Một lớp học về giáo dục giới tính ở Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2018. Ảnh: CNN.
TRUNG QUỐC – Trong lần đi chụp X-quang ở bệnh viện, người phụ nữ 25 tuổi ở Chiết Giang mới phát hiện mình sinh ra mang giới tính nam.
Pingping, tên đã được thay đổi, gần đây đến bệnh viện chụp X-quang do bị trật mắt cá chân. Sau khi chụp chiếu và phát hiện xương của cô không phát triển từ thời niên thiếu, bác sĩ tìm hiểu thêm và phát hiện ra Pingping chưa bao giờ có kinh nguyệt.
Cô thừa nhận đã giấu giếm chuyện không có kinh nguyệt vì xấu hổ. “Lúc nhỏ tôi được mẹ đưa đi khám bác sĩ. Bác sĩ nói tôi chỉ phát triển giới tính chậm hơn người khác và có thể thấy kinh trong vài năm tới”, cô cho hay. “Sau này lớn lên, tôi thấy chuyện này khá xấu hổ nên không xem trọng”.
Dù vậy, Pingping không có lý do gì để nghi ngờ giới tính của mình, bởi cô vẫn có bộ phận sinh dục nữ, Bệnh viện trực thuộc Đại học Y, Đại học Chiết Giang cho biết trong thông báo trên WeChat tuần này.
Khi khám bác sĩ nội tiết, Ping Ping hỏi: “Vợ chồng tôi đã tìm mọi cách có con suốt một năm qua nhưng vô ích. Điều này có liên quan độ tuổi xương và việc tôi không có kinh nguyện không?”.
Kết quả xét nghiệm cho thấy cô bị huyết áp cao và hạ kali trong máu, triệu chứng điển hình của bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, có thể dẫn đến rối loạn phát triển giới tính. Các bác sĩ cho biết điều này có thể do cha mẹ cô có quan hệ họ hàng gần.
Bác sĩ nội tiết Dong Fengqin cho biết xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ của cô là 46, XY, thường thấy ở nam giới có cơ quan sinh dục không rõ là nam hay nữ. Pingping không có tử cung hoặc buồng trứng, nhưng cũng không có cơ quan sinh dục nam.
“Chúng tôi cũng không phát hiện tinh hoàn ẩn trong cơ thể cô ấy. Có lẽ do cô ấy đã đủ lớn và nó đã bị thoái hóa, teo đi”, bác sĩ Dong nói.
Huyết áp và nồng độ kali trong máu đã được kiểm soát, nhưng Pingping vẫn chưa quyết định sẽ chọn giới tính nào cho mình. Các bác sĩ cho rằng điều quan trọng nhất bây giờ là Pingping phải xây dựng lại bản sắc giới tính của mình.
“Đó sẽ là quá trình khó khăn, cần can thiệp tâm lý, nhưng Pingping hiện vẫn chưa yêu cầu chúng tôi giúp đỡ”, Hu Shaohua, phó giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tâm thần của bệnh viện, nói. “Đáng lẽ họ phải đi khám từ nhiều năm trước. Điều này cho thấy họ thiếu kiến thức giới tính nghiêm trọng đến mức nào”.
Theo Hu, việc cha mẹ Pingping kết hôn cận huyết và sự thiếu hiểu biết của họ về tình trạng con gái cho thấy tính cấp thiết của giáo dục giới tính ở Trung Quốc. Sách giáo khoa Trung Quốc có các bài học về sức khỏe giới tính, nhưng giáo viên sinh học thường bỏ qua hoặc xem nhẹ chúng.
Từ tháng 6, luật bảo vệ trẻ vị thành niên được sửa đổi gần đây sẽ yêu cầu các trường học và nhà trẻ Trung Quốc giáo dục giới tính “phù hợp lứa tuổi”.
Huyền Lê (Theo SCMP) – VnExpress