Công ty rượu Mao Đài Quý Châu có định giá lên đến 421 tỷ USD, vượt xa 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc và Coca-Cola, nhà sản xuất nước giải khát lớn nhất thế giới.
Khi Costco – hệ thống bán lẻ nổi tiếng nước Mỹ – mở siêu thị đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2019, đông đảo người tiêu dùng đổ xô đến mua sắm các sản phẩm khuyến mãi nhân dịp khai trương.
Điều đặc biệt là không chỉ món gà rôti trứ danh hay những chiếc túi Birkin giảm giá thu hút đám đông cuồng nhiệt. Một loại rượu nóng rát cổ họng có xuất xứ từ Trung Quốc cũng mau chóng hết sạch hàng trên các kệ.
Với giá khoảng 1.498 NDT, tương đương 209 USD/chai 0.5l, rượu Mao Đài Quý Châu có giá khá cao so với mức chi trả của đa số khách hàng bình dân tại Costco. Tuy nhiên, giá này đã được giảm mạnh so với mức thông thường của loại rượu nổi tiếng.
Theo CNN, thậm chí rượu Mao Đài Quý Châu được người dùng Trung Quốc ưa chuộng đến nỗi có tiền cũng chưa hẳn mua được, vì chúng thường xuyên cháy hàng dù mới mở bán.
Thắng đậm trong dịch Covid-19
Ngay cả trong thời điểm đại dịch lây lan toàn cầu, Mao Đài Quý Châu vẫn “thắng đậm”. Giá cổ phiếu Mao Đài Quý Châu tăng 70% tại Thượng Hải trong năm 2020. Công ty này hiện được định giá 421 tỷ USD.
Mao Đài Quý Châu, có một phần vốn thuộc sở hữu nhà nước, là công ty nằm ngoài lĩnh vực công nghệ có giá trị vốn hóa lớn nhất Trung Quốc. Để so sánh, giá trị của hãng rượu “quốc dân” vượt mặt IBCB, ngân hàng lớn nhất thế giới, và lớn hơn cả 4 ngân hàng lớn nhất tại Trung Quốc.
Trên phạm vi toàn cầu, giá trị vốn hóa của Mao Đài Quý Châu vượt xa các công ty rượu phương Tây nổi tiếng như Diageo và Constellation Brands. Công ty này cũng lớn hơn các thương hiệu tên tuổi như Toyota, Nike, Disney và Coca-Cola, hãng sản xuất đồ uống lớn nhất thế giới.
Ông Ben Cavender, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc, cho biết: “Bất cứ sản phẩm nào của Mao Đài Quý Châu tung ra thị trường đều sẽ được mua sạch gần như ngay lập tức. Mọi người điên cuồng vì nó”.
Tuy nhiên, ngoài cộng đồng người Trung Quốc và Hoa kiều, rượu Mao Đài gần như chưa được biết đến ở nước ngoài. Theo báo cáo tài chính của công ty, khoảng 97% doanh số của hãng rượu đến từ thị trường nội địa Trung Quốc.
Việc một công ty chỉ dựa vào một thị trường đơn lẻ nhưng lại xây dựng nên đế chế rượu vượt mặt nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới làm nhiều người bất ngờ.
Mặt khác, câu hỏi liệu rượu Mao Đài – thứ thức uống bị người dùng phương Tây chê là “cay xé lưỡi và họng” – có thể thành công thu hút khách hàng bên ngoài Trung Quốc hay không, cũng khiến nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Mao Đài Quý Châu có một lợi thế không thể tranh cãi khi được xem là loại thức uống “quốc hồn” của Trung Quốc. Rượu trắng Mao Đài (baijiu) là loại rượu mạnh với 53% độ cồn. Những chai rượu “Phi Thiên” màu đỏ trắng đặc trưng của hãng thường xuyên xuất hiện trong các bữa tiệc, sự kiện kinh doanh hoặc hội nghị của quan chức Trung Quốc.
Quốc tửu
Ngoài ra, rượu Mao Đài Quý Châu còn là thức uống ngoại giao của Trung Quốc. Loại rượu quý này từng được lãnh đạo Trung Quốc mang ra chiêu đãi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong chuyến công du lịch sử của ông đến Trung Quốc năm 1972. Năm 2013, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama tại California, rượu Mao Đài lần nữa được tiếp đãi các nguyên thủ quốc gia.
Là một phần không thể thiếu của nhiều sự kiện lớn tại Trung Quốc, Mao Đài “đã đặt thương hiệu của mình vào tâm thức quốc gia”, ông Cavender nói. Ngày nay, rượu Mao Đài được xem như biểu tượng cho địa vị và sự sang trọng trong xã hội Trung Quốc.
Nhiều khách hàng mua rượu Mao Đài không phải để uống mà để bán lại kiếm lời. Theo công ty đấu giá Christe’s, một số chai rượu Mao Đài phiên bản giới hạn có giá trị lên tới hơn 40.000 USD/bình. Như vậy, rượu Mao Đài vừa có thể tiếp cận nhiều người tiêu dùng thông thường, đồng thời cung cấp các sản phẩm sưu tầm trị giá hàng chục nghìn USD cho những nhà sưu tập siêu giàu có.
Rượu Mao Đài “đã đặt thương hiệu của mình vào tâm thức quốc gia”.
Ben Cavender, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc
“Đây là điều khiến Mao Đài khác biệt so với những hãng rượu khác”, ông Cavender nói. Ông cho biết thêm trong một năm kinh tế khó khăn và chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, giới nhà giàu Trung Quốc ít đi du lịch và chi tiêu nhiều cho các sản phẩm xa xỉ. Điều này giúp Mao Đài Quý Châu “thắng đậm” trong năm ngoái.
Cổ phiếu Mao Đài từ lâu đã là một mã blue-chip được các nhà đầu tư Trung Quốc ưa chuộng. Năm 2017, công ty vượt mặt Diego trở thành nhà sản xuất rượu lớn nhất thế giới dựa trên vốn hóa thị trường. Đến năm 2019, Mao Đài Quý Châu tiếp tục trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên có giá cổ phiếu vượt 1.000 NDT (145 USD) kể từ năm 2005.
Năm ngoái, hãng rượu quốc dân Trung Quốc trở thành công ty lớn thứ ba tại Trung Quốc sau Tencent và Alibaba, và là công ty ngoài lĩnh vực công nghệ có giá trị lớn nhất thị trường. Cổ phiếu hãng rượu cũng tăng trưởng kỷ lục 69% trong cùng năm.
Ông Hao Hong, trưởng nhóm nghiên cứu tại BOCOM International, nhận định: “Mọi người đang dần nhận ra khả năng sinh lời mạnh và không có rủi ro về nợ của công ty này”.
Bong bóng đang phình to?
CNN dẫn lời ông Xian Li, 66 tuổi ở Thượng Hải, cho biết ông mua cổ phiếu Mao Đài Quý Châu từ năm 2004, chỉ 3 năm sau khi công ty này chính thức lên sàn. Ông nói rất hào hứng đầu tư vào hãng rượu bởi ngay từ những ngày đầu tiên công ty đã rất minh bạch về sức khỏe tài chính. Giờ ông hưởng lợi lớn.
Đến nay, ông Li đã mua hơn 21.000 USD cổ phiếu Mao Đài Quý Châu. Khoản lợi tức nhận được giúp ông trang trải học phí đại học cho con trai. “Chỉ riêng khoản cổ tức mỗi năm cũng đủ để trang trải chi phí hàng ngày. Nó cũng giúp tôi trả các hóa đơn y tế và chi phí dưỡng lão”, ông Li nói. Ông không có ý định bán cổ phiếu.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như ông Li. Năm 2019, Allen Cheng, một chuyên gia phân tích cổ phiếu tại Morningstar, gây chú ý khi hạ xếp hạng cổ phiếu của Mao Đài Quý Châu. Ông Cheng nhận định triển vọng của công ty đang bị thổi phồng quá mức. “Tôi nghĩ đang có một bong bóng trong giá cổ phiếu hãng rượu”, ông nói.
Giống quan điểm của ông Cheng, một số chuyên gia Trung Quốc cũng cảnh báo nhà đầu tư về khả năng bong bóng chứng khoán vỡ vụn, có thể tạo hiệu ứng domino. Đây là điều đặc biệt đáng lo ngại trong một thị trường chứng khoán bị chi phối bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ như Trung Quốc.
Hồi năm 2017, các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu Mao Đài Quý Châu khiến giá lao dốc sau khi Tân Hoa xã khuyến cáo nhà đầu tư nên “có cái nhìn hợp lý hơn” về công ty. “Đầu cơ thiển cận sẽ gây ra thiệt hại to lớn”, Tân Hoa xã cảnh báo. Ngay lập tức, giá trị vốn hóa của Mao Đài Quý Châu bốc hơi 7,8 tỷ USD trong một ngày.
Từ đó đến nay, giá cổ phiếu Mao Đài tăng mạnh trở lại. Một trong những lợi thế lớn nhất của Mao Đài là khả năng giữ giá sản phẩm cao. Công ty cho biết chỉ có thể xuất xưởng một lượng sản phẩm nhất định bởi chỉ có một cơ sở sản xuất duy nhất. Do vậy, những chai rượu Mao Đài được tung ra thị trường có giá khá cao.
Theo South China Morning Post, một chai rượu Mao Đài có giá thấp nhất 1.800 NDT (gần 6 triệu VND). Có chai từng được bán với giá 8 triệu NDT (hơn 26 tỷ VND) trong một cuộc đấu giá.
Rượu Mao Đài cũng là tặng phẩm cao cấp được ưa chuộng và từng mang tai tiếng là luôn được dùng để hối lộ quan tham Trung Quốc. Năm 2013, doanh số rượu Mao Đài sụt giảm nghiêm trọng khi chính quyền Trung Quốc mở cuộc chiến chống tham nhũng.
Tìm đường xuất ngoại
Trong những năm gần đây, Mao Đài Quý Châu tiếp tục đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực từ nhiều vụ bê bối tham nhũng. Nhiều giám đốc điều hành hàng đầu của hãng rượu “quốc dân” đã bị cho thôi việc. Ngoài ra, mặc dù xưng bá tại thị trường nội địa, điểm yếu lớn nhất của Mao Đài là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Dù nỗ lực đẩy mạnh quảng bá ở nước ngoài, kết quả kinh doanh của Mao Đài Quý Châu tại các thị trường ngoài Trung Quốc vẫn không mấy khả quan. Đến năm 2019, khoảng 97% doanh thu rượu vẫn đến từ thị trường Trung Quốc. Ông William Dong – CEO Evershine Australia, công ty phân phối rượu Mao Đài ở Australia, New Zealand và Italy – cho biết nhiều khách hàng thậm chí không biết rượu trắng Trung Quốc là gì.
Nhiều khách hàng phương Tây không thích hương vị quá mạnh của rượu Mao Đài. “Các khách hàng nói với tôi rằng uống rượu Mao Đài không khác gì nuốt dao cạo râu bằng chất lỏng”, ông Spiros Malandrakis, đại diện hãng Euromonitor International, giải thích.
Theo ông Malandrakis, Mao Đài cần nỗ lực hơn nữa để đa dạng hóa thị trường. Ông chỉ ra các loại rượu mạnh nổi tiếng khác trên thế giới như vodka của Nga, bourbon của Mỹ hay tequila của Mexico đều vươn ra thế giới từ những thành công tại thị trường trong nước.
“Đó là chìa khóa tiếp cận thế giới và trở nên lớn mạnh một cách bền vững”, ông nhấn mạnh. Tất nhiên, quá trình này đối với Mao Đài không thể là một sớm một chiều.
Tuy nhiên, trước mắt sự mờ nhạt ở các thị trường nước ngoài không phải vấn đề đáng lo ngại với “quốc tửu” Trung Quốc. Theo Euromonitor, dù không được ưa chuộng trên trường quốc tế, Mao Đài Quý Châu lại là loại rượu bán chạy nhất thế giới trong năm 2019.
“Thị trường tiêu dùng Trung Quốc quá lớn và đang tiếp tục mở rộng hơn”, ông Cavender nhận xét. Thậm chí, những rào cản mà công ty đang đối mặt cũng không làm giảm vị thế thống trị của Mao Đài trên thị trường nội địa.
“Thương hiệu Mao Đài và di sản của nó là quá lớn, không công ty nào có thể sao chép được. Không hãng rượu nào có thể quay ngược thời gian và thuyết phục Mao Trạch Đông dùng thử sản phẩm của chúng”, ông Cavender nhấn mạnh.
Bùi Ngọc – Zing