MỸ – Nhiều tỷ phú sẵn sàng nộp phí 180.000 USD để được gia nhập hội kín R360 dành cho giới siêu giàu, nhưng không phải ai cũng được duyệt.
Hai tỷ phú vừa được giới thiệu vào R360, nhóm đầu tư, kết nối dành riêng cho những người có giá trị tài sản ròng ít nhất 100 triệu USD, với mức phí hội viên 180.000 USD cho ba năm. Tuy nhiên, cả hai người đều không được duyệt vì không đạt yêu cầu, theo Charles Garcia, một thành viên quản lý của nhóm.
“Tôi rất lấy làm tiếc”, Garcia, 60 tuổi, người thành lập Tập đoàn đầu tư tài chính Sterling vào cuối những năm 1990 kiêm chủ tịch mạng lưới người giàu Tiger 21 ở Nam Florida suốt nhiều năm, nói.
“Một người dường như chỉ muốn lợi dụng nhóm để tăng lợi ích cho hoạt động kinh doanh của riêng mình, người còn lại thì không muốn tương tác với các thành viên trong nhóm”, ông giải thích về quyết định từ chối cho hai tỷ phú gia nhập R360.
Cả hai ứng viên đều không phù hợp với giá trị cốt lõi của R360, nhóm đề cao các giá trị danh dự, bản lĩnh kinh doanh và tinh thần hào hiệp. Người đủ tiêu chí sẽ được mời tham gia hành trình trong ba năm để làm chủ 6 loại “vốn” gồm tài chính, trí tuệ, tinh thần, nhân văn, tình cảm và xã hội.
Trên thế giới có nhiều hội nhóm chính thức và phi chính thức dành cho các đại gia và R360 muốn tìm chỗ đứng trong đó. Trước họ, Tiger 21 có lẽ là nhóm nổi tiếng nhất với gần 1.000 thành viên và phí hội viên 30.000 USD một năm.
Đối với giới siêu giàu, các nhóm này cung cấp một mạng lưới huấn luyện bí mật về mọi thứ, từ tìm ra mục đích sống của đời người tới học hỏi thêm về từ thiện hay blockchain.
“Khi người ta có trên 100 triệu USD, vấn đề của họ lớn hơn nhiều những người chưa giàu tới mức đó”, Michael Cole, 61 tuổi, một thành viên sáng lập R360, từng làm giám đốc điều hành công ty Quản lý Tài sản Cresset, cho biết. “Họ đã thành công và đang tìm hiểu mình có thể tác động thế nào đến những thứ liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội”.
R360 giống như một doanh nghiệp hợp danh trách nhiệm hữu hạn, với 48 thành viên sáng lập đóng góp mỗi người 350.000 USD để nắm 60% quyền sở hữu. Nhóm muốn tăng 50 thành viên mỗi năm tới khi đạt 500 người ở Mỹ và 500 người ở nước ngoài. Gracia nhấn mạnh R360 sẽ không bao giờ bị rao bán và “sẽ duy trì khoảng 100-200 năm nữa”.
Thành viên của R360 có thể đề xuất cơ hội đầu tư tới những người còn lại trong nhóm, nhưng mỗi thương vụ sẽ được một ủy ban 4 người kiểm tra, đánh giá bằng 100 tiêu chí khác nhau. Sau khi một công ty bên ngoài thẩm định hoạt động và tài chính, thành viên đề xuất có thể kêu gọi đầu tư.
Thành viên nhóm cũng được tiếp cận với chuyên gia đến từ các trường đại học và trường y danh tiếng. R360 muốn trở thành một “ốc đảo cho những người tạo ra của cải và gia đình họ phát triển”.
Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, tài sản của 500 người giàu nhất thế giới đã tăng 1,8 nghìn tỷ USD năm ngoái. Sự bất bình đẳng giàu nghèo toàn cầu trở nên trầm trọng hơn vì đại dịch khiến nhiều người kêu gọi đánh thêm thuế người giàu.
Hồi tháng 7, một nhóm 30 thành viên R360 tham gia khóa tu 4 ngày trên đảo Necker của tỷ phú Richard Branson. Ở đó, họ trao đổi với giáo sư David Sinclair của Đại học Harvard, cùng chơi tennis, thăm thú nhiều khu vực trên đảo.
Trong lịch trình tiếp theo, họ dự kiến tới thăm Học viện Quân sự West Point nổi tiếng của Mỹ, tọa đàm với các tướng quân đội về khả năng lãnh đạo. Các thành viên còn có cơ hội tham gia các hoạt động vượt chướng ngại vật, bắn súng, chơi bóng bầu dục.
Thành viên nào muốn giới thiệu về hành trình làm giàu của bản thân có thể hợp tác với nhà sản xuất phim toàn thời gian của R360 để quay lại bộ phim tài liệu về đời mình, cũng như viết một cuốn hồi ký dài 150-200 trang.
“Nếu định trở thành một người quản lý tài sản giỏi, ta cần phải tìm cách gây ảnh hưởng tới những thế hệ mà ta sẽ không bao giờ gặp”, Garcia nói.
Angel Alvarez, một thành viên của R360, người sáng lập kiêm chủ tịch Tập đoàn Quang học ABB, đang cùng gia đình thực hiện bộ phim tài liệu 40 phút về cộng đồng đã giúp ông thành công, trong đó dành 15 phút để giải quyết vấn đề “mục đích cuộc đời và phải làm gì để thay đổi thế giới” .
Brenda Snow, 57 tuổi, người sáng lập Công ty tiếp thị Snow, gia nhập R360 với mục đích tìm hiểu cách duy trì sự thịnh vượng qua nhiều thế hệ. Cha của bà là một doanh nhân thành đạt, không hề thảo luận về tiền bạc hay tài sản thừa kế với con cái đã trưởng thành và điều này gây căng thẳng trong gia đình. Snow không muốn điều đó xảy ra với con gái.
11 thành viên đã tham gia buổi họp về chủ đề phụ nữ, bàn luận về sức khỏe tâm thần thời kỳ Covid-19, điều hướng quan hệ với con cái trong gia đình ly hôn, cách xử lý khi kiếm được nhiều tiền hơn bạn đời.
“Người ta thường quá nhạy cảm với việc liệu bạn đời có thấy mình là người yếu thế, không có tiếng nói trong hôn nhân bởi bạn mới là người có quyền lực”, Snow, người từng trải qua cảm giác này với người chồng đầu tiên, nói.
Các thành viên chia sẻ lời khuyên về quản lý tài sản chung, khuyến nghị hai vợ chồng đóng góp vào tài sản chung theo tỷ lệ % số tiền mà mỗi người kiếm được.
“Người ta hay bảo người giàu thì sẽ chẳng gặp vấn đề gì. Nhưng thực ra, người giàu đôi khi cũng khóc”, Snow nói.
Hồng Hạnh (Theo Bloomberg) – VnExpress