Cảnh sát Myanmar bất ngờ nổ súng sau khi dùng hơi cay và lựu đạn choáng để giải tán đám đông, khiến nhiều người thương vong, theo các nhân chứng.
“Họ tiến về phía chúng tôi và bắn đạn hơi cay, sau đó tiếp cận và dùng lựu đạn choáng. Họ không phun vòi rồng hay phát loa yêu cầu đám đông giải tán, mà bất ngờ nổ súng”, Si Thu Maung, người đứng đầu cuộc biểu tình ở thị trấn Myingyan, miền trung Myanmar, cho biết hôm 4/3.
Một thiếu niên thiệt mạng ở Myingyan, trong khi con số thương vong lớn nhất được ghi nhận là ở thị trấn miền trung Monywa, nơi 6 người chết trong các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự. “Chúng tôi đã xác nhận với gia đình và các bác sĩ, 6 người đã thiệt mạng. Ít nhất 30 người bị thương, một vài người vẫn còn đang bất tỉnh”, Ko Thit Sar, biên tập viên tờ Monywa Gazette, tiết lộ.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cho biết 38 người đã thiệt mạng hôm 3/3, biến đây trở thành ngày đẫm máu nhất kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính ngày 1/2. Tổng cộng hơn 50 người đã chết kể từ sau cuộc đảo chính và nhiều người bị thương.
Tại Yangon, các nhân chứng nói rằng ít nhất 8 người thiệt mạng, một người chết vào buổi sáng, và 7 người chết khi lực lượng an ninh sử dụng vũ khí tự động vào đầu giờ tối. “Tôi nghe thấy rất nhiều tiếng súng liên tiếp. Tôi nằm xuống đất, họ bắn nhiều phát và tôi thấy hai người thiệt mạng tại chỗ”, người biểu tình Kaung Pyae Sone Tun, 23 tuổi, kể.
Hai người chết ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai đất nước, trong đó có một cô gái 19 tuổi mặc áo phông in dòng chữ “mọi chuyện sẽ ổn”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh”, nhà hoạt động Esther Ze Naw nói.
“Chúng tôi biết mình luôn có nguy cơ bị trúng đạn và thiệt mạng, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu bằng mọi cách”, Maung Saungkha, một người biểu tình, cho hay.
Hàng trăm nghìn người Myanmar đã xuống đường biểu tình phản đối chính quyền quân sự kể từ sau cuộc đảo chính cách đây một tháng. Trước ngày 3/3, 28/2 là “ngày đẫm máu” nhất với 18 người biểu tình chết và 30 người bị thương.
Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã bị giữ kể từ sau cuộc đảo chính. Bà xuất hiện trước tòa thông qua cuộc gọi video vào tuần này và dường như có sức khỏe tốt.
Bạo lực biểu tình hôm 3/3 xảy ra sau khi các ngoại trưởng ASEAN, trong đó có đại diện quân đội Myanmar Wunna Maung Lwin, thảo luận về cuộc khủng hoảng tại cuộc họp trực tuyến. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi bày tỏ thất vọng vì quân đội Myanmar thiếu hợp tác. Singapore, nhà đầu tư lớn nhất của Myanmar, lên án chính quyền sử dụng vũ lực gây chết người.
Mỹ nói rằng họ “kinh hoàng” trước bạo lực ở Myanmar và kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho các nhà báo bị bắt với cáo buộc vi phạm luật trật tự công cộng. Tổng thống Pháp Emanuel Macron kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực ở Myanmar và để nền dân chủ trở lại.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên đã bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp, nhưng không lên án cuộc đảo chính vì sự phản đối của Nga và Trung Quốc, những bên coi diễn biến này là vấn đề nội bộ của Myanmar.
Vũ Anh (Theo NBC News) – VnExpress