Hơn một thế kỷ trước, dịch hạch Mãn Châu (Trung Quốc) có nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu. Một thế giới chưa có WHO đã phải làm gì để ngăn chặn viễn cảnh tăm tối này?
Khởi phát vào năm 1910 và hoành hành suốt một năm sau đó, dịch hạch Mãn Châu đã cướp đi sinh mạng của khoảng 63.000 người tại vùng Đông Bắc của Trung Quốc.
Dịch bệnh này nhận được sự chú ý của dư luận quốc tế sau khi tấn công thủ phủ Cáp Nhĩ Tân, thuộc tỉnh Hắc Long Giang ngày nay.
Dịch bệnh khởi phát
Thành phố Cáp Nhĩ Tân ngày đó là một phần của Mãn Châu, khu vực nông nghiệp rộng lớn với dân cư thưa thớt. Trung Quốc nắm quyền cai quản phần lớn vùng đất này trong khi Nhật Bản kiểm soát cảng biển Đại Liên còn Nga quản lý hệ thống đường sắt.
Là một thành phố hội nhập, Cáp Nhĩ Tân được nhiều người Nga, Mỹ, Nhật và châu Âu lựa chọn làm nơi cư trú để tham gia các hoạt động giao thương liên quan đến Tuyến đường sắt Đông Trung Quốc (CER).
Buôn bán lông thú là một hoạt động thương mại phổ biến tại Cáp Nhĩ Tân lúc đó, đồng thời được cho là nguồn gốc của dịch hạch chết người.
Ở thời điểm này, nhiều thương nhân ưa chuộng bộ lông của loài rái cá cạn vì giá thành phải chăng và chất lượng tốt. Rái cá cạn bỗng trở thành mặt hàng có giá trị nên thợ săn địa phương đổ xô đi tìm lông của chúng, không chừa cả những con bị bệnh.
Dù không thể xác định chính xác thời điểm dịch bùng phát, một nhóm bác sĩ người Nga ở Mãn Châu đã phát hiện nhiều người bị sốt cao và ho ra máu. Theo ghi chép của họ, các triệu chứng sớm dẫn đến tử vong.
Chẳng bao lâu sau, thi thể người bệnh nằm la liệt trên đường phố Mãn Châu trong khi các toa tàu chở hàng biến thành khu vực cách ly. Giống như việc virus corona lây lan trên các chuyến bay thời nay, tàu hoả trở thành nơi truyền nhiễm dịch hạch vào năm 1911.
Sợ hãi dịch bệnh, người dân vội vã lên tàu rời Cáp Nhĩ Tân. Song đây cũng chính là sai lầm khiến dịch hạch lan tới nhiều thành phố lớn như Thiên Tân, Bắc Kinh và Vũ Hán. Đến ngày 8/11/1910, Cáp Nhĩ Tân ghi nhận 5.272 trường hợp tử vong vì dịch hạch.
Trung Quốc gồng mình chống dịch
Dù có nhiều hạn chế về mặt hậu cần ở đầu thế kỷ XX, Trung Quốc vẫn ứng phó nhanh chóng bằng nhiều biện pháp như cách ly, phong toả và truy tìm người từng tiếp xúc với bệnh nhân.
Trung tâm kiểm dịch được thiết lập trong những toa tàu chở hàng. Nếu một người nhiễm bệnh, cả toa tàu xem như “không cứu được” và có tỷ lệ tử vong gần bằng 100%. Chính quyền địa phương không cho phép chôn cất thi thể bệnh nhân, thay vào đó là hoả táng tập thể.
Tại Cáp Nhĩ Tân, bác sĩ Wu Lien Teh, từng tốt nghiệp Đại học Cambridge, được giao trọng trách khống chế dịch bệnh. Sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi, ông Wu xác định đây là bệnh dịch hạch thể viêm phổi, đồng thời khuyến cáo người dân đeo khẩu trang.
Đến năm 1911, Trung Quốc huy động nhiều chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới đến Cáp Nhĩ Tân nghiên cứu. Nhiệm vụ của bác sĩ Wu và các chuyên gia là ngăn chặn dịch trước Tết Nguyên đán, thời điểm người dân đi lại nhiều, có thể biến dịch hạch thành đại dịch toàn cầu.
Chính quyền Mãn Châu áp dụng nhiều biện pháp kiểm dịch hà khắc nhưng không kém phần hiệu quả: một nhà trọ có thể bị thiêu rụi nếu phát hiện ca nhiễm bệnh. Nhiều biện pháp cách ly, phong toả, hạn chế đi lại và đeo khẩu trang cũng được áp dụng, giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm tại Cáp Nhĩ Tân.
Để giải quyết dịch lây lan trên các tuyến đường sắt, giới chức thành phố cảng Đại Liên tích cực giám sát và kiểm tra hành khách, tạm ngừng các tuyến đường sắt và yêu cầu tàu bè không được rời cảng.
Dù số ca nhiễm vẫn tăng ở khu vực Mãn Châu, bác sĩ Wu tuyên bố kiểm soát được dịch bệnh vào tháng 1 năm 1911.
Hợp tác quốc tế và bài học cho thời Covid-19
Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, Trung Quốc tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm tìm hiểu nguyên nhân và thảo luận các biện pháp phòng chống dịch. Bất chấp nhiều rủi ro về mặt chính trị, Trung Quốc vẫn thúc đẩy thành công cuộc họp trong khi các bên tham gia cam kết chỉ tập trung vào nghiên cứu khoa học, bỏ qua yếu tố chính trị.
Ngày 3/4/1911, cung điện Thiệu Hoà Ích ở Thẩm Dương (Trung Quốc) trở thành trung tâm hội nghị với nhiều phòng họp, phòng thí nghiệm và khu lưu trú cho các đại biểu quốc tế. Ngoài đại diện từ nhiều cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, các nước như Italy, Mexico, Hà Lan, Đức, Áo-Hung cũng cử chuyên gia đến tham dự.
Hội nghị kết thúc vào ngày 28/4/1911 và đưa ra nhiều kết luận cũng như giải pháp khoa học liên quan tới dịch hạch Mãn Châu.
Đây cũng là thời điểm mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa được thành lập nên việc kiểm soát dịch bệnh là trách nhiệm riêng của mỗi quốc gia. Song hội nghị Thẩm Dương đã làm nổi bật tầm quan trọng của hợp tác liên chính phủ, đề cao nhu cầu về một tổ chức y tế chung.
Giáo sư, nhà sử học William Summers của ĐH Yale (Mỹ) nhận định dịch không lây lan ra ngoài biên giới Trung Quốc là nhờ vào sự phối hợp hiệu quả giữa các quốc gia.
“Một thành công hiếm thấy đến từ kiến thức đúng đắn, nguồn lực hợp lý và đối tượng phù hợp. Những yếu tố này không phải lúc nào được đảm bảo khi thế giới đối diện với đại dịch”, ông Summers chia sẻ.
Những biện pháp kiểm soát Covid-19 dường như mô phỏng lại nỗ lực của Trung Quốc hơn một thế kỷ trước. Song thế giới ngày nay đang trở nên chia rẽ và phân cực hơn bao giờ hết.
WHO hứng trọn nhiều chỉ trích, nạn phân biệt chủng tộc ngày càng sâu sắc, các nước lớn cạnh tranh nguồn lực và ảnh hưởng trong khi nhiều nước nhỏ vật lộn với rủi ro bủa vây.
Triển vọng về một nỗ lực phi chính trị, như hội nghị Thẩm Dương năm 1911, là điều xa vời trong bối cảnh các cường quốc không quan tâm đến hợp tác quốc tế.
Theo lời bình của CNN, một hội nghị mở, nơi giới khoa học chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về Covid-19, chính là điều chúng ta đang cần.
Uyên Uyên theo CNN – Zing