizer và 48% hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo dữ liệu của Our World in Data.
Quốc gia hơn 9 triệu dân đã khởi động chương trình tiêm chủng vào tháng 12 năm ngoái, theo một thỏa thuận hợp tác với Pfizer/BioNTech nhằm nghiên cứu hiệu quả của vaccine Covid-19.
Kết quả nghiên cứu được công bố tháng trước trên tạp chí y khoa New England cho thấy vaccine Pfizer có hiệu quả tới 94% trong việc ngăn ngừa triệu chứng Covid-19 và 92% đối với các ca bệnh nặng.
Tuy nhiên, phân tích mới nhất về những người tiêm vaccine dựa trên dữ liệu của Bộ Y tế Israel cho thấy vaccine Pfizer có thể ngăn ngừa nguy cơ nhiễm và tử vong do Covid-19 tới 97%, đồng thời hiệu quả đối với các ca nhiễm không triệu chứng cũng lên tới 94%.
“Điều này đã minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của vaccine Covid-19 trong cuộc chiến chống virus và khích lệ chúng tôi tiếp tục chiến dịch tiêm chủng của mình”, Giáo sư Yeheskel Levy, đại diện Bộ Y tế Israel, nói.
Israel có thể thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng là nhờ hệ thống y tế phổ cập và số hóa hiện có. Tất cả công dân đều đăng ký tham gia một trong 4 tổ chức y tế lớn của Israel. Mọi người đều được cấp mã số riêng, cho phép dễ dàng truy cập vào hồ sơ y tế điện tử. Hệ thống cũng cho phép nhân viên y tế liên tục cập nhật thông tin tiêm chủng của mỗi người, theo dõi tác dụng phụ và lên lịch cho mũi tiêm tiếp theo.
Giống nhiều quốc gia khác, giai đoạn đầu chiến dịch tiêm chủng của Israel cũng tập trung vào nhóm người trên 60 tuổi và nhân viên y tế. Tuy nhiên, họ có chính sách để tránh lãng phí vaccine thừa sau mỗi ngày hoặc mỗi tuần tiêm chủng, bằng cách tiêm cho bất kỳ ai ở gần đó.
Những kết quả đầy hứa hẹn mới đây đang mở ra hy vọng cho quốc gia Trung Đông này và cả thế giới về cuộc chiến chống đại dịch.
Anh từng hỗn loạn trong chiến lược chống dịch, nhưng giờ có thể tự tin sắp thoát khỏi Covid-19 nhờ “đặt cược” sớm vào vaccine. Cuối tháng trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson vạch ra một lộ trình có khả năng giúp nước này thoát khỏi phong tỏa trước cuối tháng 6. Sự tự tin của ông xuất phát từ chương trình triển khai vaccine Covid-19 của Anh tới nay diễn ra vô cùng tốt đẹp.
Anh khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới hồi tháng 12/2020, phần lớn sử dụng vaccine do hãng dược phẩm Anh – Thụy Điển AstraZeneca hợp tác phát triển cùng Đại học Oxford, cùng vaccine của hãng dược Mỹ Pfizer và công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech. Hơn 24,8 triệu người Anh đã tiêm ít nhất một liều vaccine và hơn 1,6 triệu người đã hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo Sky News.
Kết quả nghiên cứu của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) công bố hồi đầu tháng này chỉ ra vaccine Pfizer và AstraZeneca giúp giảm nguy cơ nhiễm Covid-19 cho nhóm người trên 70 tuổi.
Kể từ khi nghiên cứu bắt đầu hồi tháng 1, khả năng ngăn ngừa các triệu chứng Covid-19 của vaccine sau 4 tuần tiêm mũi đầu tiên dao động từ 57% tới 61% đối với Pfizer và 60% tới 73% đối với AstraZeneca.
Nghiên cứu được tiến hành dựa trên dữ liệu của hơn 7,5 triệu người cho thấy người tiêm vaccine ít có nguy cơ xuất hiện triệu chứng nặng hơn người chưa tiêm. Các nhà nghiên cứu ước tính chỉ một liều của hai loại vaccine trên có thể giúp ngăn nguy cơ nhập viện ở người cao tuổi lên tới 80% sau khoảng ba, bốn tuần tiêm. Và một mũi tiêm của vaccine Pfizer được cho có thể hiệu quả tới 85% trong việc ngăn nguy cơ tử vong ở người trên 80 tuổi.
“Chúng có thể giúp giải thích tại sao số ca bệnh chăm sóc đặc biệt trong nhóm tuổi trên 80 ở Anh đã giảm trong vài tuần qua”, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock nói hồi đầu tháng.
Dù nhiều quốc gia châu Âu và trên thế giới dừng sử dụng AstraZeneca sau khi một số người tiêm bị đông máu, Anh khẳng định vaccine Covid-19 của AstraZeneca “an toàn và hiệu quả” và sẽ tiếp tục chiến dịch tiêm chủng theo kế hoạch.
Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hôm 16/3 cho biết hơn 52% dân số đã được tiêm chủng vaccine Covid-19. Tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi và có bệnh mạn tính là 70,2%. Quốc gia Trung Đông này đã phân phối gần 7 triệu liều vaccine Covid-19 tại hơn 200 điểm tiêm chủng trên cả nước.
“Đây là bước đi tích cực giúp UAE nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới”, Bộ trưởng Y tế và Phòng ngừa Abdul Rahman Al Owais, nói. “Nó cũng là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của hệ thống y tế của UAE. Chúng tôi đang nỗ lực làm việc để có thể tiêm chủng cho 100% người dân”.
UAE hiện đang sử dụng chủ yếu vaccine ủa Sinopharm, Trung Quốc. Sau cuộc thử nghiệm với 31.000 tình nguyện viên tham gia, UAE cho biết vaccine Sinopharm có hiệu quả tổng thể 86% và có thể ngăn ngừa 100% triệu chứng Covid-19 từ trung bình tới nặng. Các cơ quan quản lý Trung Quốc cho biết hiệu quả của vaccine này là 79%.
Sau Israel, UAE và Anh, Chile cũng là quốc gia nằm trong nhóm đầu về tỷ lệ tiêm chủng. Với 26% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, quốc gia 19 triệu dân đang dẫn đầu chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ Latinh, chỉ đứng sau Israel, UAE và Anh nếu xét trên toàn cầu.
Bộ Tài chính Chile cho biết tính đến ngày 1/3 quốc gia này đã có thỏa thuận 14 triệu liều của Sinovac, 10 triệu liều từ Pfizer/BioNTech, bốn triệu liều của AstraZeneca và bốn triệu liều Johnson & Johnson. Quốc gia 19 triệu dân đặt mục tiêu tiêm chủng 80% dân số vào cuối tháng 6 tới.
Tuy nhiên, giữa lúc công tác tiêm chủng đạt thành tựu, Chile lại chứng kiến một trong những đợt bùng phát nCoV lớn nhất trong nhiều tháng. Hôm 6/3 là ngày thứ hai liên tiếp Chile ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm mới, tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trong vòng 9 tháng, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên gần 900.000, trong đó hơn 21.000 người thiệt mạng. 2/3 thủ đô Santiago cùng một số khu vực khác đang bị phong tỏa nghiêm ngặt.
Paula Daza, quan chức y tế hàng đầu Chile, cảnh báo mặc dù 26% dân số đã được tiêm một liều vaccine, người dân không nên lơi lỏng cảnh giác. Tâm lý mệt mỏi vì các lệnh hạn chế kéo dài cùng việc kỳ nghỉ hè ở Nam Bán cầu vừa kết thúc đồng nghĩa với nguy cơ các ca nhiễm tăng đột biến. Theo các cuộc khảo sát của Bộ Y tế Chile tại các trung tâm tiêm chủng và khu mua sắm, người dân coi tiêm vaccine là “kết thúc của thử thách”.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã phân phối hơn 109 triệu liều vaccine, trong đó 21% dân số đã tiêm ít nhất một liều và hơn 12% đã hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo Our World in Data.
Khi nhiều người Mỹ thúc đẩy trở lại cuộc sống bình thường, quan chức Mỹ đang nỗ lực để tăng tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ.
“Tất cả bằng chứng hiện nay đều cho thấy vaccine giúp làm giảm ca nhiễm không triệu chứng – nguồn gây lây nhiễm cao”, cựu ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và thành viên hội đồng quản trị Pfizer, cuối tuần qua nói.
Phân tích từ Đại học Johns Hopkins cho thấy ca nhiễm mới ở Mỹ tính tới ngày 13/3 giảm 11% so với tuần trước, tiếp tục đà giảm trong thời gian gần đây. Vùng dịch lớn nhất thế giới hiện ghi nhận hơn 30,1 triệu ca nhiễm và gần 550.000 ca tử vong do nCoV. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra xu hướng ca Covid-19 giảm ở Mỹ có phải nhờ chiến dịch tiêm chủng hay không.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố của Pfrizer và Moderna cho thấy người tiêm vaccine ít có nguy cơ làm lây lan virus nếu bị nhiễm cũng như ít có triệu chứng bệnh hơn so với người không tiêm. Ngay cả với vaccine AstraZeneca, số xét nghiệm dương tính giảm 67% với người mới tiêm một liều.
Dữ liệu trên “đặc biệt có ý nghĩa khi chúng ta tìm cách cắt đứt sự lây lan của virus trên toàn cầu”, Tiến sĩ Luis Jodar của hãng Pfizer, cho biết trong thông cáo báo chí.
Thanh Tâm (Theo WSJ, Guardian, NYTimes, CNBC, Vox) – VnExpress