Vì sao tuyên bố mới của Mỹ về Biển Đông có ý nghĩa quan trọng?

Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ giúp thiết lập cơ sở để Washington và các đối tác phản ứng mạnh hơn trước các hành động “phi pháp” của Trung Quốc ở Biển Đông trong tương lai.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 đưa ra tuyên bố khẳng định hầu hết yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là phi pháp, thu hút sự chú ý rộng rãi.

Đây là lần đầu tiên Washington đưa ra lập trường như vậy dù từng nhiều lần lên án tham vọng bành trướng chủ quyền của Bắc Kinh.

Trong bài viết trên website Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 14/7, chuyên gia Gregory Poling nói tuyên bố này là “sự minh định quan trọng về lập trường trước đây của Mỹ”, không phải là “sự xa rời căn bản với chính sách trong quá khứ”.

“Nó làm rõ những thứ mà các chính quyền (Mỹ) trước đây đã ngụ ý. Và thông qua đó, thiết lập cơ sở cho các thông điệp ngoại giao hiệu quả hơn và phản ứng mạnh mẽ hơn trước việc Trung Quốc sách nhiễu các nước láng giềng”, ông viết.

Đường lưỡi bò của Trung Quốc vô giá trị

Ông Poling, nghiên cứu viên cấp cao về Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại CSIS, cho biết tuyên bố của ông Pompeo không thay đổi quan điểm trung lập lâu nay của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Song tuyên bố đã đưa ra lập trường rõ ràng hơn về tranh chấp biển, liên quan đến chủ quyền đối với các vùng nước và đáy biển tại Biển Đông.

Tuyên bố thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với các nội dung trong phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA năm 2016.

Theo phán quyết này, Trung Quốc không có cơ sở để tuyên bố “các quyền lịch sử” ở Biển Đông; “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố là vô giá trị; không có thực thể nào ở Trường Sa hay bãi Scarborough có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế quá 12 hải lý.

Tuyên bố của Mỹ đã bám theo những kết luận này khẳng định Trung Quốc không có quyền đối với các vùng nước khác ở Biển Đông. Do đó, hầu hết tài nguyên ở Biển Đông thuộc về quốc gia ven biển gần nhất, bao gồm Việt Nam, Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines.

“Mỹ giờ đây tuyên bố rõ rằng việc Trung Quốc đánh bắt hải sản, khai thác dầu khí hay tiến hành các hoạt động kinh tế khác tại các khu vực đó, hoặc can thiệp quyền làm vậy của các nước láng giềng, là phi pháp”, ông Poling nói.

Phán quyết năm 2016 cũng kết luận rằng các thực thể như Đá Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây, là thực thể chìm dưới nước và do đó không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền.

“Điều này có nghĩa là Mỹ cho rằng toàn bộ căn cứ mà Trung Quốc xây dựng trên Đá Vành Khăn là phi pháp. Và Mỹ cũng xem nỗ lực của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền đối với các địa điểm tương tự khác là không có cơ sở”, ông Poling nói.

Tuyên bố có gì khác trước?

Theo chuyên gia CSIS, chính quyền Obama đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyền của của Philippines trong việc đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế. Sau này, chính quyền Obama cũng khẳng định phán quyết của tòa mang tính ràng buộc và kêu gọi hai bên tuân thủ.

Song không có ai trong chính quyền Mỹ khi đó hay trong 3 năm đầu chính quyền Trump thể hiện sự ủng hộ một cách rõ ràng đối với các nội dung cụ thể của phán quyết. “Đây là một lựa chọn tế nhị nhưng có tính toán”, ông Poling đánh giá.

Vị chuyên gia giải thích rằng các thành viên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đồng ý bị ràng buộc pháp lý bởi bất cứ xét xử bằng tòa trọng tài mà họ tham gia.

Song điều đó không mặc nhiên mang lại cho các phán quyết này sức nặng của “luật quốc tế” thông thường.

Do đó, các quan chức Mỹ trước kia đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết, nhưng họ cũng tránh nói thẳng rằng các hành động cụ thể của Trung Quốc vi phạm phán quyết là “phi pháp”.

Washington chỉ sử dụng từ này với một số yêu sách nhỏ của Trung Quốc mà vi phạm trực tiếp quyền tự do hàng hải của Mỹ theo luật tập quán quốc tế. Chúng bao gồm đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc đòi yêu sách đối với quần đảo Hoàng Sa đang chiếm đóng phi pháp của Việt Nam, hay việc Trung Quốc đòi hỏi các bên phải báo trước về hoạt động qua lại vô hại.

Dù Mỹ thường xuyên chỉ trích Trung Quốc vì đánh bắt, khai thác dầu khí và sách nhiễu láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, nói những hành động này là “hung hăng” hay “gây mất ổn định”, Mỹ chưa bao giờ nói những hành động này là “phi pháp”.

“Các chính quyền Mỹ trước đây có xem các hành động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa láng giềng là phi pháp hay không? Gần như chắc chắn là vậy. Nhưng họ không công khai nói vậy cho đến bây giờ”, ông Poling nói.

Tác động của chính sách mới

Bản thân tuyên bố mới, theo ông Poling, có thể đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đối phó với Trung Quốc hay huy động sự ủng hộ đối với các đối tác của Mỹ về lâu dài.

Tác động tức thì nhất của tuyên bố là trên mặt trận ngoại giao, việc tập hợp sự ủng hộ của quốc tế chống lại các hoạt động “phi pháp” dễ dàng hơn nhiều so với các hoạt động chỉ bị coi là gây phiền nhiễu hoặc gây bất ổn.

Tuyên bố cũng gây tổn hại lớn hơn cho một quốc gia mong muốn trở thành lãnh đạo toàn cầu bị cáo buộc vi phạm thô bạo luật quốc tế, ông Poling nói.

Các quan chức Mỹ có thể dùng ngôn từ mạnh mẽ hơn này trong tuyên bố tại các diễn đàn quốc tế và gây áp lực lên các đối tác và đồng minh để họ làm điều tương tự.

Việc này có thể xảy ra không chỉ tại các hội nghị khu vực như Cấp cao Đông Á (EAS), mà trong các cơ chế như nhóm Quad (Bộ Tứ Kim Cương), nhóm G-7, cũng như trong nhiều cuộc họp song phương hay ba bên khác nhau.

Lần tới, nếu một tàu hải cảnh Trung Quốc hay đội tàu cá Trung Quốc xuất hiện và quấy nhiễu trong vùng biển nước khác, Mỹ có thể sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn để chỉ trích hành động phi pháp này. Và điều này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến uy tín quốc tế của Bắc Kinh.

Tổn thất kinh tế của Trung Quốc cũng có thể có. Bằng việc tuyên bố rất nhiều hoạt động trên biển của Trung Quốc là bất hợp pháp, chính quyền Mỹ đã thiết lập cơ sở cho các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và thực thể Trung Quốc trong tương lai.

David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đã khẳng định phương án trừng phạt “đang ở trên bàn”.

Tuyên bố chắn chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Song về lâu dài, theo ông Poling, khi có chính sách phối hợp rộng hơn để gây áp lực với Bắc Kinh và liên minh quốc tế lớn hơn để hỗ trợ các nước ở Đông Nam Á, Trung Quốc có thể buộc phải đi đến một thỏa hiệp mà cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận.

“Và đó cuối cùng là cơ hội tốt nhất để xử lý hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông”, chuyên gia CSIS kết luận.

Đông Phong – Zing

Leave a Reply