Vị trí chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai. Đồ họa: Cofda.
Nga tuyên bố sẽ hành động nhằm duy trì an ninh quốc gia nếu Mỹ đặt tên lửa tầm xa và ngắn hơn tại châu Á – Thái Bình Dương.
“Việc Mỹ triển khai các tên lửa tầm xa và ngắn hơn dưới bất kỳ hình thức nào ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm châu Á – Thái Bình Dương, sẽ gây bất ổn vô cùng lớn xét theo góc nhìn an ninh quốc tế và khu vực. Điều này sẽ châm ngòi một vòng xoáy chạy đua vũ trang mới, tiềm ẩn đầy rẫy những hậu quả khôn lường”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 12/3.
“Những diễn biến đó rõ ràng sẽ không giúp tăng cường an ninh cho Mỹ theo bất cứ cách nào, chưa nói tới các đồng minh của họ. Việc có thêm nhiều mối đe dọa tên lửa xuất hiện chắc chắn sẽ dẫn đến sự đáp trả từ phía chúng tôi”, bà nói thêm.
Bình luận của Moskva được đưa ra sau khi truyền thông Nhật Bản đưa tin Tokyo và Washington đang cân nhắc thảo luận về triển vọng đưa các tên lửa tầm xa phóng từ mặt đất của Mỹ tới Nhật Bản, trước đây bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm xa (INF) giữa Nga và Mỹ. Hai bên đều đã chấm dứt hiệp ước này.
Tuy nhiên, Zakharova nhấn mạnh rằng Nga có nguyên tắc không triển khai tên lửa loại này đến khu vực mà Mỹ không triển khai vũ khí tương đương. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên quan tâm đến nỗ lực chung, nhằm đạt được giải pháp chính trị và ngoại giao trong bối cảnh Mỹ đã hủy bỏ Hiệp ước INF”, phát ngôn viên cho biết.
Trong báo cáo Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI) trình lên quốc hội Mỹ hồi đầu tháng, Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đề xuất triển khai Lực lượng Liên quân Tích hợp với mạng lưới tên lửa dẫn đường trên “chuỗi đảo thứ nhất” ở Thái Bình Dương, nhằm duy trì cán cân quân sự khu vực.
Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng kêu gọi cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa ở “chuỗi đảo thứ hai”, duy trì lực lượng phân tán để giữ ổn định khu vực và bảo đảm khả năng chiến đấu trong thời gian dài khi cần thiết.
“Chuỗi đảo thứ nhất” là thuật ngữ dùng để chỉ khu vực bên trong vành đai nối từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản, đảo Okinawa, đảo Đài Loan và tới Philippines. “Chuỗi đảo thứ hai” bắt đầu từ quân cảng Yokosuka ở Nhật đến Indonesia, với trung tâm là đảo Guam của Mỹ.
Ánh Ngọc (Theo Tass) – VnExpress