Giữa lúc nhiều người Brazil vẫn tiệc tùng, một quan chức cảnh báo “không có giường ICU cho bố mẹ, dì, con trai, hay bạn gái” của mọi người.
Người đưa ra cảnh báo là Fernando Maximo, lãnh đạo cơ quan y tế bang Rondonia, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 tại Brazil. Cách đó hơn 1.600 km, Andre Motta, lãnh đạo y tế bang Santa Catarina, cũng truyền đi thông điệp tương tự. “Chúng tôi sắp đến giới hạn!”.
Trong khi đó, Thống đốc bang Bahia Rui Costa cho hay “Brazil sẽ rơi vào hỗn loạn trong hai tuần nữa”.
Phần lớn thế giới đang áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc thúc đẩy tiêm vaccine Covid-19 nhằm kiểm soát đại dịch, nhưng tình hình tại Brazil lại trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Số người chết vì nCoV trung bình tuần qua khoảng 1.208 người/ngày, mức kỷ lục mới.
Tỷ lệ sử dụng giường bệnh cũng đang chạm ngưỡng cao nhất. Hệ thống y tế tại hơn một nửa trong số 26 bang đã hoặc gần hết công suất. Công tác chống dịch còn đặc biệt phức tạp do một biến chủng nCoV, với khả năng lây lan nhanh và có thể nguy hiểm hơn, đang truyền nhiễm khắp đất nước.
Ngay từ đầu đại dịch, tình hình Brazil đã nghiêm trọng hơn so với hầu hết thế giới. Dưới sự lãnh đạo hỗn loạn của Tổng thống Jair Bolsonaro, Brazil quay cuồng trong những cuộc đấu đá nội bộ, được cho là do đội ngũ có chuyên môn yếu kém, khiến đất nước không thể tự thoát ra khỏi vực thẳm.
Hơn 250.000 người Brazil đã chết vì Covid-19, khiến nước này trở thành vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng đang sa lầy trong tình trạng thiếu hụt và chậm trễ.
“Với tình hình này, nếu không hành động, đến tháng 3 mọi người sẽ tranh giành nhau cả giường bệnh lẫn mộ trong nghĩa trang. Chúng tôi sẽ cần mở nghĩa trang mới để chôn cất các thi thể”, Domingos Alves, chuyên gia tại Đại học Sao Paulo, nhận định.
Giới phân tích y tế cảnh báo đại dịch ở Brazil có nguy cơ tác động đáng kể lên toàn cầu. Theo họ, Brazil đã cho thấy khả năng sản sinh thêm nhiều biến chủng nCoV mới, có thể nguy hiểm hơn. Biến thể có tên P.1, được phát hiện đầu năm nay, đã tàn phá thành phố Manaus ở vùng Amazon, khiến số người chết hai tháng đầu năm tăng vọt.
“Nếu Brazil không kiểm soát virus, đây sẽ trở thành phòng thí nghiệm biến chủng nCoV lớn nhất thế giới”, Miguel Nicolelis, nhà dịch tễ học tại Đại học Duke ở Mỹ, đánh giá. “Brazil không chỉ có thể là tâm của đại dịch, mà còn có nguy cơ là trung tâm phát tán những biến chủng dễ lây nhiễm và chết chóc hơn. Vấn đề này thuộc về lợi ích của cả hành tinh”.
Brazil là quê hương của Nicolelis. Khi Covid-19 ập đến, ông đang có mặt tại đây để thăm mẹ. Chuyên gia này tin rằng ở Brazil ông có thể trợ giúp nhiều hơn so với Mỹ, nên quyết định ở lại làm tư vấn và nghiên cứu số liệu. Giờ đây, thời khắc mà Nicolelis lo sợ và dự đoán từ lâu đã đến, khi virus tràn ngập mọi ngóc ngách của đất nước, đẩy hệ thống y tế toàn quốc đến bờ vực.
“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Brazil 2/3 hệ thống y tế tại các thủ phủ sẽ sụp đổ cùng lúc. Ý tôi không phải là Manaus, mà là Sao Paulo, thành phố thịnh vượng nhất Nam Bán Cầu. Có lẽ hai tuần nữa họ sẽ sụp đổ”, Nicolelis nói.
Nicolelis và Alves đều kêu gọi phong tỏa toàn quốc ngay lập tức trong ba tuần nhằm tránh một thảm họa nhân đạo. “Chúng tôi sẽ không đủ khả năng xử lý các thi thể. Nếu không giải quyết vấn đề, đất nước sẽ lao xuống dốc. Lần này, tôi đảm bảo vực thẳm sẽ lớn hơn cả Brazil”, Nicolelis nói.
Tuy nhiên, việc phối hợp nỗ lực trên toàn quốc nhằm kiềm chế virus dường như bất khả thi. Tổng thống Bolsonaro gần đây chỉ trích những biện pháp hạn chế do giới chức địa phương áp đặt, đồng thời bày tỏ bức xúc về tác dụng phụ của việc sử dụng khẩu trang.
“Chúng có thể gây hại cho trẻ em. Tác dụng phụ của khẩu trang đang bắt đầu xuất hiện”, Bolsonaro cho biết tuần trước, nói thêm rằng các tác dụng phụ bao gồm gây tức giận, đau đầu và khó tập trung.
Một số thành phố đã áp đặt các hạn chế mới, như lệnh giới nghiêm ở Brasilia và yêu cầu đóng cửa những doanh nghiệp không thiết yếu tại Porto Alegre. Các nhà phân tích y tế đánh giá chừng đó vẫn chưa đủ, nhưng giới lãnh đạo vô cùng do dự đóng cửa hoàn toàn.
Tỷ lệ thất nghiệp của Brazil đang lên đến đỉnh điểm và hàng triệu người dân bị đẩy vào cảnh nghèo đói. Các khoản thanh toán tiền mặt khẩn cấp mà chính phủ liên bang đưa ra năm ngoái đã bị cắt. Đối với một quốc gia đau đầu vì nạn bất bình đẳng và bất ổn xã hội như Brazil, lệnh phong tỏa mà không có trợ cấp có thể dẫn đến nạn đói và bạo lực.
Ligia Bahia, giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro, cho rằng thảm kịch của Brazil là hệ quả của việc sự nghi ngờ chiến thắng lý lẽ, chính trị đặt lên trên khoa học. “Chúng tôi đã thua. Giới khoa học chúng tôi đã thua, dẫn đến kết quả là mọi sự phân cực như hiện nay”, bà nói.
Bahia đánh giá chính phủ và người dân Brazil vẫn còn thời gian để hành động. Họ từng sở hữu một trong những chương trình tiêm chủng hiệu quả nhất trong số các nước đang phát triển, có khả năng tiêm cho hàng triệu người mỗi ngày. Phần lớn dân chúng sẵn sàng tiêm và vaccine cũng đã tới nơi.
Tuy nhiên, Bahia vẫn lo lắng về viễn cảnh trong những tuần tới. “Tình hình chắc chắn sẽ tồi tệ hơn”, bà dự đoán.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post) – VnExpress