Tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh – Vientiane được kỳ vọng sẽ tạo cú huých kinh tế cho Lào, nhưng cũng gieo lo âu về khoản nợ lớn.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Lào – Trung, dài 414 km từ thị trấn biên giới Boten giáp Vân Nam tới thủ đô Vientiane, được khởi công từ năm 2016, với hợp đồng ban đầu trị giá 1,2 tỷ USD. Dự án hoàn thành sau 5 năm thi công bởi Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (CNRG), với tổng giá trị tăng lên 6 tỷ USD.
Đây là dự án đầu tiên trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc hoàn thành ở Đông Nam Á, với tham vọng kết nối Côn Minh tới Lào, Thái Lan, sau đó vươn đến Malaysia và Singapore trên tuyến đường sắt xuyên Á dài 5.500 km.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tuyến đường sắt cao tốc này có thể giúp tăng lưu lượng mậu dịch giữa Trung Quốc và Lào từ 1,2 triệu tấn vào năm 2016 lên 3,7 triệu tấn vào năm 2030. Thời gian di chuyển bằng tàu từ Vientiane tới thị trấn Boten giáp biên giới Trung Quốc chỉ còn 4 tiếng, so với 15 tiếng nếu đi bằng ôtô.
Tại Boten, nó sẽ kết nối với tuyến đường sắt dài 595 km tới thành phố Côn Minh ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Còn ở Vientiane, đoàn tàu sẽ kết nối với một phần tuyến đường sắt Thái Lan, đi thẳng tới thủ đô Bangkok qua Nakhon Ratchasima.
Với khả năng mở rộng kết nối như vậy, tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung khiến không ít nhà kinh tế cảm thấy phấn khích, mở ra hy vọng về một tương lai phát triển rực rỡ cho đất nước Triệu Voi.
“Tuyến đường sắt sẽ thúc đẩy tăng trưởng du lịch, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến”, Valy Vetsapong, phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào (LNCCI), ngày 18/10 cho biết. “Nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ chuyển sang xuất khẩu sản phẩm, đặc biệt là nông sản, do đường sắt giúp tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc”.
Phía bên kia sông Mekong, nhiều người Thái Lan cũng tin rằng lượng du khách lớn mà tuyến đường sắt Lào – Trung dự kiến mang lại sẽ là một động lực phát triển cho vùng đông bắc của nước này.
Varavudh Meesaiyati, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Lào, cho biết tuyến đường sắt cao tốc của Lào có thể hút thêm du khách Trung Quốc đến khu vực Isaan thuộc vùng đông bắc nước này. Trước đây, du khách Trung Quốc thường chỉ tới Bangkok, Chiang Mai cùng các khu nghỉ dưỡng ven biển ở miền nam Thái Lan.
Ông thêm rằng chi phí và thời gian xuất khẩu nông sản như xoài hay sầu riêng từ Thái Lan sang Trung Quốc cũng sẽ được giảm bớt nhờ tuyến đường sắt Lào – Trung, song thừa nhận sẽ có một làn sóng trái cây đổ về theo chiều ngược lại, tạo ra cạnh tranh đáng kể cho các thương lái địa phương.
Một báo cáo năm 2020 của WB ước tính tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung có thể giảm 40-50% chi phí vận tải giữa Côn Minh với Viêng Chăn và giữa Côn Minh với cảng Laem Chabang của Thái Lan.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo lợi ích kinh tế mà tuyến đường sắt mang lại cho Lào có thể không lớn như kỳ vọng và nước này có khả năng gặp khó khăn khi trả các khoản vay cho Trung Quốc. Một số quốc gia trong khu vực, như Malaysia, từng cảnh báo về nguy cơ từ các khoản nợ quá lớn mà Trung Quốc cho vay để thực hiện dự án cơ sở hạ tầng thuộc BRI.
Aat Pisanwanich, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Quốc tế tại Đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC), dự đoán Lào sẽ chỉ nhận được khoảng 40% tổng thu nhập từ du lịch nhờ dự án đường sắt cao tốc này, bởi hầu hết các doanh nghiệp du lịch tại Lào đều do người Trung Quốc làm chủ. Theo ông, Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều hơn so với Lào từ việc vận hành tuyến đường sắt.
Aat ước tính có khoảng 3-4 triệu người Trung Quốc đang sống và làm việc tại Lào. Con số này có thể tăng lên 10 triệu sau khi tuyến đường sắt Lào – Trung đi vào hoạt động.
Theo Vannarith Chheang, chuyên gia tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, dự án đường sắt trên có giá trị tới 6 tỷ USD, tương đương khoảng 1/3 GDP của Lào, trong khi Lào trước đó đã gánh khoản nợ khoảng 1,5 tỷ USD từ Trung Quốc.
Trong một báo cáo hồi tháng 7, Chheang cho hay Trung Quốc được cho là đã bắt đầu hoãn hoặc xóa một số khoản nợ mà Lào phải trả cho tuyến đường sắt cùng các dự án khác để đổi lấy một số quyền khai thác đất đai và nguồn tài nguyên khác.
Panitda Saiyarod, giảng viên tại khoa Xã hội học và Nhân chủng học thuộc Đại học Chiang Mai, cũng chung nhận định, khi cho rằng tuyến đường sắt có thể không mang lại lợi ích lâu dài cho Lào vì nước này có xu hướng trả nợ cho Trung Quốc bằng cách chuyển giao quyền khai thác các nguồn tài nguyên như đất đai.
Panitda cho hay khi các khoản nợ đến hạn, Lào có thể sẽ phải nhượng bộ trước các nhà phát triển đặc khu kinh tế của Trung Quốc. Lào hiện có hơn 10 đặc khu kinh tế, khoảng một nửa trong số đó do các công ty Trung Quốc điều hành.
Một lo ngại khác mà các chuyên gia nêu ra là tác động của tuyến đường sắt mới tới môi trường sống của người Lào cũng như các danh lam thắng cảnh của nước này, khi đoàn tàu tốc độ cao nhiều khả năng sẽ mang tới đây một làn sóng du khách khổng lồ.
Họ cảnh báo tình trạng phát triển du lịch quá mức sẽ mang đến những rủi ro nhất định, đặc biệt là tại những khu vực nổi tiếng với bầu không khí yên tĩnh và cảnh quan thanh bình, như Di sản Thế giới Luang Prabang hay Vang Vieng. Cả hai nơi đều có ga dừng trên tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung và được dự đoán sẽ trải qua những thay đổi lớn khi nó đi vào hoạt động.
Những mối lo lắng đặc biệt dồn vào thành cổ Luang Prabang, nơi vốn đang chịu nhiều áp lực từ quá trình xây dựng các con đập thủy điện trên sông Mekong.
“Di sản văn hóa quý giá nhất của Lào đang bị đe dọa bởi những con đập nơi thượng nguồn và tuyến đường sắt cao tốc mới từ Trung Quốc”, Brian Eyler, giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu Stimson, trụ sở ở Washington, Mỹ, bình luận.
Bất chấp những lo lắng và hoài nghi, giới chuyên gia cho rằng Lào vẫn sẽ nỗ lực đưa dự án đường sắt cao tốc vào hoạt động đúng hẹn. Greg Raymond, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), cho rằng chính phủ Lào đã đặt quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi hàng ngũ các quốc gia kém phát triển nhất và họ coi “phát triển cơ sở hạ tầng là giải pháp”.
Từ lâu, việc tăng cường kết nối đã được coi là chiến lược hiệu quả để củng cố an ninh, xây dựng thịnh vượng và tránh xung đột, Raymond nhận xét. Đây được coi là động lực thúc đẩy Trung Quốc và Lào hoàn thành dự án tỷ USD sau 5 năm thi công.
“Nó sẽ là bằng chứng cho thấy thành công đầu tiên của sáng kiến Vành đai và Con đường ở Đông Nam Á. Nó sẽ được cả hai chính phủ coi là một thành tựu lớn và thể hiện ảnh hưởng chính trị, kinh tế, công nghệ của Trung Quốc ở khu vực”, Panitda nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo SCMP) – VnExpress