‘Tất cả có thể đã nhiễm’ – bên trong bệnh viện điểm nóng ở New York

Đồ bảo hộ và dụng cụ xét nghiệm cạn dần, nhiều nhân viên y tế nhiễm bệnh nhưng các bác sĩ và y tá ở New York vẫn tiếp tục công việc của mình. Họ sợ phải chọn bệnh nhân để cứu.

Chưa tới 9h sáng nhưng chiếc khẩu trang N95 đã nằm lệch trên mặt bác sĩ Sylvie de Souza.

Trong cơn mưa lạnh cóng hôm 23/3, cô liên tục di chuyển giữa khoa cấp cứu của trung tâm y tế Brooklyn, nơi cô làm trưởng khoa, và một chiếc lều bên ngoài. Cô quan sát các bác sĩ thực tập, y tá và các nhân viên. Những người này sẽ sàng lọc gần 100 bệnh nhân virus corona đến bệnh viện ngày hôm đó.

Trong phòng cấp cứu, hơn một chục người có dấu hiệu nhiễm virus đang chờ sàng lọc ở khu vực vài tuần trước được dùng băng bột và xử lý các vết thương. Một tá người khác nằm trên những chiếc băng ca xếp thành dãy như một bãi đậu xe của thành phố New York. Một người đàn ông thở máy đang chờ được vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Bác sĩ de Souza chỉ vào những chiếc giường dành cho những trường hợp khẩn cấp, được ngăn cách với những ca nhiễm virus bởi một bức tường mới xây. “Đây là khu vực an toàn của chúng tôi”, cô nói với New York Times. Sau đó, cô tự sửa lại: “Khu vực này xem như an toàn. Thật sự không có cách nào để biết điều đó”.

Ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở bệnh viện này 3 tuần trước. Tiến sĩ de Souza đã ghi lại những ca nghi nhiễm lên một tờ giấy. Danh sách này đã lên đến hơn 800 bệnh nhân, hầu hết họ được kiểm tra trong chiếc lều ở ngoài.

Cô de Souza và những người khác tại bệnh viện đã chuẩn bị cho số bệnh nhân ngày một tăng. Họ hủy bỏ hầu hết phẫu thuật để giảm số bệnh nhân, dành một phòng X-quang riêng cho bệnh nhân nghi nhiễm virus, tìm kiếm nguồn cung, không cho thăm bệnh, chuyển y tá đến các vị trí mới và mở một đường dây nóng cho cộng đồng.

Chế độ đối phó thảm họa

Bệnh viện 175 tuổi này đang mở rộng công suất như điều mà Thống đốc bang Andrew Cuomo yêu cầu tất cả bệnh viện ở New York thực hiện. Thành phố New York đã xác nhận hơn 20.000 ca nhiễm và 280 trường hợp tử vong.

Được cấp phép để điều trị cho 464 bệnh nhân, trung tâm y tế Brooklyn thường chỉ có đủ nhân viên và giường để xử lý 250 đến 300 bệnh nhân. Họ đang lên kế hoạch tăng con số này lên 1/2 nếu cần, nhưng có thể họ sẽ phải tăng lên gấp đôi.

“Tôi có rất nhiều nỗi sợ khác nhau”, bác sĩ de Souza nói hôm 25/3. Nếu số bệnh nhân tăng với tốc độ hiện tại, cô lo ngại phòng cấp cứu sẽ hết chỗ vào tuần tới. Nếu nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng và cần phải duy trì sự sống, cô lo lắng sẽ phải chọn người để cứu.

Hơn 40% bệnh nhân nội trú tại bệnh là các trường hợp dương tính hoặc nghi nhiễm virus. Hơn 2/3 số bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt cùng nằm trong số này.

Hơn nửa tá nhân viên bệnh viện đã nhiễm virus và gần 50 nhân viên bị phơi nhiễm chỉ bởi một bệnh nhân. Đó là bệnh nhân nhiễm virus đầu tiên ở bệnh viện. Người này có các triệu chứng sau khi ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) vì một vấn đề sức khỏe khác.

Vài nhân viên đã tự cách ly. Đáng lo ngại nhất, vào đầu tuần, 2 nhân viên bệnh viện phải vào ICU.

Trong phòng cấp cứu hôm 23/3, bác sĩ de Souza thấy một khuôn mặt quen thuộc. Có một bệnh nhân ho dữ dội đến nỗi không thể nói được. Bệnh nhân này là bác sĩ Yijiao Fan, 31 tuổi, một bác sĩ phẫu thuật miệng nội trú của bệnh viện dương tính với virus. Anh tự cách ly ở nhà cả tuần và nghĩ rằng mình đã khỏe hơn, nhưng anh bắt đầu ho ra máu vào sáng hôm đó. Bác sĩ Fan không hề có bệnh nền nào.

Bệnh viện cũng quản lý chặt chẽ số lượng khẩu trang và đồ bảo hộ được tiêu thụ vì những thứ này đang cạn dần. Mỗi nhân viên chỉ được một bộ mỗi ngày và phải điền đơn xác nhận.

Tuần trước, bệnh viện gần hết cây phết dịch xét nghiệm và phải kêu cứu với chính phủ liên bang. “Chúng tôi đang ở chế độ đối phó thảm họa”, ông Gary G. Terrinoni, người đứng đầu bệnh viện nói với New York Times.

Sau đó, 200 chiếc hộp đựng dụng cụ xét nghiệm từ kho dự trữ liên bang đã được đưa đến bệnh viện.

Nhưng có một vấn đề. Kết quả xét nghiệm sẽ được thông báo trực tiếp đến bệnh nhân chứ không phải bệnh viện. Bác sĩ de Souza đã hỏi các nhân viên y tế công cộng đến giám sát việc sử dụng các bộ xét nghiệm như thế thì giúp gì cho bệnh viện. “Chúng tôi không thể dự đoán bệnh diễn biến thế nào”, cô de Souza nói. “Nếu bệnh nhân sử dụng ống thở, họ sẽ không thể nghe điện thoại và nhận kết quả”. Lãnh đạo bệnh viện đã cố gắng giải quyết vấn đề và các hộp xét nghiệm này vẫn chưa được sử dụng.

Theo các quy tắc mới từ sở y tế địa phương, các bác sĩ chỉ được xét nghiệm những người có triệu chứng đủ nặng để nhập viện.

Vài tuần trước, bệnh viện gửi mẫu thử đến phòng thí nghiệm y tế công cộng thành phố và có kết quả sau một ngày. Bây giờ, mẫu thử được chuyển hai lần một ngày đến phòng thí nghiệm Quest ở California. Lúc đầu, mất hai ngày để có kết quả, sau đó là bốn ngày và bây giờ là một tuần.

“Điều này thực sự giết chết chúng tôi”, ông Terrinoni nói. Hôm 25/3, bệnh viện có 65 bệnh nhân đang chờ kết quả. Mỗi người được cách ly trong một căn phòng thường được sử dụng cho hai bệnh nhân.

Bang New York đã yêu cầu bệnh viện tăng công suất giường lên 50%. Ông Terrinoni tìm thấy chỗ, “nhưng chúng tôi không có giường. Thật sự không có. Chúng tôi cũng không có nhân sự”.

“Tất cả chúng tôi có thể đã nhiễm”

Trong căn lều ngoài trời, bệnh nhân Luciano Mahecha, 50 tuổi, cởi áo khoác. Một bác sĩ đặt ống nghe lên lưng ông. “Phổi của bạn rất sạch và rõ. Không cần phải làm xét nghiệm”, bác sĩ Robert Jardine nói. Bác sĩ bảo ông Mahecha về nhà và ở yên đó.

Ông Mahecha, thở phào nhẹ nhõm vì ông nghĩ mình nhiễm virus. “Tôi nghĩ rằng tôi nhiễm virus, nhưng cảm ơn Chúa mọi thứ đều ổn”, ông nói. “Tôi không nhiễm virus”.

“Khả năng cao ông ấy nhiễm rồi”, bác sĩ Jardine nói với New York Times và sau đó chỉ vào các đồng nghiệp của mình. “Có lẽ tất cả chúng tôi cũng nhiễm rồi”. Chúng tôi tiếp xúc hàng ngày với những người có khả năng nhiễm bệnh cao hơn những người khác.

Đi qua khoa cấp cứu, bác sĩ de Souza dừng lại để nói chuyện với hai bác sĩ trong ICU.

“Có một bệnh nhân ở đây”, cô nói với họ. Giữa những bệnh nhân đang chờ được chuyển lên tầng trên là một bệnh nhân bệnh nặng đang phải thở máy.

“Các phòng đều đã đầy”, bác sĩ Jose Orsini nói với de Souza. “Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn”.

Bác sĩ de Souza sợ hãi khi nghe điều đó. Cô bị ám ảnh bởi việc bác sĩ ở Italy phải từ chối cứu người già tại các bệnh viện cạn kiệt thiết bị. “Tôi đã tự hỏi mình rằng đó có phải là thứ chúng tôi sắp phải đối mặt”, cô nói. Một số bệnh nhân đã được sàng lọc và về nhà phải quay lại bệnh viện vì khó thở và cần phải đặt máy thở. “Mọi thứ ngày càng trở nên khó khăn”, cô cảm thán.

Tuần này, bệnh viện đã đếm tất cả các máy thở họ có, bao gồm cả máy gây mê được sử dụng trong các ca phẫu thuật. Họ tìm được 61 chiếc. Bác sĩ James Gasperino, người đứng đầu khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, đang tìm mua máy thở mới. “Chúng tôi đang thử dùng 1 máy thở cho 2 bệnh nhân”, ông nói.

Hiện tại, các nhân viên bệnh viện vẫn đang cố gắng làm mọi thứ có thể. “Bệnh viện không thể đóng cửa với các bệnh nhân khác”, ông Lenny Singletary, phó chủ tịch cấp cao về đối ngoại của bệnh viện nói với New York Times. “Trung tâm y tế này chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai, sinh con và những người bị đột quỵ nữa”, ông nói. “Chúng tôi không thể đóng cửa bệnh viện chỉ để điều trị virus corona”.

Và vì vậy các nhân viên vẫn tiếp tục công việc của họ.

“Họ lấy hết can đảm, mặc đồ bảo hộ và tiến tới”, bác sĩ de Souza nói về đội ngũ của mình. “Tất nhiên họ lo lắng, tất nhiên họ có nỗi sợ, họ là con người. Không ai trong chúng tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi thậm chí không biết chúng tôi có nhiễm bệnh hay không. Nhưng chúng tôi vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình”.

Như Trần – Zing

Nguồn: https://news.zing.vn/tat-ca-co-the-da-nhiem-ben-trong-benh-vien-diem-nong-o-new-york-post1064954.html

Leave a Reply