Mỹ đưa Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và doanh nghiệp quân đội Myanmar vào danh sách đen thương mại, nhưng lệnh trừng phạt dường như có ít tác động.
Loạt biện pháp trừng phạt được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm qua nhằm phản ứng với các vụ trấn áp biểu tình khiến 38 người thiệt mạng tại Myanmar ngày 3/3, đánh dấu ngày đẫm máu nhất tại nước này kể từ khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực trước đó một tháng.
“Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục buộc những người đứng sau vụ đảo chính phải chịu trách nhiệm”, Bộ Thương mại Mỹ ra thông cáo cho biết, thêm rằng Washington sẽ không cho phép quân đội Myanmar lợi dụng quyền tiếp cận nhiều sản phẩm của Mỹ và đang xem xét nhiều biện pháp bổ sung.
Theo lệnh cấm vận, Mỹ sẽ đưa Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Myanmar vào danh sách đen thương mại, đồng thời áp đặt kiểm soát xuất khẩu với những sản phẩm “được sử dụng cho mục đích quân sự”, buộc các công ty Mỹ phải xin giấy phép nếu muốn bán các mặt hàng này cho Myanmar.
Hai doanh nghiệp do quân đội kiểm soát gồm Myanmar Economic Corporation và Myanmar Economic Holdings Limited cũng bị đưa vào danh sách đen thương mại. Đây là các tập đoàn kiểm soát mọt phần nền kinh tế Myanmar, đầu tư vào nhiều lĩnh vực như đồ tiêu dùng, khai khoáng và bất động sản.
Tuy nhiên, lệnh cấm vận dường như sẽ có ít ảnh hưởng vì xuất khẩu hàng năm của Mỹ sang Myanmar có giá trị tương đối nhỏ và hai doanh nghiệp trên cũng không phải nhà nhập khẩu chủ chốt. “Giá trị thương mại khá nhỏ nên ảnh hưởng sẽ không lớn. Ảnh hưởng chỉ đủ lớn nếu theo đuổi các tài sản của lãnh đạo quân đội đứng sau cuộc đảo chính”, William Reinsch, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, cho hay.
Chính phủ Mỹ chưa sử dụng đến công cụ trừng phạt cứng rắn nhất với Myanmar, đó là “danh sách các công dân được chỉ định đặc biệt” của Bộ Tài chính Mỹ, trong đó cho phép đóng băng tài sản, ngăn cấm mọi giao dịch với công dân Mỹ và loại bỏ những người trong danh sách khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ.
Myanmar rơi vào khủng hoảng khi hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình phản đối đảo chính. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cho biết tổng cộng hơn 50 người đã chết kể từ sau cuộc đảo chính, nhiều người bị thương và khoảng 1.200 người bị bắt.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết nước này “kinh hoàng” vì ngày biểu tình đẫm máu ở Myanmar và kêu gọi quốc tế truy cứu trách nhiệm những người đứng sau. Mỹ trước đó đề nghị Trung Quốc đóng một vai trò mang tính xây dựng trong cuộc khủng hoảng ở Myanmar, dù Bắc Kinh từ chối lên án cuộc đảo chính.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp, nhưng không lên án cuộc đảo chính vì sự phản đối của Nga và Trung Quốc, những bên coi diễn biến này là vấn đề nội bộ của Myanmar.
Vũ Anh (Theo AFP) – VnExpress