Tòa án Hàn Quốc mới ra phán quyết đòi Nhật Bản bồi thường cho các nô lệ tình dục trong Thế chiến 2. Động thái này được cho là có thể làm xấu đi mối quan hệ vốn đang căng thẳng.
“Phụ nữ giải khuây” là cụm từ dùng để chỉ những phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong Thế chiến 2, khi Nhật Bản chiếm đóng nước này. Những người này được cho từng làm việc trong hệ thống nhà thổ của quân đội Nhật vào thời điểm đó.
Hôm 8/1, tòa án Hàn Quốc yêu cầu chính phủ Nhật Bản bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân đó.
Đây là lần đầu tiên phán quyết như vậy được đưa ra tại Hàn Quốc.
Japan Times nhận định phán quyết này chắc chắn sẽ làm căng thẳng thêm vấn đề bồi thường lao động thời chiến và các vấn đề khác trong mối quan hệ hai nước.
Phán quyết lịch sử
Những người ủng hộ đòi công bằng cho các nô lệ tình dục ca ngợi đây là phán quyết “vĩ đại”.
Trả lời báo giới, một luật sư của nguyên đơn cho rằng việc bồi thường thiệt hại là điều đương nhiên.
Về phía Nhật Bản, Bộ Ngoại giao nước này ngay lập tức phản đối phán quyết của tòa án Hàn Quốc.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takeo Akiba triệu tập Đại sứ Hàn Quốc Nam Gwan Pyo. Ông Akiba cho rằng phán quyết nói trên là “cực kỳ đáng tiếc” và “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, theo chính phủ Nhật Bản.
Katsunobu Kato, phát ngôn viên cấp cao của chính phủ Nhật Bản, cho biết nước này sẽ không kháng cáo phán quyết vì làm như vậy sẽ đặt Nhật Bản dưới quyền tài phán của Hàn Quốc.
Tòa án ở Hàn Quốc cho biết quyền miễn trừ quốc gia – tức quyền của một nhà nước được miễn trừ khỏi thẩm quyền của tòa án nước ngoài – không thể được áp dụng cho vụ việc này.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản cho rằng vụ kiện nên được bác bỏ dựa trên quyền miễn trừ quốc gia. Phía Nhật Bản cũng từ chối liên quan đến vụ kiện. Đại diện nước này cũng không tham dự các phiên tòa xét xử vụ án.
Cùng với việc bác bỏ việc áp dụng quyền miễn trừ quốc gia đối với vụ việc, tòa án ở Hàn Quốc cho rằng chính phủ Nhật Bản đã “vi phạm các chuẩn mực quốc tế bằng việc thực hiện hành vi phạm tội vô nhân đạo có chủ đích, có hệ thống và trên diện rộng”.
Cuộc chiến pháp lý kéo dài
Trong đơn kiện, các nguyên đơn cho rằng việc họ bị huy động và bị đối xử như những nô lệ tình dục là “hành động phạm tội vô nhân đạo”. Họ yêu cầu tòa án không áp dụng quyền miễn trừ quốc gia đối với vụ kiện này.
Các nguyên đơn bao gồm cả người sống và người đã khuất. Trong đó, bà Lee Ok Son, nay đã 90 tuổi, từng sống với những “phụ nữ giải khuây” khác trong nhà tập thể ở ngoại ô thủ đô Seoul.
Đây là nơi ở của những nô lệ tình dục làm việc trong các nhà thổ của Nhật thời Thế chiến 2.
Vào tháng 8/2013, những người phụ nữ này đệ đơn lên tòa án hòa giải để yêu cầu chính phủ Nhật Bản bồi thường thiệt hại 100 triệu won (92.000 USD) cho mỗi người.
Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản từ chối hòa giải, vụ án được tiến hành xét xử chính thức.
Tòa án ở Seoul dự kiến đưa ra phán quyết về vụ kiện tương tự vào ngày 13/1. Trong vụ kiện đó, 20 nguyên đơn bao gồm cả gia đình tang quyến của một số nô lệ tình dục yêu cầu chính phủ Nhật Bản bồi thường 3 tỷ won (hơn 2,7 triệu USD).
Vấn đề nô lệ tình dục Hàn Quốc trong Thế chiến 2 từ lâu trở thành nguồn gốc căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Vào tháng 12/2015, hai nước đạt được thỏa thuận để giải quyết tranh chấp “lần cuối cùng và không thể đảo ngược”.
Theo thỏa thuận này, khoản tiền 1 tỷ yen (9,68 triệu USD) của chính phủ Nhật Bản được sử dụng để bồi thường cho những phụ nữ từng là nô lệ tình dục và gia đình của những nô lệ đã mất.
Tuy nhiên, một số nguyên đơn từ chối chấp nhận khoản tiền này. Thay vào đó, họ yêu cầu chính phủ Nhật Bản chính thức xin lỗi và bồi thường.
Ngoài vụ kiện của nô lệ tình dục, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang vướng vào tranh chấp đối với các phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2018. Theo phán quyết này, các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho người Hàn Quốc vì cưỡng bức lao động trong giai đoạn 1910-1945, khi Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên.
Các tranh chấp nói trên có thể làm xấu đi mối quan hệ song phương Hàn Quốc – Nhật Bản vốn đang ở mức thấp trong lịch sử.
Tòa án ở Hàn Quốc đang tiến hành thủ tục để có thể thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản, nhằm lấy tiền bồi thường cho các nguyên đơn.
Nhật Bản cho biết tất cả yêu sách liên quan đến chế độ thuộc địa của nước này đã được giải quyết bằng thỏa thuận song phương năm 1965. Theo đó, phía Nhật Bản đã cung cấp viện trợ tài tính cho Seoul, đồng nghĩa với việc vấn đề bồi thường đã được giải quyết “hoàn toàn và dứt điểm”.
Hương Ly – Zing