Nỗ lực WHO phá thế độc quyền vaccine Moderna

Sau khi Moderna từ chối chia sẻ công thức vaccine, WHO lập dự án giải mã công nghệ mRNA nhằm tạo ra một loại vaccine gần giống nhất có thể.

Afrigen, công ty chế phẩm sinh học chuyên phát triển vaccine thú y ở Nam Phi, trở thành đơn vị nòng cốt trong một dự án trị giá 100 triệu USD của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đơn đặt hàng mà họ nhận được là tìm cách tạo ra một loại vaccine Covid-19 bằng công nghệ mRNA càng giống sản phẩm của Moderna càng tốt.

Afrigen trước đây chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống để phát triển các loại vaccine thú ý, nhưng họ đã chấp nhận “canh bạc” của WHO và lấn sân sang lĩnh vực mới. Giám đốc điều hành Petro Treblanche mô tả phòng thí nghiệm của công ty giờ đây biến thành một “tổ ong” chuyên nghiên cứu công nghệ vaccine mRNA.

“Bạn sẽ thấy các nhà khoa học mặc áo bảo hộ kín người vận hành lò phản ứng sinh học để tạo ra ADN”, Treblanche nói. “Chúng tôi có phòng vô trùng để tiến hành các thử nghiệm. Chúng tôi có buồng ổn định trữ chế phẩm, giúp phân tích khả năng duy trì ổn định của sản phẩm trong những điều kiện độ ẩm và nhiệt độ khác nhau”, bà cho biết.

Một khi Afrigen giải mã được quy trình phức tạp chế tạo vaccine Covid-19 của Moderna, WHO cùng một số đối tác sẽ tiếp tục đầu tư giúp họ dạy lại công nghệ này cho các nước khác. Martin Friede, quan chức WHO phụ trách dự án, gọi phòng thí nghiệm của Afrigen là một “trạm chuyển giao công nghệ vaccine”.

“Các nhà sản xuất từ khắp thế giới sẽ được mời đến và học hỏi toàn bộ quy trình sản xuất”, ông cho biết.

Friede kỳ vọng dự án sẽ tăng tốc phổ biến công nghệ vaccine mRNA trên toàn thế giới, chứ không phải chuyển giao cho một vài nhà sản xuất. WHO đặc biệt hướng đến nhà sản xuất vaccine từ những nước có thu nhập vừa và thấp.

Đây là những nước đã và đang chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch vì năng lực sản xuất vaccine gần như bằng không, điển hình là châu Phi, Đông Nam Á và các nước nghèo tại Trung Đông.

Một số quốc gia thu nhập vừa và thấp đã bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine, nhưng chỉ dừng ở gia công đóng gói. Theo Friede, việc không có nhà sản xuất đủ khả năng thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất vaccine là nguyên nhân lớn khiến các nước nghèo luôn hụt hơi trong công cuộc tìm kiếm nguồn cung. Hệ quả là mới chỉ khoảng 5% người dân khắp châu Phi được tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, trong khi tỷ lệ này ở nhiều nước giàu là hơn 50%.

Friede cho biết dự án nhắm vào vaccine mRNA vì công nghệ này đã chứng tỏ hiệu quả trong giảm rủi ro lây nhiễm và bệnh nặng khắp thế giới trong gần hai năm đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, công nghệ này cũng đang chứng tỏ tiềm năng giải quyết một số căn bệnh nguy hiểm khác phổ biến tại các nước nghèo như sốt rét và nhiễm khuẩn lao.

Quan chức này cũng giải thích rằng việc mô phỏng vaccine của Moderna thay vì sản phẩm cũng sử dụng công nghệ mRNA khác như Pfizer-BioNTech là lựa chọn mang tính thực tế hơn.

“Moderna đã nhiều lần tuyên bố sẽ không đòi quyền sở hữu trí tuệ vaccine trong giai đoạn đại dịch”, ông cho biết. Nói cách khác, nhà sản xuất được chuyển giao cách mô phỏng công thức vaccine của Moderna sẽ ít chịu rủi ro bị khiếu kiện hơn. So với Pfizer, Moderna cũng công bố nhiều thông tin hơn về nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19 dùng công nghệ mRNA.

Tuy nhiên, Treblanche lưu ý tập đoàn dược phẩm Mỹ vẫn giữ kín nhiều thông tin quan trọng về vaccine, điều được thể hiện trong nội dung đăng ký bản quyền của họ. “Bản đăng ký được soạn thảo rất cẩn thận để không tiết lộ mọi thứ về công nghệ này”, bà nói.

Bởi vậy, dù Afrigen đã xác định được phần lớn thiết bị và nguyên liệu chuyên dụng cần cho điều chế vaccine của Moderna, họ vẫn chưa hiểu được cách thức điều chế hay nồng độ của mỗi thành phần.

Một trong những thách thức lớn nhất với Afrigen là sao chép “hạt nano lipid”, lớp vỏ phân tử béo giúp đưa các sợi mRNA vào cơ thể đến tế bào mục tiêu một cách an toàn, ít gây tác dụng phụ không mong muốn.

Treblanche cho rằng “hạt nano lipid” của Moderna đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sợi mRNA đến những nơi trọng yếu của cơ thể như lá lách và hạch bạch huyết. Bà chia sẻ Afrigen biết nhiều cách đóng gói chế phẩm sinh học, nhưng đội ngũ nghiên cứu tại Nam Phi chưa từng thử sức với hạt nano lipid “đóng gói” mRNA.

Moderna đang chịu áp lực ngày càng lớn trong chia sẻ công nghệ vaccine với thế giới. Tuần qua, một số nghị sĩ lưỡng viện của đảng Dân chủ cùng đứng tên trong lá thư, chỉ ra rằng Moderna đã nhận khoản tài trợ lớn từ chính phủ Mỹ trong quá trình phát triển vaccine, trong đó nghiên cứu về thành phần vaccine mRNA đã nhận được ít nhất 1 tỷ USD.

Các nghị sĩ Mỹ cho rằng chính phủ có thể và nên vận dụng quy định hợp đồng với Moderna, buộc hãng dược này chia sẻ công thức vaccine.

Moderna cũng như Pfizer-BioNTech đã tuyên bố kế hoạch đặt dây chuyền điều chế vaccine tại châu Phi, đồng thời cam kết tạo điều kiện cho nước thu nhập thấp tiếp cận nguồn vaccine Covid-19 dễ dàng hơn.

Friede cho rằng đây là tín hiệu đáng khích lệ, nhưng vẫn không đảm bảo an ninh y tế cho châu Phi hay nhóm nước nghèo, khi họ không thể làm chủ công nghệ. Trong trường hợp chuỗi cung ứng toàn cầu biến động, vaccine từ những nhà máy ở nước nghèo có thể bị chuyển hướng sang Mỹ hoặc châu Âu.

Dự án của WHO với Afrigen tìm cách khắc phục điểm yếu này. Vấn đề lớn nhất là nhà sản xuất cần 3-4 năm để có thể cho ra lò “bản sao” vaccine Covid-19 dùng công nghệ mRNA. Trong trường hợp WHO thuyết phục thành công Moderna chia sẻ công nghệ, Friede kỳ vọng các nhà sản xuất vaccine ở nước nghèo có thể cho ra lò những mẻ vaccine đầu tiên sau hai năm.

Ramsu Bech Hansen, CEO hãng phân tích Airfinity của Anh, lại cho rằng quá trình đàm phán với Moderna lẫn dự án sao chép công thức vaccine đều đang được triển khai quá chậm. Airfinity cho hay trong vài tháng qua, các nhà sản xuất vaccine trên khắp thế giới đã tăng tốc đáng kinh ngạc, nhiều khả năng cung cấp dư vaccine Covid-19 cho cả thế giới trong năm sau.

Trong trường hợp trên, dự án của WHO vẫn có công dụng riêng. Hansen lạc quan rằng sáng kiến Afrigen sẽ giúp châu Phi chuẩn bị tốt hơn để ứng phó đại dịch tiếp theo có thể bùng phát. Friede nhấn mạnh lợi ích của việc giải mã công nghệ mRNA không dừng ở câu chuyện nguồn cung.

Một trong những mục tiêu từ đầu của dự án là “cải tiến” vaccine, giúp các nước nghèo bảo quản được vaccine ở nhiệt độ cao hơn so với tủ đông sâu của Moderna và Pfizer-BioNTech. Treblanche thừa nhận đây là yêu cầu rất khó nhưng không phải nhiệm vụ bất khả thi. Mẫu vaccine mô phỏng sẽ trở thành bản nâng cấp và giúp những nước thu nhập thấp đỡ gánh lo hạ tầng bảo quản khổng lồ.

“Moderna chỉ là bản mẫu cho chúng tôi tham khảo”, Treblanche nhấn mạnh. “Về lâu dài, chúng tôi muốn tạo ra một loại vaccine tốt hơn nó.

Trung Nhân (Theo NPR) – VnExpress

One Comment on “Nỗ lực WHO phá thế độc quyền vaccine Moderna”

Leave a Reply